Yếu từ trồng trọt đến chế biến
Theo ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Hiện lượng đường tồn tại kho các nhà máy trong cả nước là hơn 554.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 350.000 tấn. Nguyên nhân đường tồn kho lớn một phần do đường nhập khẩu và tình trạng nhập lậu đường. Sở dĩ, đường lậu nhập khẩu “sống khỏe” và tồn tại dai dẳng lâu nay bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng chống buôn lậu là do giá rẻ hơn nhiều so với giá đường trong nước. Trong khi đó, các nhà máy chế biến thực phẩm vốn là khách hàng chính tiêu thụ đường lại giảm nhu cầu sử dụng (nhất là nhóm ngành hàng nước giải khát) khiến đường sản xuất ra lâm cảnh ế ẩm. Các chất tạo ngọt thay thế đường mía như siro ngô nồng độ fructose cao cũng có giá thành cạnh tranh hơn, nên nhu cầu sử dụng đường trong nước giảm.
Cùng với đó là công nghệ thu hồi đường còn thấp và giá mía nguyên liệu cao cũng trở thành lực cản sự cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam, bởi giá nguyên liệu mía chiếm 70-80% giá thành sản xuất đường. Hiện nay, giá mía nguyên liệu đưa vào chế biến ở Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao là do phần lớn diện tích trồng mía vẫn nhỏ lẻ, phân tán, hạ tầng cơ sở yếu kém, việc áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt rất hạn chế nên năng suất, chất lượng mía thấp, chi phí vận chuyển cao. Năng suất mía của Việt Nam hiện đạt 62,6 tấn/ha, mặc dù có tăng so với trước nhưng ở vẫn mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Trữ đường bình quân cả nước ở mức thấp, dẫn đến sản lượng đường thấp.
Ông Phạm Đồng Quảng, nguyên Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, từng thẳng thắn nhận xét: "Năng suất, chất lượng, trữ đường thấp (1ha sản xuất được 6 tấn đường, trong đó mức trung bình ở các nước trên thế giới là 6,8 tấn đường/ha, Thái Lan 8 tấn đường/ha); thu hoạch thủ công, ít đưa cơ giới hóa vào sản xuất (chậm 1 ngày đưa mía nguyên liệu đã thu hoạch vào sản xuất, chế biến sẽ giảm 10% trữ đường) khiến ngành mía đường thua kém rất xa".
Theo cam kết về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN với các nước trong khu vực ASEAN, không khống chế quota nhập khẩu đối với đường và mức thuế suất giảm dần từ 5% xuống 0% (vào năm 2018 và theo lộ trình đến 2024, mức thuế nhập khẩu 0%) thay vì 30% như hiện nay. Khi đó, lượng đường từ các quốc gia ASEAN, trực tiếp là Thái Lan (quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất đường), sẽ tạo ra sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Năm 2017, tổng nguồn cung đường cả nước khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất được khoảng 1,3 triệu tấn, tồn kho đầu năm hơn 280.000 tấn và nhập khẩu 119.000 tấn. Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu, còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi chúng ta thực hiện các cam kết về thương mại. Để ngành mía đường phát triển trước tác động của hội nhập, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các nhà máy đường nhằm tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam. Các nhà máy đường cần chủ động giảm giá thành thông qua chính sách về giá bán, tạo lập kênh phân phối riêng, qua đó kiểm soát và bình ổn giá đường trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Ngành mía đường cần chú trọng giảm chi phí từ khâu sản xuất đến ứng dụng công nghệ ép đường, hướng đến tăng sản lượng và giá trị. Để bảo đảm chất lượng mía, ở các vùng nguyên liệu phải đưa giống với năng suất cao vào trồng đáp ứng được yêu cầu chế biến đường.
Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất mía đường cần kết hợp với địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng mía và tăng trữ đường. Đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích tưới cho mía. Hỗ trợ người trồng mía có thể mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ làm đất, chăm sóc và nhất là khâu thu hoạch mía. Khuyến khích người trồng mía dồn điền đổi thửa; hình thành tổ nhóm liên kết sản xuất để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất.
Để tồn tại và phát triển trong “sân chơi hội nhập” khi hàng rào thuế quan không còn, ngành mía đường Việt Nam phải “lột xác”, tổ chức lại sản xuất, và giảm giá thành sản xuất được coi là điều kiện tiên quyết. Đồng thời, để gia tăng giá trị, ngành mía đường phải chế biến sâu các sản phẩm và tận dụng các phụ phẩm của cây mía để làm phân vi sinh, sản xuất điện, cồn, thức ăn chăn nuôi.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giống và nước tưới là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất mía. Tuy nhiên, đến nay các giống mía mới trên toàn quốc chỉ chiếm khoảng 50% diện tích (bao gồm các giống có nguồn gốc từ Thái Lan: K88-65, K95-156, LK92-11, KK3, Sunphaburi 7; các giống có nguồn gốc Trung Quốc: Viên Lâm, Quế Đường, Việt Đường, Liễu Thành). Mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, cho năng suất cao cũng chỉ mới áp dụng ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) và một vài địa phương... |
Bài, ảnh: NGUYỄN KIỂM/qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;