Giá giảm mạnh
Nông dân Tây Nguyên thu hoạch tiêu niên vụ 2015-2016.
Theo khảo sát, năm nay, dù hạn hán hoành hành nhưng năng suất, sản lượng tiêu giảm không đáng kể, ước đạt 3 - 4 tấn/ha, giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ trước. Điều đáng nói là, những năm trước, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức cao, có thời điểm đạt hơn 220.000 đồng/kg, góp phần cải thiện đời sống, giúp nhiều nông dân Tây Nguyên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Thế nhưng, sau một thời gian đứng ở mức cao, hiện giá tiêu trong nước liên tục giảm. Đặc biệt, giá tiêu xô ngày 10/3 ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông chỉ còn 138.000 đồng/kg, tại Gia Lai chỉ còn 137.000 đồng/kg, so với niên vụ trước, giá tiêu giảm từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Tuy giá giảm nhưng các nông hộ trồng tiêu vẫn phấn khởi vì đây là mặt hàng cho lãi nhiều nhất so với các loại cây trồng khác. Chia sẻ về vấn đề này, chị Lê Thị Nguyệt (thôn 4, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Nhà tôi có 1ha tiêu đang thu hoạch, năm nay năng suất dự kiến đạt khoảng 3 tấn/ha. Với giá giảm mạnh như hiện nay (từ 200.000 đồng/kg xuống còn 140.000 đồng/kg), người trồng tiêu mất cả trăm triệu đồng tiền lãi so với niên vụ trước. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn thu được khoảng 350 triệu đồng/ha/năm. Trồng tiêu vẫn đem lại lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác”.
Theo dự báo, do nguồn cung dồi dào nên trong thời gian tới, giá tiêu tiếp tục giảm mạnh. Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là thời gian gần đây, giá tiêu trên thế giới giảm trước sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời cây hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch nên nguồn cung tăng cao. Bên cạnh đó, do giá tiêu cao ngất ngưởng trong thời gian dài, trong khi giá các loại nông sản khác giảm mạnh khiến nông dân Tây Nguyên đổ xô trồng tiêu làm cho diện tích tăng mạnh, nguồn cung trở nên dồi dào, các nhà đầu cơ, doanh nghiệp có cơ hội ép giá thu mua để kiếm lời.
Cung sẽ vượt cầu
Hiện nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên đang tăng nhanh, chỉ trong 3 năm gần đây, diện tích hồ tiêu toàn vùng đã tăng 20.000ha. So với nhiều cây công nghiệp khác, chưa loại cây nào có diện tích tăng nhanh trong một thời gian ngắn như vậy. Tại Đắk Lắk, theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển 16.000ha tiêu, nhưng đến nay đã vượt con số 21.000ha. Diện tích tiêu tập trung ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk và nằm rải rác tại một số địa phương khác... Tại Gia Lai, toàn tỉnh hiện có trên 13.100ha hồ tiêu, tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang… Trong khi đó, theo quy hoạch, đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai là 6.000ha.
Riêng tại Đắk Nông, tính đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn đã lên tới 17.188ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 12.951ha. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở đây cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phát triển thiếu bền vững, diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ nên sâu bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Việc diện tích tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch của các loại cây trồng khác, những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Điều này dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh. Hơn nữa, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người dân bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, vẫn ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, tiêu chết hàng loạt.
Đáng lo ngại hơn, với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu xảy ra là, cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá cả giảm khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, đất đai bạc màu do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự rửa trôi của đất. Câu chuyện “trồng - chặt, chặt - trồng” này bộc lộ sự bấp bênh, thiếu bền vững của ngành nông nghiệp, một bài học không mới nhưng vẫn lặp đi lặp lại.
Cần phát triển bền vững
Nhìn ở mặt tích cực, hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên. Giá trị kinh tế do cây hồ tiêu mang lại đã và đang góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phát triển thiếu bền vững, diện tích hồ tiêu tăng quá “nóng”, nhiều vườn tiêu bị thiệt hại do sự phá hoại của sâu bệnh, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ như hiện nay vào các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để đầu tư thâm canh, phát triển cây tiêu bền vững.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần chủ trì trong việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực tế cho thấy, đã có nhiều mô hình hiệu quả, điển hình như mô hình trình diễn trồng tiêu theo hướng bền vững do Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk thực hiện tại phường Tân Bình, thị xã Buôn Hồ và xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin. Đây được xem là một trong những mô hình điểm thực hiện mối liên kết “4 nhà”, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, bền vững gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ ổn định.
Theo kết quả khảo sát niên vụ 2015-2016 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tây Nguyên bị tác động bởi thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới của mùa khô khắc nghiệt và sâu bệnh làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất, nhưng nhìn chung sản lượng tiêu vẫn tăng 7 - 10%, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt nguy cơ mất thị trường, một số đối tác nước ngoài từ chối nhập khẩu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Do vậy cần phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. |
Bá Thăng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;