Để phát triển bền vững, ngoài sản xuất theo hướng liên kết còn phải gắn với quy trình bảo quản, chế biến sản phẩm. |
Nâng tầm sản phẩm
Năm 2015, cà rốt, măng tây, củ cải trắng và thực phẩm chức năng rượu nhung hươu là 4 sản phẩm của Hà Tĩnh được vinh danh tại lễ tôn vinh 145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tổ chức. Đây là những sản phẩm đặc trưng nằm trong chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, cà rốt, măng tây, củ cải trắng thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, thực phẩm chức năng rượu nhung hươu của Công ty CP Sơn An Hà Tĩnh - Chi nhánh Hương Sơn thuộc nhóm sản phẩm chế biến.
Trước đó, chè xanh cũng đã lọt vào danh sách sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Các sản phẩm của Hà Tĩnh đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận về chất lượng, có tính xã hội cao, thân thiện môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và mang tính bền vững cao.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh được vinh danh khẳng định sự phát triển của nông nghiệp Hà Tĩnh; đồng thời, ghi nhận tâm huyết, tài năng của các tổ chức, cá nhân trong việc tạo ra các sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy. Đây vừa là niềm tự hào và cũng là cơ hội quảng bá hữu hiệu nhất”.
Chè xanh là một trong nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh |
Cần chiến lược dài hơi
Theo đánh giá, công tác tổ chức, bình chọn, xét duyệt sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thời gian qua đã được tiến hành công phu, đảm bảo tính khoa học và công bằng. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Sở NN&PTNT, Sở Công thương Hà Tĩnh tiến hành lựa chọn, bình xét những sản phẩm nông sản thực sự tiêu biểu, tiềm năng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh gửi ra T.Ư.
Ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thời gian tới, công tác bình xét, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu sẽ được hội tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt. Năm 2016, chương trình đã bắt đầu khởi động với các dòng sản phẩm thể hiện đặc trưng của nền nông nghiệp Hà Tĩnh và hướng vào các sản phẩm chủ lực như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Vũ Quang, rau - củ - quả công nghệ cao trên cát…”.
“Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa lớn, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh, gia tăng quy mô, diện tích sản xuất và chú trọng hơn nữa chất lượng sản phẩm. Theo đó, đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết hiện đại giữa nhà nông và doanh nghiệp, trong đó, có sự tham gia của Nhà nước và nhà khoa học. Quá trình liên kết phải chặt chẽ, dựa trên sự hài hòa lợi ích lâu dài giữa các bên. Đặc biệt, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đòi hỏi nhà phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình theo công nghệ hiện đại từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản trên cơ sở đồng nhất về giống, công nghệ và sản phẩm. Và yếu tố sống còn để tạo hiệu quả lâu bền là sản xuất nhất thiết phải gắn liền với quy trình bảo quản, chế biến” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Nguyễn Thị Nhuần nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục có chính sách đồng hành, hỗ trợ nhà nông, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản. Các chương trình này sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ hội kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.
Theo: Thu Phương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã