Đã đến lúc đặt ra vấn đề hạn mức tích tụ đất đai có còn cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, cho sự ổn định và phồn thịnh của nông thôn trong nền kinh tế thị trường với sự đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngay từ năm 1993, kế thừa nội dung giao đất trong khoán 10, khoán 100, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/CP về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Việc giao đất theo hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành được và duy trì đến nay. Việc tích tụ đất đai chỉ liên quan đến hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng theo điều 130 Luật Đất đai, với quy định không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, còn các hình thức tích tụ khác thông qua góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất thì luật không quy định.
Thực tiễn vốn phong phú và hợp lý hơn những lý luận. Ngay từ những năm 2000, đã có những hộ nông dân, những doanh nghiệp âm thầm liên kết góp ruộng, thuê lại ruộng đất để phát triển sản xuất. Tích tụ ruộng đất nhen nhóm, nhưng hạn mức tích tụ thông qua chuyển nhượng đã được luật hóa. Khả năng tích tụ tư liệu sản xuất là đất đai bị hạn chế, dẫn theo khả năng về nguồn vốn, về cơ hội đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến từ đầu vào của sản xuất đến sản phẩm bị hạn hẹp về chất lượng, về số lượng. Khả năng đáp ứng thị trường của sản phẩm cũng vì thế mà nghèo nàn đi, phân công lao động trong xã hội cũng vì thế mà không được thông thoáng. Vòng lẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu đang có xu hướng quay lại.
Trước đòi hỏi của cuộc sống hiện nay, thì hạn mức giao đất của hộ gia đình, cá nhân cần được tiếp tục giữ ổn định, đây là đảm bảo của Nhà nước đối với thành quả của cách mạng của dân tộc, gắn với ổn định đời sống xã hội hiện tại, là cơ sở để từng hộ nông dân có một nguồn lực ban đầu tham gia vào dây chuyền sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Đồng thời, rất cần có một quyết định mạnh mẽ, đó là xóa bỏ hạn mức trong nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như thế, việc tích tụ đất đai có thêm một kênh hợp pháp nữa để thực hiện. Khi có nhu cầu, người nông dân và doanh nghiệp đủ thông minh để lựa chọn quy mô tích tụ đất, lựa chọn hình thức sản xuất và hợp tác sản xuất phù hợp với thị trường dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của nhà nước. Bằng cách đó, một mặt chúng ta vẫn đảm bảo được quyền tài sản của hộ gia đình, cá nhân, mặt khác tạo điều kiện cho nguồn lực về đất đai phát triển theo hướng tích cực.
Thực tiễn tích tụ đất đai thông qua các hình thức theo quy định của Luật Đất đai hiện nay còn diễn ra khá dè dặt và không mấy suôn sẻ, nhất là với hình thức nhận chuyển nhượng. Thực tế có địa phương không mấy mặn mà ủng hộ, vì cho rằng việc thỏa thuận chuyển nhượng sẽ “làm khó” chính quyền khi họ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với các dự án nhà nước thu hồi đất, vì phải áp dụng mức giá theo quy định của nhà nước - được đánh giá là thấp hơn nhiều so với mức giá thỏa thuận. Với hình thức thuê và góp vốn, rủi ro trong quan hệ giữa hai bên trong thời gian vừa qua cũng khiến hình thức này không phổ biến.
Để thúc đẩy việc tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của nhà nước là rất quan trọng. Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt thông qua việc ban hành những cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để tạo lòng tin và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất nông nghiệp với quy mô và chất lượng cao; tạo hành lang pháp lý cho người nông dân và doanh nghiệp bắt tay cùng nhau phát triển.
Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải tự thay đổi, cởi bỏ tâm lý “có nhà nước lo” để tự tính toán, vươn lên bằng năng lực của mình, trên mảnh đất của mình; lựa chọn hình thức và mô hình kinh doanh phù hợp, chấp nhận luật chơi của nền nông nghiệp hàng hóa.
NGUYỄN VIẾT TĨNH/PGĐ TT Phát triển quỹ đất, TP Hà Nội
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã