Học tập đạo đức HCM

Chăn nuôi - bức tranh sáng và tối

Thứ tư - 14/10/2015 03:48
TS Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã “vẽ” toàn cảnh bức tranh chăn nuôi 9 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng và điểm xuyết một số điểm tối… 
 
TS Hoàng Thanh Vân 

Tăng thêm 10.000 - 13.000 tỉ 
 
Đã qua 9 tháng đầu năm, ông đánh giá ngành chăn nuôi năm nay thế nào? 
 
- Trong 9 tháng của năm 2015 hầu hết các nhóm chăn nuôi đều tăng, bò xấp xỉ 3%, gia cầm 3-4%, lợn 2,6%, chỉ duy nhất trâu giảm so với năm ngoái 1%. Tăng về số lượng cũng vui nhưng đáng quan tâm nhất là tăng trưởng chất lượng. 
 
Về giống: Giống lợn nhập so với năm ngoái tăng 70%. Loại cụ kị mọi năm chỉ chiếm 10-15% nhưng năm nay chiếm trên 60%. Giống gia cầm nhập tăng không đáng kể thể hiện chuyện sản xuất trong nước đã tốt. Vừa qua, thịt gà Mỹ bán rất rẻ ở thị trường Việt Nam nên giống gà trắng nhập về không nhiều mà chủ yếu là giống gà màu, gà thả vườn, sản xuất trong nước là chính. 
 
Đàn vịt bán tốt, giá ổn định ở mức có lợi cho người sản xuất. Lượng bò nhập về rất lớn, xấp xỉ 300.000 con không chỉ giết thịt mà có cả một số bò cái đã được thụ tinh (chủ yếu là Úc) làm giống. Hiện có nhiều công ty nuôi thành công và đẻ lứa bê đầu tiên. Khả năng sinh sản và tốc độ sinh trưởng của đàn bê này không thua kém ở chính nước nhập. Đàn bò sữa tăng mạnh, có thể đạt 280.000 - 290.000 con và kỳ vọng đạt khoảng 300.000 con trong năm nay. Sữa sản lượng dự kiến sẽ là trên 600.000 tấn
 
Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến giờ giá khá tốt duy nhất có con gà lông trắng là giảm. Cơ cấu đàn thì số lượng lợn thuần ngoại tăng 7-8% so với năm ngoái - thể hiện sự thâm canh, chuyển đổi của người chăn nuôi. Gà thì rõ rồi, chuyển từ gà trắng sang màu. 
 
Trước đây trong khoảng 260 triệu gà có tới 35-42% là gà trắng giờ chỉ còn xung quanh 20% và khả năng còn giảm nữa. Đàn bò chuyển biến rõ qua xu thế nuôi thuần ngoại phát triển, không chỉ ở doanh nghiệp lớn mà cả ở nông hộ. Ở nông hộ, trên nền tảng bò lai Sind người ta dùng đàn bò ngoại lai tiếp để đạt sản phẩm trên 80% máu ngoại, có khả năng sinh trưởng, sinh sản tốt. 
 
Tốc độ tăng trưởng của ngành dự kiến 4% trở lên và giá trị dự kiến tăng 7%. Lớn lắm! 
 
Ông có thể chi tiết hơn về sự lớn ấy nó như thế nào? 
 
- Tổng sản lượng chăn nuôi vào khoảng 160.000 tỉ. Vừa rồi họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo do thâm hụt một số mặt nên từ giờ đến cuối năm toàn ngành sẽ phải tăng thêm 30.000 tỉ đồng nữa mới đạt được mục tiêu đặt ra. Về phía ngành chăn nuôi ngoài tăng trưởng chung mà Bộ giao cho (khoảng 3,3%) chúng tôi sẽ còn tăng thêm ít nhất 10.000 - 13.000 tỉ nữa. 
 
Có nhiều cơ sở để nhận định như vậy. Thứ nhất là khi ta nhập số lượng bò vỗ béo lớn đến như vậy về, mỗi một con bò có thể tăng trưởng 1,5 - 2 tạ nên giá trị gia tăng rất cao. Thứ hai là sản lượng trứng đạt tốt, dự kiến trên 9 tỉ quả nhưng sẽ đạt 11 tỉ quả. Thứ ba là sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 6 - 7kg/con so với năm ngoái, trung bình đạt 80 kg/con
 
Cụ kị về thay ông bà 
 
Trước đây chúng ta thường nhập giống ông bà, giờ nhiều loại đã nhập cả cụ kị? 
 
- Theo luật không thể cấm hay bắt doanh nghiệp nhập cái gì cả. Thế nên Cục đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo và thông tin cho họ rằng muốn giảm giá thành chăn nuôi phải có giống tốt. Nhập giống bố mẹ rẻ hơn một chút nhưng chỉ được một đời thôi nên phương án tối ưu nhất là nhập giống gốc, tức là từ ông bà trở lên. Giống đắt nhưng chăm sóc và khai thác tốt thì tính lan tỏa rất nhanh. 
 
Trong 9 tháng qua ta nhập 2.761 con lợn giống, tăng 70% so với năm 2014. Gia cầm nhập 1,3 triệu con. Bò giống và tinh dịch nhập nhiều. Theo thống kê cả năm 2014 nhập 1,5 triệu liều nhưng 9 tháng của năm 2015 đã nhập hơn 2 triệu liều. 
 
Chuyện khảo nghiệm giống nhập về thế nào thưa ông? 
 
- Giống vật nuôi từ xưa đến nay chưa bao giờ khảo nghiệm cả mà chỉ kiểm nghiệm, thực nghiệm. Quan điểm của tôi là chỉ khảo nghiệm giống mới, mà từ trước đến nay không có giống nào mới nhập về. Chủ yếu vẫn là những giống mà thế giới họ cũng nuôi. Trên thế giới để tạo ra giống chăn nuôi mới phải mất hàng trăm năm chứ không thể một chốc lát như bên trồng trọt. 
 
Ảnh minh họa 
 
Bức xúc nhất hiện nay là công tác khảo nghiệm cỏ. Tập đoàn giống cỏ của Việt Nam hiện ít lắm, chỉ vài giống trong khi thế giới có tới mấy chục giống. Cứ nhập về phải khảo nghiệm sẽ mất thời cơ. Tất nhiên vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đánh giá, nghiên cứu đặc điểm sinh lý. 
 
"Nhiều người đang lên tiếng mạnh mẽ, kiến nghị với Quốc hội đưa tội buôn chất cấm vào hình sự vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến con cháu chúng ta. Buôn ma túy mấy gram còn phạt tù đằng này buôn hàng cân chất cấm mà chỉ phạt mấy chục triệu thì chưa đủ sức răn đe".- Cục trưởng Hoàng Thanh Vân. 
 
Chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả sự phát triển của cây cỏ Việt Nam từ 1980 tới nay và sẽ có văn bản báo cáo chính thức với Bộ và Cục Trồng trọt để xem xét và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đưa giống cỏ mới vào. Qua khảo sát, một trong những nguyên nhân chất lượng thịt kém, sản lượng sữa tăng chậm là bởi thiếu cỏ chất lượng. 
 
Muốn cho thớ thịt ngon, màu thịt bắt mắt theo đúng thị hiếu người tiêu dùng phải có những giống cỏ chất lượng rất cao chứ không thể chỉ là cỏ voi, rơm khô. Có những giống cỏ nước ngoài trồng bao nhiêu năm nay rồi về mình lại khảo nghiệm nữa là mất thời gian. Bởi thế chỉ nên khảo nghiệm những giống nào có khả năng xâm hại đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân. 
 
Gỡ dần mảng tối 
 
"Điểm tối" của chăn nuôi hiện nay là gì thưa ông? 
 
- Muốn có lợi nhuận cao, ngoài yếu tố khoa học kỹ thuật và giống còn phải làm tiếp được 2 việc quan trọng nữa là tổ chức lại sản xuất để giảm thiểu thấp nhất khâu trung gian và quy hoạch sao cho có những sản phẩm đồng đều. Chăn nuôi có thể năng suất cao, chi phí thức ăn giảm đấy nhưng mỗi người nuôi một loại khác nhau thì khó “chiến đấu” với thị trường được, thì vẫn là tiểu nông. 
 
Bất cứ khu vực nào dù trang trại hay nông hộ đều phải liên kết, tổ chức lại với nhau để chăn nuôi cùng một giống kiểu như cánh đồng mẫu lớn trong trồng trọt vậy. 
 
Chính quyền địa phương và khuyến nông phải xuống tư vấn cho nông dân. Đồng ý là anh chăn nuôi nông hộ nhưng cả vùng phải bàn nhau nên cùng nuôi giống gì, cùng đưa công nghệ vào để tạo sự đồng đều, để có thương hiệu. Như Bắc Giang chăn nuôi gà thả vườn, như Ngọc Lũ của Hà Nam các gia đình nuôi theo lứa, nuôi theo nhóm lợn bán rất được giá. 
 
Tôi có đi một vài tỉnh nuôi bò sữa rất mạnh nhưng khi được phân tích người dân mới vỡ lẽ ra rằng có tiền để chăn nuôi mà không biết tính toán, không biết liên kết nhau lại chưa hẳn là tốt. Phải sử dụng cùng giống để có đàn bò tương đối đồng đều về sản lượng. Từ đồng đều về sản lượng, quy trình chăm sóc sẽ giống nhau, khẩu phần ăn giống nhau, tạo sự ổn định thị trường. 
 
Không phải thích hôm nay phối tinh phân ly giới tính, ngày mai lại phối tinh khác được. Độ đồng đều kém thì cách chăm sóc sẽ phải khác nhau vì quy trình kỹ thuật quy định bò cho 20 kg sữa khác với 25kg, bò cho 25kg khác với 30kg
 
Việc hình thành vùng an toàn dịch bệnh hiện đã tiến đến đâu rồi? 
 
- Phải ăn ngủ với nông dân để mà làm chứ không chỉ trên văn bản giấy tờ. Chẳng có gì là không làm được cả. Cái chính là phải quyết tâm. Phải rà soát lại quy hoạch. Nói về luật người sản xuất được làm cái gì Nhà nước không cấm nhưng xét về quy hoạch, chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp phép. Quyền năng của Nhà nước là ở chỗ đó. Tất cả các địa phương giờ phải rà soát lại quy hoạch, không để phát triển chăn nuôi bừa bãi. 
 
Có thực trạng là những người có tiền, thậm chí ở ngành khác đang tìm mọi cách đầu tư vào chăn nuôi. Các tỉnh, các huyện nếu không làm kỹ vấn đề này sẽ phá vỡ toàn bộ kết cấu hạ tầng về giống, dịch vụ, môi trường, thị trường. Cần phải xóa đi hội chứng của người dân Việt Nam thấy người ta làm được thì bắt chước. Phải làm theo kế hoạch. Kế hoạch này không phải do Nhà nước áp đặt mà tự từng khu vực tính toán, hướng dẫn. 
 
Cục Chăn nuôi đang triển khai tương đối mạnh tay chuyện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận. Rõ ràng là trước ta chưa va đập mạnh nên giờ thực hiện mới thấy lòi ra nhiều vấn đề. Tôi nói với anh em khó mấy cũng phải làm. Mình làm mạnh các tỉnh cũng sẽ làm quyết liệt. 
 
Xin cảm ơn ông!
 
Dương Đình Tường (nongnghiep.vn)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm179
  • Hôm nay34,322
  • Tháng hiện tại809,600
  • Tổng lượt truy cập91,983,329
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây