Việt Nam cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm. Đây là vấn đề chính được đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” diễn ra mới đây, tại thành phố Cần Thơ.
Các đại biểu nhận định, hội nhập là cơ hội tốt để ngành hàng Việt Nam, nhất là mặt hàng chủ lực như gạo và nông sản mở rộng thị trường. Tuy nhiên, hội nhập cũng là một thách thức lớn đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới phương thức sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Hiện nay, các nước đều rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thẩm và vấn đề truy xuất nguồn gốc. Điển hình ở Mỹ, có 15% thực phẩm thực phẩm tiêu dùng được nhập khẩu từ trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đáng quan tâm, hàng năm có 48 triệu người Mỹ bị ngộ độc thực phẩm, hàng trăm ngàn người phải nhập viện…
Chính vì vậy, nước này đã đưa ra Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm, với những quy định mang tính khắt khe hơn để phòng ngừa nguy cơ từ những thực phẩm không an toàn cùng với tiêu chí sản xuất bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Đứng trước những quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới tư duy trong sản xuất và thương mại. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần xây dựng một chuỗi liên kết hoàn chỉnh và khép kín đặc biệt cần có sự liên kết chặt chẽ với hộ nông dân, ngoài trang bị máy móc vật tư nông nghiệp cần có sự hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch nông sản đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt trong hội nhập, về phía Hiệp hội hàng Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã cập nhật tình hình và đưa ra Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập” nhằm trang bị cho các doanh nghiệp trong sân chơi hội nhập.
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, đối với Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ABCD Mekong nói riêng, rất cần sự hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại.
Riêng với Cần Thơ, do nguồn kinh phí cho hoạt động này rất hạn hẹp nên gặp không ít khó khăn trong vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu. Đáng quan tâm nhất của các doanh nghiệp hiện nay, là hàng rào về kỹ thuật.
“Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ABCD Mekong mong được cung cấp nhiều thông tin, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu, cụ thể là thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, vì mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản nên vấn đề an toàn thực phẩm cũng cần được sự trợ giúp rất lớn”, ông Nam cho biết./.