Từ mục tiêu của cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng XHCN được cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Đại hội III, IV, V, VI… XI đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng, to lớn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được cụ thể hóa với quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) ngày 5/8/2008. Sau hơn 25 năm đổi mới, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết toàn diện nhất về vấn đề Tam nông. Đây cũng là Nghị quyết hợp với ý Đảng, lòng dân, đã tạo ra những động lực mới cho khu vực Tam nông. Sau 5 năm thực hiện chúng ta đã thu được một số kết quả quan trọng, song cũng còn một số tồn tại, hạn chế, thách thức.
1. Thành tựu về nông nghiệp nông dân nông thôn giai đoạn 2006-2013
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư cải tạo, xây mới và nâng cấp, các điều kiện hỗ trợ, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp NLTS, hộ gia đình, làng nghề, cụm công nghiệp được nhà nước quan tâm đầu tư cao hơn trước. Công nghệ thông tin, trụ sở làm việc của các cấp chính quyền được tăng cường. Phục vụ tốt hơn yêu cầu điều hành của chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ chủ chốt được đào tạo nâng cao trình độ.
Đã có một bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề từ lĩnh vựcNLTS sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Quá trình đó diễn ra đúng định hướng CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Đã hình thành lực lượng sản xuất mới tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập của nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14 xuống 9,5% (2013), tăng tỷ lệ cơ giới hóa.
Hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, xác định một số mặt hàng chủ lực để xuất khẩu. Động lực của sự tăng trưởng theo chiều sâu, đưa nông lâm nghiệp Việt Nam từng bước đổi mới và hội nhập là KHCN.
Chuyên canh cây khoai lang Nhật Bản là một thế mạnh của xã Thanh Đông (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), với giá trị chiếm 80% tổng giá trị trong cơ cấu kinh tế của xã. Hiện nay, xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
2. Một số tồn tại
Trong quá trình CNH-HĐH nền nông nghiệp nông thôn Việt Nam yếu tố trở ngại nhất là chúng ta tiến hành CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn từ điểm xuất phát rất thấp thể hiện ở 3 tiêu chí:
- Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kém phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa.
-Trình độ dân trí của nông dân, tỷ lệ lao động được đào tạo quá thấp.
- Tỷ lệ hộ nghèo cao, năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ.
Thiếu vốn đầu tư cho Tam nông: Theo báo cáo của UBTVQH tại kỳ họp thứ 3 quốc hội khóa VIII thì trong giai đoạn 2006-2011 tổng vốn đầu tư cho Tam nông từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 432.788 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho NLTS là 153.548 tỷ đồng (35,48%); vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng xã hội là 279.240 tỷ đồng (64,5%).
Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 ước đạt 3,36%, đóng góp cho tăng trưởng GDP khoảng 20%. Tính đến năm 2013 tổng đầu tư cho lĩnh vực Tam nông toàn xã hội khoảng 6,2%, đóng góp cho tăng trưởng GDP 22%. Mặc dù vậy nguồn vốn đầu tư này chỉ đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Trong khi đó nguồn vốn FDI đầu tư trực tiếp vào NLTS giảm từ 8% (năm 2001) xuống 1% (2011).
Tính chung cho cả thời kỳ 1999 đến 2010 lĩnh vực NLTS mới thu hút được 738 dự án với tổng số đăng ký 4,3 tỷ USD, chỉ chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đây là một trong những tồn tại và nguyên nhân hạn chế kết quả CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
Các chính sách về Tam nông như miễn giảm thuế nông nghiệp, sử dụng đất, hỗ trợ vốn tín ụng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực tam nông còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống.
Khoa học và công nghệ phục vụ tam nông: Trong 5 năm qua, KHCN đã có những đóng góp lớn cho tăng năng suất, sản lượng, cây trồng vật nuôi cải thiện chất lượng nông sản góp phần thay đổi tập quán canh tác nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu. KHCN được xác định là yếu tố quan trọng của lực lượng sản xuất, giúp tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, KHCN còn một số tồn tại: Công nghệ sản xuất lạc hậu chậm được đổi mới, hàm lượng KHCN trong sản phẩm thấp, giá trị của sản phẩm thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; Giá thành sản phẩm cao không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế. Số lượng công trình được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống còn ít.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm. Chưa tạo ra được những công nghệ có tính đột phá. Nhiều công trình có tính ứng dụng thấp, xa rời thực tiễn sản xuất và đời sống. Về tổng thể theo đánh giá của nhiều nhà khoa học và quản lý thì KHCN đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chỉ với tỷ lệ 40%.
3. Một số vấn đề “nóng” trong sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Cùng với quá trình CNH-HĐH đất nước diện tích đất sản xuất NLTS ngày càng bị thu hẹp. Tính đến năm 2011, cả nước còn 9,2 triệu ha đất canh tác, trong đó đất dành cho sản xuất lúa nước 3,8 triệu ha; 1,1 triệu ha trồng ngô. Số diện tích còn lại trồng các loại cây trồng khác. Trung bình giai đoạn 1996-2010 đã có 70 nghìn ha đất/năm bị lấy đi để phục vụ đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
Vì vậy, đất nông nghiệp ngày càng bị giảm từ 0,9 ha/người xuống còn 0,4 ha/người (2013). Cùng với tiến trình đô thị hóa, thu hẹp đất canh tác thì lực lượng lao động dôi dư ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, nhu cầu công ăn việc làm, thu nhập ngày càng lớn, đã tạo ra sức ép quá lớn cho khu vực nông thôn, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội… gây mất trật tự an ninh, văn hóa làng bản bị mai một.
Hậu quả của việc đầu tư không đồng bộ do thiếu vốn dẫn tới một số công trình đầu tư dở dang, gây lãng phí lớn, hiệu quả khai thác thấp gây bức xúc cho nhân dân và dư luận xã hội. Mặt khác, do thiếu vốn đầu tư nên tốc độ tăng trưởng của ngành NLTS có xu hướng giảm dần. Ví dụ, giai đoạn 1991-1995, tốc độ tăng trưởng 5,7%; giai đoạn 1996-2000: 4,5%; giai đoạn 2001-2005: 4,4% và giai đoạn 2006-2010 chỉ còn 3,5%, giai đoạn 2011-2013 chỉ còn 2,67%.
Thu nhập của hộ nông dân quá thấp so với mặt bằng chung: Suy cho cùng nông dân Việt Nam vẫn là tầng lớp nghèo nhất xã hội. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước 14,2%, trong đó khu vực thành thị 6,9%, khu vực nông thôn 17,4%. Năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của cả nước 9,4%. Thu nhập bình quân của một người dân Việt Nam là hơn 1.600 USD/người/năm, trong đó thu nhập tối thiểu của một người ở thành phố là 1.900 USD/người/năm thì ở khu vực nông thôn chỉ có thu nhập 200 USD/người/năm.
Còn theo tính toán cụ thể của một số chuyên gia kinh tế thì thu thập trung bình của 1 hộ trồng lúa ở ĐBSH là 22 triệu đồng/hộ/năm. Nếu tính toán tỷ mỷ thì thu nhập của 1 người dân chỉ đạt 1,4 triệu đồng/tháng và 50 nghìn đồng/ngày. Như vậy, thu nhập bình quân của 1 người/năm ở thành phố gấp ít nhất 10 lần. Công lao động nông nghiệp thấp hơn 3 lần giá trị công ở khu vực dịch vụ, xây dựng (150 nghìn đồng/công).
Thu nhập thấp là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi suy nghĩ của người nông dân trước đây coi nghề nông là nghề chính thì nay trở thành nghề phụ, trước đây thu nhập chính của nông dân từ nông nghiệp thì nay trở thành nguồn thu nhập phụ. Hệ lụy của vấn đề này là một bộ phận nông dân di cư ra thành phố, và nông dân bỏ ruộng. Nhưng đây cũng là cơ hội cho tích tụ ruộng đất và chuyển dịch lao động sang khu vực công nghiệp dịch vụ. Nguyên nhân của thu nhập thấp là do quy mô sản xuất nhỏ và thiếu vốn kinh doanh.
Nông dân chán ruộng, bỏ ruộng: Đất đai là tài sản vô giá đối với nông dân, nhưng trong những năm gần đây việc nông dân chán ruộng, trả lại ruộng, bỏ ruộng đã trở nên ngày càng phổ biến ở hầu hết các tỉnh ĐBSH, BTB, ĐBSCL. Theo số liệu điều tra của Cục Kinh tế HTX và PTNT thì tổng diện tích ruộng nông dân bỏ hóa khoảng 6.300 ha. Vì vậy, đây cũng là vấn đề rất nóng của ngành nông nghiệp. Nguyên nhân của hiện tượng trên, một phần là do thu nhập thấp, ngày công lao động thấp, các khoản đóng góp ở nông thôn cao.
Ví dụ, ĐBSH có 26 khoản đóng góp với tổng chi 350 nghìn đồng/hộ/năm; TDMNPB 28 khoản với 450 nghìn đồng/hộ/năm; ĐBSCL với 25 khoản đóng góp, tổng chi 700 nghìn đồng/hộ/năm… Thu nhập thấp, đóng góp quá nhiều các khoản phí mà cơ sở đóng góp lại dựa vào đầu sào hoặc sổ nhân khẩu, do vậy các hộ đông nhân khẩu hoặc càng làm nhiều ruộng thì phải đóng góp càng nhiều, có thể đây là lực đẩy người nông dân ngày càng xa ruộng đồng. (Còn nữa)
TS Bùi Mạnh Cường
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã