Lúa trúng mùa, giá cao
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng lúa tại Hậu Giang và Sóc Trăng, bà con đã và đang vào mùa thu hoạch. Âm thanh từ những chiếc máy gặt đập liên hợp nổ vang đồng; người người cộ lúa vào nhà để cân cho thương lái, hòa cùng tiếng nói, cười, bàn tán… càng làm cho vùng quê yên ắng trở nên nhộn nhịp.
Đang ngồi chờ thương lái cân 6 công lúa vừa cắt xong, ông Nguyễn Thanh Hải, ở xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vui vẻ cho biết: “Năm nay là lần đầu tiên tôi và nhiều bà con nơi đây gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8. Nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đạt ngoài mong đợi, với 12 tấn/ha, đây được xem là vụ lúa đạt năng suất cao nhất trong nhiều vụ ĐX gần đây”.
Không riêng gì ông Hải, hầu hết nông dân canh tác giống lúa thơm như Đài Thơm 8 và Jasmine 85 nơi đây đều đạt năng suất cao, từ 11 - 12 tấn/ha. Bên cạnh niềm vui lúa trúng mùa thì giá bán cũng đang ở mức rất hấp dẫn. Nhiều nông dân còn cho rằng giá lúa đang sốt khi giống Đài Thơm 8 được thương lái cân lúa tươi tại ruộng dao động từ 6.000 - 6.100 đồng/kg; lúa Jasmine 85 từ 5.700 - 5.900 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ.
Cùng niềm vui trúng mùa trúng giá, ông Sơn Thol, ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, cũng vừa cân xong 1ha lúa (giống Jasmine 85) cho thương lái. Ông Thol thông tin: “1ha lúa của tôi đạt năng suất gần 11 tấn, giá bán 5.700 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng. Hiện cánh đồng ở đây chỉ mới có vài hộ cắt, dự kiến đến ngày 18, 19.1 (âm lịch) tới thu hoạch rộ. Tuy năng suất mở đầu đạt khá cao nhưng theo đánh giá thì những hộ cắt sau này còn đạt cao hơn nữa. Chính vì vậy mà những hộ đã, đang và chuẩn bị thu hoạch lúa đều phấn khởi trước mùa vụ năm nay. Đi đâu cũng nghe tiếng nói cười rộn ràng ở vùng nông thôn vào những ngày đầu năm mới”.
Chịu thiệt chứ không bội tín
Bên cạnh những nông dân vui mừng về mức lợi nhuận hấp dẫn do lúa đạt năng suất và giá bán cao thì vẫn có không ít hộ cảm thấy rất tiếc nuối đã lỡ lấy tiền cọc của thương lái lúc mới xuống giống. Thậm chí, có hộ đã nhận tiền cọc từ lúc chưa gieo sạ.
Với vẻ mặt tiếc nuối mặc dù đang thu hoạch 3,3ha lúa ĐX có năng suất khá cao, ông Trần Thanh Nhàn, ở huyện Châu Thành (Hậu Giang), chia sẻ: “Mọi năm giá lúa ĐX chỉ tầm mức 5.000 đồng/kg. Bởi vậy, khi lúa chưa gieo sạ hoặc mới xuống giống mà thương lái đến đề nghị đặt tiền cọc với giá 5.200 đồng/kg, tôi và nhiều bà con nơi đây nhận ngay. Nào ngờ, giờ giá vọt lên gần 6.000 đồng/kg. Tuy cũng có chút buồn và tiếc, nhưng gia đình tôi hồi nào tới giờ nói đâu ra đó, thà chịu thiệt chứ không bội tín với thương lái”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lâm Phong và nhiều nông dân đang thu hoạch lúa ĐX ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) phải “tặc lưỡi” với giá lúa hiện tại so với giá đã nhận tiền cọc. Theo ông Phong, lúc mới xuống giống, cánh đồng lúa (giống IR 50404) nơi đây được thương lái chốt giá 4.800 đồng/kg và bà con đã đồng ý. Giờ thu hoạch giá thị trường lên đến 5.300 đồng/kg nên nhiều người cảm thấy tiếc. "Nhưng biết làm sao khi đã thỏa thuận và lấy tiền người ta với giá đó từ trước rồi, nên dứt khoát không thể “bẻ kèo” được" - ông Phong khẳng định.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước việc thương lái đặt tiền cọc mua lúa, ngay cả khi chưa xuống giống như hiện nay. Theo ông Đồng, dự báo tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 sẽ tương đối thuận lợi, giá lúa sẽ kéo theo. Lúc đó bà con nào đã nhận tiền sớm sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Cũng theo ông Đồng, việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân luôn được tỉnh khuyến khích và hỗ trợ, tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo các hợp đồng này nên có sự xác nhận của địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích của đôi bên.