Học tập đạo đức HCM

Tái cơ cấu trồng trọt ĐBSH: Vào đà và chuyển biến

Thứ tư - 15/01/2014 21:54
Mới ra đời hơn nửa năm, nhưng chủ trương và đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã bước đầu tạo sự chuyển biến khá rõ nét cho bức tranh ngành trồng trọt vùng ĐBSH, tạo bước “vào đà” mạnh mẽ cho năm 2014 – năm cả ngành nông nghiệp nước ta bắt đầu triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhưng bên cạnh đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 và bàn các giải pháp tái cơ cấu ngành trồng trọt vùng ĐBSH diễn ra hôm qua (14/1), nhiều ý kiến từ các địa phương cũng băn khoăn về những vấn đề nảy sinh trong giai đoạn bước đầu bắt tay vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng.

Cây trồng có giá trị lên ngôi

Sự chuyển biến mang tính cụ thể hóa cho đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt thể hiện khá rõ nét ở vùng ĐBSH, khi đặc biệt từ vụ mùa và vụ đông năm 2013, cơ cấu cây trồng ở vùng này bắt đầu có sự thay đổi đáng kể theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích các cây trồng khác có giá trị hơn. Các chính sách, mô hình SX ở các địa phương cũng bắt đầu tập trung dồn nhiều hơn cho các đối tượng cây trồng có giá trị.

Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt, diện tích lúa gieo trồng cả vùng ĐBSH năm 2013 chỉ còn khoảng 1 triệu 130 nghìn ha, giảm 8.200 ha so với năm 2012. Ngoài một số diện tích đất lúa chuyển sang đất phi nông nghiệp, còn lại đã được chuyển đổi, đẩy diện tích các loại cây trồng có giá trị tăng lên đáng kể.

Cụ thể, diện tích ngô toàn vùng năm 2013 đã có dấu hiệu khôi phục khi tăng thêm khoảng 1.800 ha, tương đương sản lượng ngô tăng thêm khoảng 3.000 tấn. Diện tích rau đậu các loại tăng thêm 2.500 ha so với năm 2012, sản lượng tăng thêm khoảng 33 nghìn tấn. Diện tích hoa, cây cảnh ước đạt 13.340 ha, tăng hơn 900 ha so với năm 2012.

Trong khi đó đối với vụ đông 2013, theo báo cáo sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng đạt 205,8 nghìn ha. Mặc dù không đạt kế hoạch, nhưng diện tích vụ đông đã tăng hơn 9.200 ha so với năm 2012 (Nam Định và Thái Bình tăng mạnh nhất)...

Tại nhiều địa phương, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình SX giá trị cao, theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với công nghệ mới cũng đang nở rộ.


ĐBSH bắt đầu có sự chuyển dịch từ lúa sang các cây trồng có giá trị

Tại Ninh Bình, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất hai vụ lúa – một vụ đông sang một vụ lúa – ba vụ rau (thay vụ lúa xuân bằng hai vụ rau) đã bước đầu khẳng định thành công, với giá trị SX tăng thêm từ 5-7 lần.

Tại Thái Bình, đã có hàng loạt các mô hình thay đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng ở các diện tích đất hai vụ lúa trước đây như: SX một vụ dưa hè giữa hai vụ lúa cho thu 55-65 triệu đồng/ha ở Vũ Thư; mô hình đậu xanh vụ hè thu tại Vũ Thư cho  77,5 triệu đồng/ha; mô hình trồng chuối nuôi cấy mô tại Hưng Hà đạt hơn 110 triệu đồng/ha; mô hình trồng ớt sau lúa mùa tái sinh (từ vụ xuân) cho thu thêm 17-20 triệu đồng/sào...

Tại Hải Dương, các vùng chuyên canh, luân canh rau màu như cà rốt, hành, cải bắp... truyền thống bắt đầu đi vào bài bản và tiếp tục mở rộng trên đất lúa, lên tới hàng nghìn ha/mô hình, hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần trồng lúa.

Năm 2013, nhiều tỉnh vùng ĐBSH cũng đã có sự chuyển hướng trong chính sách hỗ trợ SX trồng trọt, khi dành nhiều hơn cho các đối tượng cây trồng có giá trị thay vì dành cho cây lúa như trước đây.

Tại Vĩnh Phúc, tỉnh này hỗ trợ cho nhiều loại cây rau màu có giá trị như bí đỏ, bí xanh từ 5,4 – 6 triệu đồng/ha, cà chua 6 triệu đồng/ha, khoai tây 12,5 triệu đồng/ha, su su Tam Đảo 15 triệu đồng/ha, hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rau công nghệ cao 200 triệu đồng/mô hình...

Tỉnh Thái Bình tập trung hàng loạt chính sách hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển rau màu như hỗ trợ 50% giá máy làm đất lên luống khoai tây, 70% giá máy sấy, hỗ trợ 840 nghìn đồng/ha đối với rau màu vụ hè nhằm tăng diện tích rau màu vụ hè chuyển đổi từ đất lúa...

Tương tự, nhiều tỉnh như Nam Định, Hà Nam... cho biết sẽ dành nhiều chính sách hỗ trợ bằng tiền đối với các diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, các mô hình liên kết SX cây hàng hóa từ nay đến năm 2015, đặc biệt đối với các loại cây rau màu bí, cà chua, khoai tây...

Tiêu thụ vẫn rối

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, giai đoạn khởi động của đề án tái cơ cấu trong ngành trồng trọt ở vùng ĐBSH cũng đã bước đầu nảy sinh vấn đề cần ngay giải pháp tháo gỡ, mà tiêu biểu là câu chuyện về tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh thay đổi cơ cấu SX.

Ông Trần Đình Toàn – Phó GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình ái ngại: Chủ trương chuyển đổi từ đất lúa vùng trũng kém hiệu quả sang thủy sản hoặc kết hợp lúa – cá thực tế Ninh Bình đã làm nhiều năm qua, bây giờ càng được đẩy mạnh. Thế nhưng giá 1 kg cá năm nay chỉ bằng 1 kg lúa, người nuôi cá chỉ hòa vốn là may.

“Nếu sắp tới, tỉnh nào cũng đồng loạt chuyển lúa vùng trũng sang thủy sản hay cá – lúa, mà tình hình tiêu thụ thế này thì không biết sẽ bán cá cho ai” – vị này lo lắng. Với việc chuyển đổi đất lúa sang rau màu, ông Toàn cho rằng thực tế không phải tỉnh nào cũng có thể chuyển được. Vì vậy, thực tế các tỉnh ĐBSH hiện tại cây lúa vẫn đang là cây trồng chủ lực, vì vậy việc tái cơ cấu cây trồng trước hết cần xác định tăng cao giá trị cho cây lúa bằng các giải pháp khác nhau.

“Bộ NN-PTNT cần có ngay một chỉ thị cụ thể xuống các tỉnh về việc tái cơ cấu trong ngành trồng trọt theo hướng tăng giá trị, gắn với KH-KT và tiêu thụ để các tỉnh có “cái gậy” trong việc lên kế hoạch và chính sách cụ thể hơn trong chuyển đổi”.

Cũng liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đại diện Sở NN-PTNT Hải Dương lo lắng cho biết, mặc dù SX rau của tỉnh này hiện đã hình thành các vùng SX hàng hóa lớn cỡ nhất miền Bắc, nhưng việc tiêu thụ vẫn đang dựa chủ yếu vào tư thương xoay xở. Vì thế, việc mở rộng SX rau màu là chưa thể yên tâm...

Xung quanh sự nan giải trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đánh giá: Tiềm năng SX nông nghiệp vùng ĐBSH là vô cùng lớn, tuy nhiên trong bối cảnh tổ chức lại SX theo hướng hàng hóa lớn, khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn mãi loay hoay. Đặc biệt, DN là đối tượng chủ lực trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì lại đang bị bỏ ngỏ, tự xoay xở hết sức gian nan.

“Hiện chúng tôi đang xây dựng NM chế biến nông sản với vốn đầu tư trên 80 tỉ đồng. Vốn tự có đã hơn 50%, thế nhưng đi vay ngân hàng để triển khai dự án thì chỗ nào cũng lắc đầu nguầy nguậy. Vùng ĐBSH tôi nghĩ chỉ cần 3-4 NM tầm như dự án của Cty tôi là có thể giải quyết được cơ bản câu chuyện tiêu thụ nông sản, nhưng quả là rất khó khăn cho DN...” – vị này tiết lộ.

PGS.TS Vũ Văn Liết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều cho DN nông nghiệp vay vốn 0% lãi suất, ngoài ra họ còn trợ giá ít nhất 30% sản phẩm. Không có một nước nông nghiệp nào mà DN làm nông nghiệp lại phải đi vay lãi suất cao ngất ngưởng như Việt Nam.

Nguồn: nongnhiep.vn
 Tags: ngành nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập389
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại833,029
  • Tổng lượt truy cập92,006,758
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây