Học tập đạo đức HCM

Hạn chế nhập khẩu muối, tín hiệu vui từ cá tra

Chủ nhật - 14/01/2018 06:12
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ra văn bản gửi các tỉnh, thành phố sản xuất muối với các giải pháp nhằm giúp diêm dân phát triển sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra cũng đã có những tín hiệu vui, trong khi các hồ thủy lợi đã chứa đủ nước phục vụ công tác đổ ải.

Hạn chế nhập khẩu muối, tạo điều kiện tiêu thụ cho diêm dân 

Cần hạn chế nhập khẩu muối để tiêu thụ muối cho diêm dân.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản số 251/BNN-KTHT chỉ đạo sản xuất muối niên vụ 2018 gửi tới các tỉnh, thành phố có sản xuất muối. Theo đó, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Để sản xuất muối niên vụ 2018 có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện có sản xuất muối thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối.

Cụ thể là, quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu muối, muối i ốt tại địa phương; có kế hoạch cụ thể quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất muối, nhất là chế biến và tiêu thụ muối. Đồng thời là đầu mối tổng hợp đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất chế biến muối, muối i ốt tại địa phương.

Về sản xuất và tiêu thụ muối, đối với sản xuất muối công nghiệp, Bộ NN&PTNT chỉ đạo: Giữ ổn định các đồng muối công nghiệp hiện có và đầu tư mở rộng diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp; khẩn trương đầu tư hoàn thành Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận.

Chỉ đạo các đơn vị sản xuất muối công nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và thu hoạch muối, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu muối chất lượng cao cho các ngành công nghiệp để hạn chế nhập khẩu muối, tạo điều kiện tiêu thụ muối thủ công cho diêm dân.

Đối với sản xuất muối thủ công: Tổ chức sản xuất đúng diện tích trong quy hoạch, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để bảo đảm sản xuất muối ổn định; có kế hoạch chuyển đổi diện tích sản xuất muối không hiệu quả sang các ngành nghề có thu nhập cao hơn.

Hoa lan rớt giá vì nở sớm trước Tết cả tháng

Nhà vườn cắt lan nở sớm để bán.

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018 nhưng nhiều vườn hoa địa lan, loài hoa cao cấp của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã nở sum suê. Nhà vườn đành cắt cành bán với giá chỉ bằng 1/10 so với giá hoa Tết.

Nghệ nhân Đoàn Văn Quỳnh (chủ vườn hoa địa lan Anh Quỳnh ở 49 đường Vạn Kiếp) đã phải cắt bán trước Tết 7.000 cành địa lan với giá chỉ từ 30.000 – 70.000 đồng/cành để vớt vát lại phần nào công sức đã đầu tư, chăm sóc cả năm trời.

Hiện số cành địa lan dự báo nở đúng dịp Tết chỉ còn hơn 1.500 cành, hầu hết đã được khách hàng đặt mua với giá cao chót vót: vàng New Zealand có giá 800.000 đồng/cành; Vàng SJC, vàng chanh, vàng hoàng hậu và xanh 207 có giá 600.000 đồng/cành, cam lửa khoảng 300.000- 400.000 đồng/cành...

Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cho biết tình trạng địa lan nở sớm xảy ra ở rất nhiều vườn lan trong thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết: Những tháng gần đây, ban ngày lại nắng ấm, số giờ nắng trong ngày cao đã kích thích cây nẩy nụ, nở hoa sớm, nhất là địa lan và hoa lys. Với tình trạng này thì nguồn cung địa lan cho thị trường Tết sẽ bị thiếu hụt, chất lượng hoa cũng giảm.

Sản lượng hoa địa lan của Đà Lạt – Lâm Đồng trên dưới 450.000 cành. Với tỉ lệ trung bình khoảng 60-70% hoa nở sớm, có những vườn lên tới 80% thì nhà vườn bị thiệt hại nặng nề.

Tín hiệu vui trong xuất khẩu cá tra

 

Dù nhiều thách thức đang đặt ra cho ngành hàng cá tra, nhưng cơ hội đã rộng mở ở thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác. Năm 2017 khép lại, ngành hàng này được đánh giá là thành công khi giá cá tra đạt đỉnh cao nhất trong 10 năm qua (dao động khoảng 28.000 đồng/kg).

 

Với kết quả trên, hình ảnh cá tra Việt Nam đang được Trung Quốc tin tưởng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ EU và Hoa Kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, nhưng giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng: năm 2016 là 17,8%, năm 2017 tăng đột biến chiếm khoảng 40%.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, năm 2017, diện tích nuôi mới cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 3.300ha (tăng 14%), diện tích thu hoạch là 3.415ha (tăng 7%), sản lượng đạt 1,06 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2016) với năng suất trung bình đạt 309 tấn/ha (so với năm 2016 là 313 tấn/ha).

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường Trung Quốc vươn lên đứng đầu, thứ hai là thị trường Hoa Kỳ…

Nắm bắt được tâm lý, một số vùng ở Trung Quốc, người dân muốn được giao lưu về kỹ thuật chế biến các món ăn liên quan đến cá tra, nên trong năm 2017, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổ chức sự kiện Mekong Chef 2017 với chủ đề “Ngày hội ẩm thực cá tra Việt Nam và xúc tiến thương mại” giới thiệu, quảng bá sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp với thị trường qua 30 món ăn được chế biến từ cá tra của các đầu bếp trong nước và quốc tế.

Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo thực hiện tốt các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Sẵn sàng đón nước phục vụ đổ ải từ các hồ thủy điện

Cày ải đất đợi nước thủy lợi.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi, Điện lực Việt Nam vừa đi kiểm tra về việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy làm thủy lợi nội đồng, nâng cấp, sửa chữa các trạm bơm nhằm tích cực triển khai để đón đợt 1 xả nước từ các hồ thủy điện thượng nguồn phục vụ đổ ải vụ Đông xuân 2017-2018 tại các tỉnh Hải Dương và tỉnh Hà Nam.  

Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018 tỉnh Hà Nam sẽ lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy 32.000ha diện tích. Trong 3 đợt xả nước các hồ thủy điện, địa phương sẽ tập trung lấy nước đợt 1 đạt khoảng 50% diện tích, đợt 2 khoảng 30% và đợt 3 là diện tích còn lại và phục vụ tưới dưỡng. Khó khăn hiện nay là nguồn nước tại nhiều công trình thủy lợi bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, trạm bơm Chợ Lương trên địa bàn huyện Duy Tiên đang cấp nước cho diện tích khoảng 5.000ha của các xã của địa phương, tuy nhiên do ô nhiễm nên nguồn nước này không thể sử dụng. Trong đợt xả nước lần 1 các hồ thủy điện, Hà Nam dự kiến sẽ lùi lại lịch thời vụ một vài ngày để xử lý nguồn nước ô nhiễm ở trạm bơm, sau đó mới cấp nước phục vụ sản xuất:

Qua kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải của các địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, sản xuất Đông xuân 2017-2018 trong điều kiện Tiết lập Xuân vào trước Tết mùng 5 tháng 2 nên nhu cầu lấy nước rất lớn. Dự báo sẽ tiếp tục có các đợt rét đậm rét hại vì vậy, việc đón và đưa nước trong các đợt xả nước hồ thủy điện phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, tuyên truyền hướng dẫn nông dân ra đồng để tranh thủ nguồn nước từ các hồ thủy điện làm đất và gieo cấy trong khung thời vụ. Ngoài ra, các địa phương căn cứ mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi hiện nay phải thường xuyên kiểm tra, chất lượng nước đủ điều kiện mới đưa nước phục vụ sản xuất.

ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị, để đảm bảo hiệu quả lấy nước đề nghị các địa phương và các đơn vị thủy nông liên quan tập trung lấy nước, tu sửa nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là những công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trạm bơm cửa van để khi có nước về là sẵn sàng đưa nước. Đồng thời tuyên truyền đến nhân dân về lịch lấy nước, hướng dẫn nông dân lấy và giữ nước trên ruộng hiệu quả. Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ đảm bảo điều hành theo kế hoạch lấy nước và đảm bảo đủ nguồn điện cấp cho các trạm bơm trong thời kỳ lấy nước.

Theo kế hoạch, vụ Đông xuân năm 2017-2018, 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gieo cấy khoảng 630 nghìn ha lúa. Khung thời vụ gieo cấy từ ngày 5 tháng 2 đến 28 tháng 2. Phục vụ đổ ải vụ Đông xuân sẽ có 3 đợt xả nước với tổng số 18 ngày. Đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 16 tháng 1 đến 24 giờ ngày 19 tháng 1 năm 2018.

Khánh Nguyên (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập747
  • Hôm nay67,942
  • Tháng hiện tại804,052
  • Tổng lượt truy cập93,181,716
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây