Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những thành quả ngành Lâm nghiệp đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng đề nghị các ban, ngành của Trung ương và địa phương tập trung từng bước tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, trong đó có ngành Lâm nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội Nghị.
Thực hiện chủ trương “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, ngành Lâm nghiệp đã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, gắn với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Sau hơn 4 năm thực hiện, với sự nỗ lực và nhiều sáng kiến, cách làm mới, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn. Nổi bật, độ che phủ rừng liên tục tăng hàng năm, từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; năng suất và chất lượng rừng từng bước được cải thiện; công tác trồng rừng được các địa phương triển khai rất tích cực, hàng năm, bình quân cả nước trồng được 223 nghìn ha rừng tập trung.
Giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,6%/năm so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng, gấp 1,7 lần trong vòng 5 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 7,3 tỷ USD năm 2016; Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước hàng đầu trên thế giới về chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
Năm 2016, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta bị suy giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 7,178 tỷ USD.
Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Công tác phát triển rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai. Công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quan tâm, đẩy mạnh góp phần từng bước ổn định diện tích rừng.
Toàn cảnh Hội nghị.
Sản lượng gỗ rừng trồng 5 năm qua tăng hơn 3,3 lần, từ 5,16 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI; sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.
Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đồng thời giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động của chủ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước.
Cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, sửa đổi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Năng suất chất lượng rừng thấp, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chưa được tổ chức trong liên kết theo chuỗi. Kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến như kho tàng, bến bãi, công nghiệp phụ trợ… còn kém phát triển. Thị trường nội địa phát triển chậm, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Thu nhập và đời sống của người dân làm nghề rừng còn thấp, đa phần người dân chưa sống được bằng nghề rừng. Công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm trong khi kinh tế hộ nhỏ lẻ, bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp Nhà nước đổi mới chậm.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Chương trình lần này đã đặt ra mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiên sinh kế cho người dân gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
“Hội nghị lần này là dịp để chúng ta có cơ hội cùng nhau đánh giá những thành tựu đạt được, chia sẻ khó khăn trong thời gian qua; đặc biệt là bàn các nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể, có tính đột phá để thực hiện Chương trình mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo: Quang Hợp – Uyên Uyên/baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;