Bài 1: Cùng doanh nghiệp gỡ khó
Cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhiều chính sách mới về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Nhà nước ban hành với những ưu đãi, quan tâm thỏa đáng. Đây đang được coi là cơ hội "vàng" cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực còn đầy tiềm năng này.
Đánh thức tiềm năng
Nhờ nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp (DN), cho nên đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đã tăng đáng kể, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Năm 2014, tổng đầu tư vào nông nghiệp đạt 61.000 tỷ đồng. Hiện đang có hơn 3.500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư thành công và đang trở thành đầu tàu về ứng dụng khoa học - công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương, như Vinamilk, Công ty Minh Phú, TH Truemilk, Công ty cổ phần Đường Lam Sơn, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Vĩnh Hoàn, Tập đoàn DABACO, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Tổng công ty Giống cây trồng T.Ư, Tập đoàn Hoàng AnhGia Lai... Hiện nay, có xu hướng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như Tập đoàn Vingroup, Him Lam, Viettel, FLC, Hòa Phát...
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, năm 2014 chỉ chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn là quy mô vốn nhỏ. Bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên mà chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học - công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, kém hiệu quả.
Phân tích về cả khách quan và chủ quan, dễ nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chưa được các doanh nghiệp, nhà đầu tư chú ý. Nhiều người cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, vốn lớn, trong khi thu hồi vốn lâu dài, chính sách đối với lĩnh vực này chưa thật sự thông thoáng. Đây chính là suy nghĩ của rất nhiều doanh nghiệp đang còn ngần ngại đứng ngoài... "cuộc chơi". Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, bắt tay với Nhà nước, nhà khoa học và nông dân tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, mang thương hiệu cạnh tranh cao. Xác định đây là thời cơ quan trọng để đầu tư, nhiều "ông lớn" khác, vốn coi nông nghiệp là lĩnh vực không phải "tay thuận", còn mới mẻ cũng đã vào cuộc tìm kiếm lợi nhuận. Nói như Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương, đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp không coi là "mốt", là cuộc chơi, mà thực hiện một việc làm ăn nghiêm túc, nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Đây là một lĩnh vực rất mới mẻ, do đó cùng với sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế của Nhà nước, doanh nghiệp phải quyết tâm để thực hiện chiến lược kinh doanh của mình.
Theo đánh giá của các nhà quản lý, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu theo số lượng, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm. Các mô hình sản xuất còn manh mún, thiếu gắn kết, làm theo phong trào. Trong kỹ thuật canh tác, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến đất đai bị thoái hóa, hủy hoại môi trường. Một trong những nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững là do chưa thật sự coi trọng vai trò của khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu. Việc liên kết "bốn nhà" còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa giữ đúng vai trò "nhạc trưởng" trong đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ với người sản xuất, nhà khoa học, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm nông nghiệp nước ta phong phú, đa dạng nhưng chất lượng thấp, giá bán chưa cạnh tranh; việc đầu tư vốn, khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp vào khâu chế biến, xúc tiến thương mại còn rất hạn chế. Do đó, tiềm năng trong nông nghiệp và thị trường lao động phong phú tại các vùng nông thôn chưa được "đánh thức", gây khó khăn cho tiến trình hội nhập kinh tế, đời sống của bộ phận lớn người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội kém phát triển.
Thấy rõ những hạn chế, yếu kém về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, Chính phủ đã coi việc giải quyết những vấn đề này là nhiệm vụ chung, cần chung tay tháo gỡ, giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách trong điều kiện thực tiễn nước ta đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước, các tổ chức quốc tế. Sự quyết tâm chung ấy là động lực quan trọng, tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khi "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng
Cùng với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh về thú y, thủy sản, thủy lợi, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ, phát triển rừng... để trình Quốc hội, ngành nông nghiệp đã điều chỉnh mạnh mẽ đầu tư công, đầu tư nhiều hơn cho thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, thủy lợi tưới cho cây công nghiệp và các loại cây trồng cạn khác; phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, đã thực thi hàng loạt giải pháp tổ chức lại sản xuất, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh; xây dựng chính sách trình Chính phủ về hợp tác xã; tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất... Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát khẳng định quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, hướng mạnh vào nâng cao chất lượng và giá trị, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Để cụ thể hóa nhiệm vụ tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã xây dựng và ban hành hàng chục đề án và kế hoạch cụ thể hóa định hướng và giải pháp tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến, thủy lợi và các nhóm giải pháp để tái cơ cấu đầu tư; đổi mới cơ chế, chính sách; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nhân lực; tổ chức lại và tăng cường năng lực của bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành.
Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, hiện đã có nhiều quy định về lĩnh vực nông nghiệp được sửa đổi, bổ sung, giúp doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, thuế, được hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học -công nghệ; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, nuôi trồng hải sản trên biển; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản... Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn, đến nay, các đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện chế độ "một cửa" và hoàn thiện các thủ tục để bắt đầu kết nối một cửa liên thông với hệ thống hải quan một cửa quốc gia.
Các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đã được công khai hóa và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế. Nâng cao một bước về tăng cường đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ NN và PTNT đã thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, với sự tham gia của các cơ quan quản lý và 30 doanh nghiệp nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp.
Thông qua nhóm công tác này, hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã và đang được giải quyết.
Cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cũng đã nêu rõ quyết tâm của mình đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua việc đổi mới chính sách, hỗ trợ tối đa mọi điều kiện có thể nhằm tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ngành ngân hàng tích cực đầu tư. Tuy vậy, các doanh nghiệp muốn vay được vốn phải chứng minh được đề án hiệu quả, không rủi ro, theo quy định hiện hành. Chính phủ đã có quy định về bảo lãnh vay vốn đối với các ngân hàng, có quy định về bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại thời điểm hiện nay, tín dụng đã tăng trưởng trở lại, tháng 6-2015 đã tăng hơn 6%, tốt hơn nhiều so với 3,7% bình quân sáu tháng đầu năm. Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ đắc lực các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo thuận lợi về tín dụng cho các nhà đầu tư theo quy định. Bộ Tài chính, cùng với việc bãi bỏ hàng chục khoản lệ phí và phí liên quan đến hoạt động nông nghiệp, hiện đang cùng các bộ, ngành hữu quan rà soát các quy định, nhằm điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Các lĩnh vực khác như cải cách thủ tục hành chính, quản lý xuất nhập khẩu, thuế... đã và đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung tay tháo gỡ cùng doanh nghiệp...
(Còn nữa)
Vũ Thanh
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;