Thực trạng nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc
Báo cáo do Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện cho biết: Trong những năm qua, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Vĩnh Phúc diễn ra nhanh, cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi mạnh. Hiện nay, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản (NLTS) chỉ chiếm 9,4%. Sản xuất NLTS hiện nay sử dụng đến 37,02% lực lượng lao động, là nguồn sinh kế của 58% hộ gia đình trong tỉnh.
Sau nhiều năm, sản xuất NLTS đã bộc lộ một số bất hợp lý, đó là sản xuất dàn trải trên nhiều lĩnh vực; phát triển không đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm yếu; phát triển thị trường hạn chế, hiệu suất lao động thấp, giới trẻ không muốn gắn bó với NLTS, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, đất đai manh mún…
Mặc dù công nghiệp phát triển nhưng chưa hỗ trợ mạnh cho NLTS, không mở đường đưa lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp. Nông dân gặp khó khăn ngay trong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Vì vậy tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu công nghiệp dịch vụ để chuyển đổi lao động – việc làm nông thôn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số lao động của Vĩnh Phúc từ 15 tuổi trở lên là 518.477 người, với cơ cấu là 191.955 người trong ngành nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 5,09%.
Trung bình lao động nông nghiệp hiện tại chỉ dành 1/3 thời gian, nếu dành 100% thời gian cho lao động nông nghiệp, thì 2/3 lao động nông nghiệp sẽ dôi dư, dẫn đến tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm ngày càng tăng.
Theo tính toán, mỗi năm Vĩnh Phúc có khoảng 6.000 - 7.000 lao động tăng mới và khoảng 9.000 – 10.000 lao động có có nhu cầu chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp thì áp lực chuyển đổi lao động và việc làm ngày càng gay gắt nếu như không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Bàn giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu
“Muốn nông nghiệp phát triển theo hướng tăng giá trị gia tăng, hiệu quả, bền vững, thì các vấn đề như hỗ trợ tích tụ đất đai hình thành các khu sản xuất, tổ chức sản xuất mới như thế nào, cá nhân hay tổ chức sẽ là người hỗ trợ thị trường, áp dụng kỹ năng quản lý vào sản xuất cho nông dân và giải quyết vấn đề chuyển đổi lao động nông nghiệp, nông thôn” – Đó là “đơn đặt hàng” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra đối với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà hoạch địch chính sách.
Để tái cơ cấu nền nông nghiệp, yếu tố cơ bản là đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi và được đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thực tế, lâu nay, hộ là đơn vị sản xuất ở cơ sở. Trong quá trình hội nhập quốc tế, nếu không có tổ chức thì sẽ rối loạn, không thể xuất khẩu cũng như cạnh tranh được với hàng hóa bên ngoài. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ tái cơ cấu đơn vị sản xuất.
Để tái cơ cấu thành công, Vĩnh Phúc xác định, phải theo cơ chế thị trường. Trong đó, tín hiệu thị trường phải thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp là người tìm thị trường, rồi mang giống về thuê nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng đều nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp chính là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đi đến thành công, bởi doanh nghiệp phải tự nghiên cứu khoa học - công nghệ và áp dụng vào thực tiễn, làm sao giữ vững được thương hiệu cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính doanh nghiệp sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc tổ chức sản xuất, bởi đầu tư vào nông nghiệp có tính rủi ro cao, lợi nhuận lại thấp. Vấn đề đặt ra là, cần phải tạo được môi trường ổn định, minh bạch cho doanh nghiệp phát triển bằng các chính sách phù hợp với cơ chế thị trường. Cần phải thay đổi tư duy, lòng tin, cách nghĩ đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề cải cách hành chính.
Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tich UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Mục tiêu của đề án tái cơ cấu chính là đổi mới tổ chức sản xuất, để hình thành nên đội ngũ công nhân nông nghiệp. Để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tâm huyết để đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại – dịch vụ nông sản, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, tạo việc làm ổn định cho nông dân.
Thực hiện điều này, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thuê ruộng đất của nông dân, tổ chức sản xuất trồng trọt hàng hóa quy mô lớn và tích tụ ruộng đất. Dự kiến hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khoảng 5 - 6 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng tình với quan điểm của các đại biểu đưa ra là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Đồng chí cũng lưu ý, quan trọng là tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp thuê lại đất của dân quy mô lớn, thay vì thu hồi hay mua lại đất của dân. Đồng thời, cần có chính sách hiệu quả hơn để doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành chuỗi giá trị, phát triển hợp tác xã thành cầu nối của người dân và doanh nghiệp…
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;