Tại cánh đồng rau xã Vân Nội (Đông Anh, HN) không ít người dân quyết định cày tung đất lên chuẩn bị đất trồng thứ khác khi mà ruộng vẫn còn một lượng lớn rau chưa thu hoạch hết bởi giá rau quá bèo, bán chẳng được bao nhiêu.
Bác Nguyễn Thị Tuyết đang nhặt cỏ cho mấy luống rau dền trên cánh đồng rau xã Vân Nội chia sẻ: “Tất cả các loại rau dịp này giá đều rất rẻ, nhất là su hào và bắp cải, nhiều hôm giá rẻ quá người dân chán không buồn cắt bán nữa”.
Ruộng su hào bên cạnh đây, mới cắt bán được 2/3 nhưng giá rẻ gia đình đã cày tung hết lên chuẩn bị trồng cây khác. Mà dạo này rau rẻ, loại củ to thương lái mới trả cho 400 đồng/củ, loại xấu hơn một chút còn không ai hỏi mua. “Nhiều hôm đi cắt bán buôn mấy trăm củ chở nặng cả tạ, đi cả buổi chiều chỉ được mấy trăm ngàn. Trừ chi phí đi chắc không còn đủ tiền mua cân thịt”, bác Tuyết nói.
Giá rẻ, người dân không buồn thu hoạch vứt bỏ su hào đầy ruộng
Tương tự, với những hộ dân trồng rau bắp cải dịp này cũng không buồn cắt bán bởi so với giá su hào thì giá rau bắp cải chỉ nhỉnh được hơn 200 – 300 đồng/kg, không bù nổi chi phí bỏ ra.
Trong khi đó, tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) dân trồng rau còn thê thảm hơn khi bán buôn không được giá đành đem ra chợ bán bán lẻ với giá rẻ như cho.
Chị Bùi Thanh Thủy ở Vĩnh Tường than thở: “Vụ rau này gia đình thất thu, lỗ nặng bởi tiền bán không đủ tiền mua cây giống về chồng chứ đừng nói tới tiền phân, tiện thuốc, công chăm bón hàng ngày”.
Đợt này mặc dù cuối vụ rau rồi nhưng giá bán vẫn không tăng lên, su hào chỉ bán được mất trăm đồng một củ loại to, đẹp. Nhiều hôm tại ruộng không có người mua buôn, đem ra chợ bán lẻ giá 1.000 đồng/10 củ còn bắp cải bán 1.000 đồng/cái gần 2kg.
Nhà trồng 2 sào su hào khoảng gần 5.000 củ, hơn sào rau bắp cải. Những năm trước với gần ấy diện tích trồng rau sau thu hoạch và trừ hết chi phí cũng được gần chục triệu đồng tiền lãi vì giá bán khá ổn định thường ở mức 2.000 – 3.000 đồng/củ, thời điểm được giá còn lên tới hơn 4.000 đồng/củ. Nhưng năm nay bán hết cả ruộng rau mà tiền thu được thì không đủ tiền mua cây giống, chị Thủy kể.
Nông dân cày, thương lái hưởng lợi
Giá người dân bán rau cho thương lái như kiểu cho không trong khi con cháu mình học hành dưới Hà Nội về quê suốt ngày kêu than rau đắt. Chợ lúc nào giá cũng cao vút trong khi giá ngoài ruộng rẻ như cho không như thế này chẳng khác nào người nông dân đi làm thuê không công cho thương lái, chị Thủy cho hay.
Khảo sát tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, thời gian này giá rau đã giảm hơn nhiều so với thời điểm mấy ngày sau tết. Tuy nhiên, so với mức giá mà tiểu thương, thương lái lấy buôn tại các vùng trồng rau, giá rau ở chợ vẫn cao ngất ngưởng.
Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy), khác với các mặt hàng thực phẩm tươi sống giá vẫn giữ nguyên chứ không giảm đi so với trước và sau tết thì giá rau xanh đã liên tục giảm do nguồn cung đổ về chợ dồi dào.
Hiện, tại chợ này theo ghi nhận của PV vào sáng ngày 28/3, bắp cải có giá 3.000 đồng/kg, mồng tơi 2.000 đồng/mớ, rau cần 1.500 đồng/mớ, rau dền 5.000 đồng/4 mớ, cải ngọt 5.000 - 6.000 đồng/kg, cải chíp 5.000 đồng/kg, cà rốt 7.000 đồng/kg, cải thảo 5.000 đồng/kg, su hào giá 1.000 đồng/củ loại thường, loại ngon giá 1.500 đồng/củ, cà chua 8.000 đồng/kg loại ngon, đỗ xanh giá 6.000 đồng/kg…
Tại các vùng trồng rau, giá rau tiểu thương thu mua ngoài chợ chỉ bằng bằng 1/4, thậm chí bằng 1/10 so với giá ngoài chợ.
Mua vài trăm đồng một kg tại ruộng nhưng đến chợ đầu mối tiểu thương bán được vài nghìn đồng/kg.
Đơn cử, với su hào, giá thu mua tại ruộng đợt này chỉ khoảng 300 – 400 đồng/củ nhưng về chợ đầu mối giá đã lên tới 1.000 – 1.500 đồng/củ. Có đợt, người dân còn bán buôn 1.000 đồng/10 củ su hào mà đến tay người tiêu dùng (thời điểm rau ở chợ giảm giá mạnh, được cho là rẻ nhất) giá cũng vào khoảng 2.000 – 3.000 đồng/củ, cao gấp hàng chục lần giá nhập.
Theo tiết lộ của một đầu mối tên Hiền chuyên bán buôn rau tại chợ đầu mối Dịch Vọng, đổ rau cho các nhà hàng, quán ăn… giá rau rẻ cũng như đắt, tiểu thương không bao giờ chịu thiệt, lợi nhuận lúc nào cũng như nhau vì giá bán tại chợ là do tiểu thương phát ra, bán bao nhiêu là tùy ở mỗi người. Giá rau tại chợ giảm là do giá mua tại ruộng giảm.
Lúc nào họ bán cũng phải đảm bảo được mức lợi nhuận hàng ngày thu về chứ không thì giá rau tại chợ bây giờ còn xuống thấp hơn nữa. Mỗi ngày một tiểu thương bán rau tại chợ đầu cũng phải kiếm được 600.000 đồng đến 1 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí, sạp nào buôn với số lượng lớn lãi còn nhiều hơn. “Mà giá rau rẻ như thế này tính ra chỉ có người nông dân chịu thiệt thòi thôi”, anh Hiền cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;