>> Nông nghiệp, nông dân, nông thôn VN trên đường đổi mới và phát triển
Mặc dù thời gian vừa qua Nhà nước đã hết sức cố gắng dành tối đa kinh phí để đầu tư cho khu vực Tam nông nhưng chỉ mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Một số hạng mục công trình đầu tư dở dang gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả sử dụng thấp. Một số công trình đầu tư không phát huy được tác dụng như hệ thống các chợ đầu mối, nước sạch nông thôn, thủy lợi ở miền núi… gây lãng phí lớn.
Trong thời gian tới nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho khu vực này, tập trung đầu tư vào một số hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng mở rộng quy mô SX, các khu công nghệ nông nghiệp cao, cụm công nghiệp nông thôn, làng nghề.
Đầu tư đồng bộ tránh dàn trải để các công trình có thể phát huy tối đa hiệu quả. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa làng xã. Đầu tư kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp làm công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ thu mua chế biến và tiêu thụ nông sản. Đầu tư cho nông dân thông qua các tổ chức dịch vụ công như trợ giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp…
Một vấn đề nữa cần phải bàn tới, đó là huy động sức dân. Chúng ta đã lấy từ khu vực NN, ND, NT quá nhiều, do vậy nhà nước nên điều chỉnh lại tỷ lệ huy động vốn để xây dựng nông thôn mới từ 70% xuống 40%, không nên để dân đóng góp quá nhiều. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua cơ chế công tư PPP.
b. Tổ chức lại sản xuất
Trước hết, tổ chức lại sản xuất một số mặt hàng chiến lược ở ĐBSCL nên tập trung vào 3 sản phẩm chủ yếu: gạo chất lượng cao để xuất khẩu, thủy sản, trái cây. Ở miền Trung tập trung vào: thủy sản, kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc. Ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên tập trung vào: cà phê, cao su, tiêu, điều và một số cây công nghiệp khác. Ở miền núi phía Bắc phát triển cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc lớn, kinh tế rừng. Đồng bằng sông Hồng ngoài một số cây lương thực thì phát triển rau hoa cao cấp, cây ăn quả ôn đới… Đối với cây làm thức ăn gia súc (ngô, đậu tương, cỏ…) nên tập trung mạnh ở 2 vùng là TDMNPB, ĐNB và TN.
Trong vườn hoa cẩm chướng Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Dũng
Vấn đề thứ 2 trong khâu tổ chức lại sản xuất là phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới: Đối với khu vực nông thôn thì phát triển khu cụm công nghiệp làng nghề dịch vụ là nhân tố chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, còn khu vực nông lâm thủy sản (NLTS) thì mô hình kinh tế nào sẽ đảm nhiệm vai trò sản xuất sau khi vai trò của các HTX bị mờ nhạt hoặc giải thể, các nông lâm trường bị phá sản.
Theo tôi đội quân tiên phong sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực NLTS là hộ có quy mô sản xuất lớn và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Đây là hai lực lượng chính trong sản xuất NLTS hiện nay và phát triển trong những năm tới. Còn các hộ có quy mô sản xuất nhỏ, siêu nhỏ mang tính chất tự cung, tự cấp dần dần sẽ bị thu hẹp, chiếm tỷ lệ nhỏ trong LLSX. Nhà nước cần khuyến khích các hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở tích tụ ruộng đất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tích lũy vốn, các tư liệu sản xuất khác. Các HTX, ban quan lý các nông lâm trường chỉ đóng vai trò làm dịch vụ công, liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Nhà nước cũng nên củng cố lại hai tổ chức này. Đối với HTX sẽ điều chỉnh lại quy mô, chuyên môn hóa ngành nghề, còn các nông lâm trường chuyển sang làm vai trò dịch vụ, giao đất lại cho nông dân. Đồng thời thành lập thêm một số tổ chức mới làm nhiệm vụ công ích hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, hoạt động dưới sự bảo trợ của nhà nước và phí lợi nhuận, giúp nông dân và doanh nghiệp tránh được những cú sốc của thiên tai, những tác động tiêu cực của thị trường trong nước và quốc tế.
Nhà nước khuyến khích phát triển các mô hình quản lý nông nghiệp mới theo chuỗi giá trị như Công ty CP BVTV An Giang; TH True Milk; Công ty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt…
Vấn đề thứ 3 trong công tác tổ chức lại sản xuất là thúc đẩy việc ứng dụng KHCN trong sản xuất và đời sống, khu vực NLTS. Trong điều kiện đất canh tác càng ngày càng bị thu hẹp, dân số gia tăng, sức ép thu nhập càng lớn của nông dân thì KHCN được xác định là động lực chính để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, KHCN thời gian qua còn một số hạn chế. Để giải quyết những bất cập, nhà nước nên tổ chức lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu KHCN, xác định và thẩm định các nhiệm vụ KHCN, cuối cùng là công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, đầu tư nghiên cứu, công tác cán bộ.
Về tổ chức hệ thống nghiên cứu, nhà nước nghiên cứu mạnh dạn sáp nhập một số cơ quan nghiên cứu có sản phẩm KHCN trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống vào một số tổng công ty nhà nước có tiềm lực kinh tế mạnh. Hoặc cho phép thành lập mới các doanh nghiệp KHCN trên cơ sở các Viện nghiên cứu hiện nay. Mô hình mà ở đó Viện nghiên cứu nằm trong Công ty.
Mô hình tổ chức này sẽ là nơi gắn kết ý tưởng nghiên cứu với ý tưởng kinh doanh xuất phát từ thực tiễn sản xuất và đời sống. Gắn KHCN với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi nhuận. Mô hình trên sẽ giúp nông dân nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp ngày càng bền chặt. Nâng cao hàm lượng KHCN trong sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…
Mặt khác, nhà nước sẽ giải quyết được một số vấn đề tồn tại mà từ trước đến nay không giải quyết được như chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ các nhà khoa học, tiết kiệm được quỹ lương, kinh phí nghiên cứu, đồng thời huy động được nguồn kinh phí nghiên cứu của các tổ chức ngoài công lập phục vụ công tác nghiên cứu.
Hạn chế tối đa tỷ lệ các công trình không được ứng dụng trong sản xuất hoặc có hiệu quả thấp. Nhà nước không phải lo chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước… Ý tưởng trên đây có thể sẽ bị phê phán và sẽ có rất ít người ủng hộ nhưng thiết nghĩ nó có lợi cho xã hội, cho khoa học. Nhà nước chỉ nên giữ lại một số Viện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề thứ 4 tăng cường kinh phí nghiên cứu và sử dụng cán bộ khoa học. Trong 5 năm (2008-2012) nhà nước đầu tư cho các nhiệm vụ KHCN chỉ khoảng 100 triệu USD, bình quân 20 triệu USD/năm. Mỗi nhiệm vụ cấp nhà nước bình quân cũng chỉ khoảng 3,5-4 tỷ đồng/nhiệm vụ, kéo dài từ 3-5 năm. Các nhiệm vụ cấp tỉnh, thành phố còn thấp hơn nhiều. Kinh phí đầu tư nghiên cứu triển khai chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều Viện, cơ quan nghiên cứu bị xuống cấp, lạc hậu. Cùng với số kinh phí ít ỏi như trên, chúng ta khó có thể đặt vấn đề nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
Vấn đề đặt ra làm thế nào để tăng được kinh phí cho nghiên cứu, tránh đầu tư dàn trải. Theo tôi chỉ có thể sắp xếp lại tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học như ở phần trên đã trình bày. Số kinh phí còn lại sẽ tập trung đầu tư cho một số Viện chiến lược, nghiên cứu cơ bản. Đồng thời, nhà nước tăng cường đầu tư kinh phí nghiên cứu, đào tạo cán bộ, huy động nguồn lực từ các tổ chức kinh tế ngoài công lập thông qua liên kết nghiên cứu chuyển giao TBKT.
Về công tác sử dụng cán bộ, một số năm gần đây đã xảy ra hiện tượng một số chuyên gia cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi lần lượt rời khỏi các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, chuyển sang làm việc cho các công ty tư nhân, tập đoàn nước ngoài. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Hệ lụy là khu vực cơ quan nghiên cứu nhà nước thiếu hụt cán bộ, nhất là cán bộ đầu ngành, đã để lại khoảng trống chuyên môn, tổ chức mà không phải một sớm một chiều khắc phục được. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sức ép của cuộc sống trong điều kiện chế độ lương thấp, kinh phí nghiên cứu ít, chính sách đãi ngộ, sử dụng cán bộ bất hợp lý. Lối thoát là cổ phẩn hóa, sáp nhập, thành lập mới các doanh nghiệp KHCN, hy vọng ở đó mới có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại trên. |
TS BÙI MẠNH CƯỜNG
Nguồn nongnghiepvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã