Học tập đạo đức HCM

Lận đận phận tôm

Chủ nhật - 22/11/2015 06:00
Chủ mấy vuông tôm tên Tỷ ở huyện Phú Tân tỉnh Cà Mau buồn rầu báo đã “treo đầm” mấy bữa rày vì chạy không kịp tiền trang trải chi phí chăm sóc mấy con tôm “khó tính”. Giọng người đàn ông chân chất chịu cực chịu khó từ lâu ở vùng đất mũi nói thiệt rằng con tôm chỉ thích nịnh nhà giàu.
 
Vuông tôm ở Cà Mau. Ảnh: Ngô Hán Tỷ

Một vụ tôm thẻ mất khoảng ba tháng, còn tôm sú cần thời gian gần gấp đôi như thế mới thu hoạch được. Nhưng nếu không may giữa chừng “trái gió trở trời” con tôm nhuốm bệnh, nếu không vung tiền chạy chữa, coi như cả vuông mất trắng, vốn liếng đi sạch.
 
Lỗi tại ai?
 
Cứ chỗ nào đào được là có đầm, vì không quy hoạch, thiếu tính toán nên nguồn nước ô nhiễm hại đàn tôm con cá cứ vậy mà lây lan. Lại thêm sản xuất nhỏ, nghề tay ngang, chọn giống con tôm thì nhờ người ta bày cho, ai quảng cáo nghe giọng ngọt, giá rẻ là được... nên chăm con tôm khổ chẳng khác nào chăm “chàng công tử” ốm yếu hay sụt sùi khó nuôi.
 
Nói thế để thấy rằng khi con tôm nhiễm bệnh, cứ phải tìm tiền chạy chữa thuốc thang, bao nhiêu kháng sinh hóa chất cũng được, không cần tính toán, miễn chúng còn ngo ngoe để không cụt vốn.
 
Chừng ấy nỗi lo vẫn chưa hết. Đến kỳ thu hoạch, lái tôm ép đằng đầu đằng đuôi, nên nông dân cố bán cho nhanh, không thì giá thành đội. Đưa con tôm ra được khỏi đầm là mừng “hết lớn”. Tôm rời khỏi vuông như quăng được cục nợ... nhưng ông Tỷ vẫn còn ngờ ngợ chuyện con tôm xuất đi rồi bị trả về. “Bơm tạp chất vô tôm cho nó phình ra, để tăng trọng lượng kiếm lợi về mình thì người nuôi như tui đâu có rảnh mà làm, có làm được cũng không dám. Kéo đàn tôm lên, chỉ cần thấy tạp chất bên ngoài là lái tôm đã chê ỏng chê ẹo, léng phéng là bị trừ tiền. Nên ai “châm” tạp chất biết liền”, ông Tỷ nói với giọng Cà Mau thẳng đuột, chối phăng chuyện làm ăn gian dối và khẳng định không phải chính khâu “nhà vườn” gây nên.
 
Đó là nỗi lòng của một chủ vuông tôm sau mấy mùa khai thác nay cụt vốn đành phải treo đầm ngồi buồn kể lại. Ông Tỷ chẳng hề biết rằng ngành thủy sản cũng đang “sốt vó” vì nhiều nước nhập khẩu đã không chịu nhận con tôm xuất khẩu, trong đó có thể đã từng có tôm của ông. Cho đến bây giờ bụng dạ ông Tỷ cũng không hề áy náy vì vẫn tin mình mần ăn chân chất.
 
Ở đầu phía xuất khẩu, ngành thủy sản đang nhận không ít tin buồn. Nghe đâu Nhật Bản đã cảnh báo đến 25 doanh nghiệp Việt Nam có các lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh.
 
Đến kỳ thu hoạch, lái tôm ép đằng đầu đằng đuôi, nên nông dân cố bán cho nhanh, không thì giá thành đội. Đưa con tôm ra được khỏi đầm là mừng “hết lớn”. Tôm rời khỏi vuông như quăng được cục nợ...
 
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn cho biết không chỉ Nhật Bản, hai thị trường nhập khẩu hàng thủy sản truyền thống khác là EU và Mỹ cũng đã cảnh báo nhiều lần cùng một lỗi vi phạm, thậm chí nhiều lô hàng xuất đi rồi phải nhận về với số lượng lớn hơn.
 
Mối nguy mất thị trường
 
Tại các nước nhập khẩu, khi một lô hàng thủy sản nhập khẩu bị phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, họ đều có thông báo tên tuổi trên các phương tiện thông tin nhằm bảo vệ người tiêu dùng của nước họ. Tại nhiều trang tin bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đến nay người ta vẫn còn treo cái tin một cuộc khảo sát của Bloomberg báo rằng từ năm 2007 đến cuối năm 2012, cơ quan FDA của Mỹ đã loại 1.380 lô hàng thủy hải sản nhập khẩu từ 81 nhà máy chế biến ở Việt Nam!
 
Nhiều người giải thích chắc các nơi thấy nước mình xuất bán mạnh nên gây khó. Nhưng người hiểu chuyện đều biết các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, màu mùi, vị nếm, đặc biệt các phản ứng trên sức khỏe khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đều được các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm trình bày cặn kẽ đến người tiêu thụ. Chỉ cần có trường hợp một cá nhân hay một tập thể người tiêu thụ bị ngộ độc, dù nhẹ hay nặng, là có khi đi đứt cả một thương hiệu vì người tiêu dùng không dám quay lại mua lần sau.
 
Nhớ tại Vương quốc Bỉ cách đây không lâu, một hãng sữa tên tuổi trong ngành công nghiệp thực phẩm phải tiêu hủy hàng triệu lít sữa chỉ vì một chút mực in bị phát hiện nằm phía trong bao bì và người ta nghi ngờ loại mực in ấy có thể gây ung thư! Cuối cùng, hãng sữa phải chịu thiệt hại lớn và cam kết đền bù nếu như ai đổ bệnh vì uống loại sữa “có độc” này.
 
Cách xử lý của nhiều nước nhập khẩu rất khác với cách nghĩ giản đơn của ta: đồ ăn “hư” là hỏng, “hại” là bỏ chứ không như một vị quản lý trong ngành thủy sản vì quá thương con tôm bị trả về do “một tí ti” vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã nói “chỉ cần luộc lên là ăn ngon ơ, có gì đâu!”.
 
Công thức, thành phần cấu tạo thực phẩm cần phải được nói rõ, có sao ghi vậy để người tiêu dùng được quyền tự do chọn lựa. Cứ vào một siêu thị tại các nước như Mỹ chẳng hạn, khi người tiêu thụ chọn mua một sản phẩm mới, họ săm soi rất kỹ nhãn mác, xem món hàng mình mua có phù hợp với sức khỏe, cái cần dùng có hợp với mình không chứ không như người đi chợ nhà mình, chỉ biết nhìn giá rẻ hay mắc. Nếu nhà cung cấp trong nước không lưu ý kỹ đến điểm này để giữ khách, người mua sẽ không ngần ngại thả sản phẩm của Việt Nam lại trên quầy để đi với con tôm, con cá của nước khác.
 
Nhiều người lý giải “tiền nào của nấy”, mua giá rẻ thì phải nhận hàng...như thế chứ sao! Nhưng họ đâu có hiểu rằng sau nhiều lần bị từ chối do chất lượng thất thường rày được mai không, người mua hay nhà phân phối buộc phải áp đặt “chi phí rủi ro”, trừ vào giá mua và chính bên bán phải trả cho khoản ấy. Muốn khỏi mất khoản ấy, đôi khi phải nỗ lực cả chục năm chưa lấy lại được.
 
Khối lượng và giá trị xuất khẩu con tôm, con cá đang đáng lo ngại. Thật vậy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng đầu năm2015 đạt 16,9 tỉ đô la Mỹ nhưng lại giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong hiện tượng “tăng trưởng giật lùi” chung của nhiều ngành nông, thủy sản, những con số của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có lẽ là đáng lo nhất.
 
Riêng trong quí 3-2015, xuất khẩu thủy sản lại có mức tăng trưởng âm đến 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP cho biết trong chín tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 4,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,4%. Tháng 10-2015, tổng kim ngạch các mặt hàng này tiếp tục giảm 12%, dừng ở mức khiêm tốn 604 triệu đô la Mỹ trong đó phải kể xuất khẩu tôm giảm 33%, cá tra giảm 30%, cá ngừ giảm 11% và bạch tuộc âm 28%.
 
Điều đáng ngại nhất là kim ngạch xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn và truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm lần lượt với27%, 19% và 15%.
 
Cũng như nhiều loại hàng hóa xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ là một khó khăn lớn mà bản thân các nhà xuất khẩu trong nước không thể vượt qua nếu không có sự ra tay của Ngân hàng Nhà nước, trong khi nhiều nước cạnh tranh khác đang đua nhau phá giá đồng nội tệ của họ để khuyến khích xuất khẩu. Khi không đấu được với các đồng tiền phá giá, sức cạnh tranh của con tôm, hạt cà phê, bành cao su... của Việt Nam đành phải chịu lép vế.
 
Cạnh tranh chỉ là một nguyên do nhỏ, chuyện chúng ta tự hạ uy tín bằng cách xem thường các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm để nhiều lô hàng bị trả về, gây tổn thất tiền của và uy tín, giảm thị phần phải được xem là chuyện lớn hơn nhiều.
 
Mối nguy mất thị trường nông thủy sản đang quá rõ. Gầy dựng uy tín, thương hiệu cho một sản phẩm như con tôm, nhiều nông thủy sản khác, đất nước đã phải trả giá bằng biết bao công lao của nhiều thế hệ doanh nhân, tốn nhiều tỉ đô la chưa chắc đã có được như ngày hôm nay. Không lẽ lại để mất dễ dàng thương hiệu thủy sản Việt Nam và thị phần đã tạo lập. Không lẽ số phận con tôm lại phải lận đận?
 
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập315
  • Hôm nay43,450
  • Tháng hiện tại818,728
  • Tổng lượt truy cập91,992,457
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây