Nghịch lý hàng nhập
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Nổi bật là 5 nhóm mặt hàng trong 8 tháng góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).
Nêu lên nguyên nhân nhập siêu lớn từ Thái Lan, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á cho biết, có nhiều nguyên nhân.
Đơn cử, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được song các doanh nghiệp (DN) vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…
Đáng chú ý, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp là chính, thế nhưng, chúng ta vẫn nhập khẩu rau củ quả từ Thái Lan lên đến 618 triệu USD.
Chủ yếu các loại quả mà ở Việt Nam cũng không thiếu, thậm chí là thừa thãi như chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam…
Trong khi đó, nước bạn chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. Bên cạnh đó, việc các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng cho thấy, nước này đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, với chiến lược trên, Thái Lan đã tạo mạnh điều kiện để DN nước này trực tiếp đưa hàng tới người tiêu dùng Việt Nam. “Ngoài ra, việc người tiêu dùng Việt vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng… cũng là nguyên nhân khiến cho chúng ta nhập siêu lớn từ thị trường này” – đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Có nên dựng hàng rào kỹ thuật?
Trước thực tế này, tại cuộc họp diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu ra vấn đề: Cần phải đặt câu hỏi vì sao, các nước như như Indonexia, Philippines… cũng nằm trong khu vực ASEAN nhưng hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam?
Và theo đó, ông Tuấn Anh yêu cầu gấp rút tìm ra giải pháp kéo giảm nhập siêu từ Thái Lan và ngược lại, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, đáng chú ý, Bộ Công thương đưa ra biện pháp quản lý nhập khẩu theo quy định để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường.
Song song với việc quản lý chặt về nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị hệ thống siêu thị do DN Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các Tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thay vì hàng nhập từ Thái Lan.
Riêng với các mặt hàng nông sản, trái cây, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và DN sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần có sự hỗ trợ đối với DN trong việc quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ.
Tại thị trường trong nước, giới chuyên gia nhận định, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt và có được niềm tin của người tiêu dùng, chính các DN Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáng ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành cạnh tranh để có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan.
Tại hội nghị, có ý kiến đưa ra quan điểm, cần đưa ra hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu.
Song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: “Hàng rào kỹ thuật không phải để hạn chế nhập khẩu mà là để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa. Nếu không chúng ta không bao giờ cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập hiện nay”.
Minh Phương/d dk.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã