Học tập đạo đức HCM

Nông thôn Quế Võ làm giàu từ khoai tây

Thứ tư - 23/07/2014 20:45
Là vùng trồng khoai tây truyền thống, nhưng trước đây, cây trồng này chưa đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân Quế Võ (Bắc Ninh). Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với việc cơ cấu lại giống và có quy hoạch tổng thể, bài bản cho nên cây khoai tây đã trở thành cây làm giàu của người dân Quế Võ.
Bà con nông dân huyện Quế Võ thu hoạch khoai tây. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Bà con nông dân huyện Quế Võ thu hoạch khoai tây

Cây vụ đông trở thành cây chủ lực

Trước kia người dân Quế Võ trồng những giống khoai tây cũ đã thoái hóa nên năng suất thấp, chất lượng giảm, nhiều sâu bệnh. Nông dân thường bảo quản khoai tây giống trên giàn bếp hoặc dưới gầm giường nên dễ bị mọc mầm, tiêu hao nhiều dinh dưỡng và giảm chất lượng cây giống. Song, hiện nay toàn huyện đã có 200 kho lạnh, đáp ứng nhu cầu bảo quản giống trên địa bàn huyện, và các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thành (xã Quế Tân), người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng khoai tây cho biết, trước đây trồng khoai tây chỉ để cải tạo đất cho vụ lúa tiếp theo chứ thu nhập không đáng kể. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, cây khoai tây đã cho thu nhập khá, nếu trồng một ha lúa thu nhập khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng thì trồng khoai tây lãi cả trăm triệu đồng/ha. Tính ra mỗi ha trồng khoai tây lãi gấp bốn lần trồng lúa. Hai vợ chồng chị làm nông nghiệp nhưng cũng đủ nuôi hai con học đại học và cao đẳng, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ.

Vụ đông năm 2013, toàn huyện trồng hơn 1.300 ha khoai tây, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông của toàn huyện. Trong đó, xã Quế Tân có 350 ha đất nông nghiệp mà năm cao điểm đã trồng đến 100 ha khoai tây, cả xã hơn 1.500 hộ thì 90% số hộ trồng khoai tây.

Hiệu quả trồng khoai tây vụ đông đã có tác động lớn trong phát triển sản xuất, kinh doanh của nông dân. Thu nhập từ cây khoai tây đã giúp nhiều hộ gia đình ở xã Việt Hùng thoát nghèo vươn lên làm giàu. Dù ít hay nhiều nhưng gần 2.500 hộ nông dân của xã đều trồng khoai tây, hộ trồng ít từ năm đến bảy sào, hộ trồng nhiều lên đến bảy, tám ha. Anh Cường, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đưa tôi đến gặp nông dân kiểu mẫu Nguyễn Đăng Hồi, tuy tuổi đã cao, con cháu đề huề nhưng hai vợ chồng già vẫn đi đầu trong sản xuất ở địa phương. Năm 2013, ông trồng 7 ha khoai tây vụ xuân lấy giống và 8 ha khoai tây vụ đông thương phẩm. Ông Hồi cho biết, nhà ông không đủ lao động, toàn bộ công việc đều phải thuê mướn nhưng trừ hết chi phí cũng thu lãi được 40 - 50 triệu đồng/ha. Hiện gia đình ông đã có ô-tô phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.

Trước đây, Quế Võ là huyện thuần nông, hầu hết người dân chỉ biết làm nông nghiệp. Các khu công nghiệp hình thành trên địa bàn đã thu hút một lượng lớn lao động tham gia, một số diện tích đất bị bỏ hoang trong vụ đông mà chưa khai thác hết tiềm năng các loại cây màu. Tận dụng cơ hội đó, nhiều hộ nông dân dám nghĩ dám làm đã mượn lại đất bỏ không của nhiều hộ khác để tích tụ đất sản xuất. Hiện nay, những gia đình có diện tích sản xuất cây khoai tây lớn như gia đình ông Hồi không phải là ít. Khi có diện tích sản xuất lớn, người nông dân có điều kiện đầu tư phương tiện máy móc để cơ giới hóa trong sản xuất. Đối với cây lúa, một số địa phương ở Quế Võ đã cơ giới hóa gần như 100%, riêng khoai tây nhiều hộ gia đình đã cơ giới hóa đến 70%.

Để nông dân làm giàu bền vững

Để đạt tiêu chí cánh đồng có thu nhập cao, một số hợp tác xã ở Quế Võ đã xây dựng mô hình thâm canh đạt chỉ tiêu 100 triệu đồng/ha với công thức luân canh bốn vụ/năm: lúa xuân - dưa lê - lúa mùa - khoai tây. Trong đó, khoai tây vụ đông được xem là chủ lực. Từ năm 2004 đến nay, diện tích khoai tây liên tục được mở rộng, từ 600 ha lên 1.300 ha vào năm 2013 và kế hoạch năm 2014 là 1.400 ha. Nhiều năm nay, giá khoai tây tương đối ổn định (từ 12 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg), vừa thu hoạch xong đã có thương lái mua chuyển đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên...

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm, trước kia người nông dân trồng khoai tây theo kiểu truyền thống nên năng suất thấp, chất lượng không bảo đảm khiến giá cả cũng bấp bênh. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi tiến bộ khoa học đã được áp dụng rộng rãi cùng với quy hoạch bài bản đã giúp nông dân dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể tổ chức tập huấn cho người dân, cùng với UBND các xã chỉ đạo lịch nông vụ cho từng loại giống, hướng dẫn thời điểm tưới nước, bón phân, phun thuốc đúng kỹ thuật. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Vinh, mặc dù trên địa bàn huyện có nhiều khu công nghiệp nhưng huyện vẫn xác định nông nghiệp rất quan trọng và xem vụ đông là vụ chính và cây khoai tây là chủ đạo. Huyện huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp của huyện phát triển khá đồng bộ, phần lớn diện tích canh tác được tưới tiêu chủ động, tạo tiền đề triển khai các dự án, mô hình kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả.

Hiện trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp thu mua khoai tây cung ứng cho các công ty, nhà máy tại khu công nghiệp nhưng người dân địa phương chưa tạo được lòng tin cho họ bởi sự thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết với các doanh nghiệp nên họ thường thu mua từ các tỉnh lân cận. Cái khó nữa của huyện Quế Võ trong quá trình phát triển cây khoai tây là địa bàn thấp trũng, tỷ lệ san lấp đất, ao hồ để làm khu công nghiệp lớn cộng với hệ thống thủy lợi cũ kỹ không đáp ứng được tiêu thoát nước khi có mưa lớn.

Cũng theo đồng chí Vinh, để cây khoai tây phát triển bền vững, huyện tập trung rà soát quy hoạch lại đất đai để chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng khoai tây. Hiện huyện đã quy hoạch chi tiết hai xã trong năm 2013, năm 2014 sẽ quy hoạch hết 18 xã, thị trấn còn lại. Bên cạnh đó, tập trung khắc phục tư tưởng, lề lối sản xuất manh mún, nhất là vấn đề chủ động nguồn giống và đầu ra của sản phẩm. Khoai tây là loại cây trồng nhanh thoái hóa, nếu sau ba năm trồng một loại giống thì bắt đầu có nhiều sâu bệnh và cho năng suất thấp. Để làm được điều này ngoài việc nhập giống tốt, sạch bệnh từ nước ngoài địa phương còn phải tiếp tục tính toán mở rộng diện tích khoai vụ xuân để chủ động nguồn giống và kiểm soát bệnh tật. Hiện toàn huyện đã chủ động được 60 - 65% nguồn giống, số còn lại phải đặt mua từ các đơn vị nhập khẩu giống từ nước ngoài.

Hiệu quả từ cây khoai tây đã rõ, nhưng để cây khoai tây phát triển mạnh hơn nữa, huyện Quế Võ cần tranh thủ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức hội nghị đầu bờ để người dân tin tưởng và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất lớn, phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Phan Thai Sơn
Nguồn: nhandan.com.vn

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập428
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại865,867
  • Tổng lượt truy cập92,039,596
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây