Điều đáng chú ý là trong 200 tỷ USD này, có hầu hết các mặt hàng thủy sản mà Trung Quốc XK sang Mỹ.
Chế biến cá tra XK. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Trong số hơn 6.000 mặt hàng NK từ Trung Quốc mà Mỹ đã đưa vào danh sách hàng hóa trị giá 200 tỷ USD để chuẩn bị áp thuế NK bổ sung, có mặt hầu hết các mặt hàng thủy sản mà Trung Quốc đang XK sang Mỹ như tôm, cá rô phi, cá hồi, cá minh thái, cá ngừ, cá flatfish, cua ghẹ, sò điệp, mực, bột cá...
Trong đó, cá rô phi Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của các nhà XK cá tra Việt Nam, vì đây là đối tượng cạnh tranh quan trọng với cá tra Việt Nam trên thị trường cá thịt trắng NK ở Mỹ. Thống kê của Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ cho thấy, trong năm 2017, cá rô phi là sản phẩm cá có khối lượng NK lớn nhất vào Mỹ với 133.700 tấn, trị giá 426,4 triệu USD. Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm tới 75%. Cá rô phi Trung Quốc XK sang Mỹ chủ yếu là cá đông lạnh và có giá thành thấp hơn so với cá rô phi tươi NK từ các nước Mỹ Latinh. Tính riêng ở thị trường cá thịt trắng NK vào Mỹ, cá rô phi Trung Quốc cũng đang chi phối khi chiếm tới gần 45% giá trị cá thịt trắng NK, còn cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%.
Nhờ có hương vị nhẹ và giá rẻ, philê cá rô phi đông lạnh Trung Quốc đã thâm nhập được vào nhiều chuỗi cung ứng, nhà hàng, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường học… ở Mỹ. Tuy nhiên, từ khi có thông tin Chính phủ Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% với thủy sản NK từ Trung Quốc, doanh số bán cá rô phi tại các hệ thống siêu thị lớn ở Mỹ đã giảm khoảng 20-30%. Như vậy, có thể thấy việc Mỹ chuẩn bị áp thuế bổ sung với thủy sản NK từ Trung Quốc đang khiến cho khả năng cạnh tranh của cá rô phi nói riêng, thủy sản Trung Quốc nói chung, bị giảm đi nhiều ở thị trường Mỹ. Qua đó, giúp cho không chỉ cá rô phi mà cả cá tra Việt Nam có cơ hội giành thêm thị phần ở Mỹ.
Riêng ở thị trường cá da trơn NK vào Mỹ, cá tra Việt Nam đang chiếm tỷ trọng khoảng 90%. 10% còn lại đến từ một số nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc (hầu hết là sản phẩm chế biến sâu). Lâu nay, nhiều doanh nhân ngành thủy sản vẫn cho rằng 10% đó là các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng mà Trung Quốc mua cá tra nguyên liệu từ Việt Nam rồi chế biến XK sang Mỹ. Nhưng theo ông Ong Hoàng Văn, Phó TGĐ Cty Trường Giang (Đồng Tháp), đó là sản phẩm chế biến từ một loại cá da trơn ở Trung Quốc.
Khi mặt hàng cá da trơn chế biến này bị Mỹ áp thuế bổ sung 10% khiến cho giá bán ở Mỹ tăng cao, thì các DN Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh XK cá tra chế biến sâu sang Mỹ để chiếm nốt thị phần còn lại. Do ảnh hưởng của thuế CBPG, hiện chỉ còn rất ít công ty đang tiếp tục XK cá tra sang Mỹ. Trong đó, Cty Vĩnh Hoàn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra với chất lượng cao nhằm hướng tới thị trường XK, gồm cả thị trường Mỹ.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã NK 264,6 triệu USD cá rô phi; giá trị NK cá tra, basa từ Việt Nam là 154,4 triệu USD (thông tin từ VASEP cho hay trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã XK cá tra, basa sang Mỹ đạt giá trị 196,8 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm ngoái). Nếu mức thuế bổ sung 10% được Chính phủ Mỹ áp lên cá rô phi NK từ Trung Quốc, cá tra, basa Việt Nam sẽ có cơ hội giành thêm được thị phần trên thị trường cá thịt trắng NK tại Mỹ trong những tháng cuối năm nay khi mà giá cá rô phi sẽ trở nên đắt đỏ hơn trước.
Theo: Sơn Trang/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;