Những mô hình cơ bản trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản
Theo đánh giá của các chuyên gia, có tới 85% - 90 % lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Vì vậy giá thấp, bị o ép vẫn là những câu chuyện thường ngày đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất ngoại. Đó là chưa kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật,… được xem là những “binh pháp thương mại” thường được các nước nhập khẩu sử dụng tại “sân chơi” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà hàng Việt Nam không dễ gì vượt qua.
Mô hình “Thị phần không đổi CMS” (Constant Market Share Model)lần đầu tiên được Ti-din-xki (Tyszynski) sử dụng trong phân tích mậu dịch thế giới và phân tích lợi thế cạnh tranh. Theo mô hình CMS, sự biến động xuất khẩu nông sản Việt Nam vào một thị trường tiêu thụ X nào đó sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tác động thị trường của chính loại nông sản đó (tác động cầu); tác động tăng trưởng của toàn bộ thị trường tiêu thụ (tác động cấu trúc) và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Có thể hình dung 3 mô hình cơ bản trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản như sau:
Mô hình chuỗi do các nhà sản xuất triển khai và quản lý
Những người sản xuất tự liên kết với nhau và hình thành chuỗi giá trị, theo đó sẽ thu hút sự tham gia của các bên cung ứng vật tư, giống, chế biến, thu hút các nhà xuất khẩu, người vận chuyển, các nhà chế biến lại cùng tham gia và cuối cùng là thu hút các nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc các nhà sản xuất kế tiếp khi sử dụng nông sản do chuỗi cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình tiếp theo.
Trong trường hợp này, các nhà sản xuất - với vai trò là người điều hành chuỗi - cần xác lập thương hiệu cho nông sản như một yếu tố then chốt để cạnh tranh trên thị trường. Rất khó để một nhà sản xuất độc lập có thể điều hành chuỗi mà thường là một hiệp hội, một liên minh của các nhà sản xuất cùng tham gia. Khi đó, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp được khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể như trường hợp của rượu vang Boóc-đô (Bordeux), cà phê Cô-lôm-bi-a và trong trường hợp của Việt Nam có thể là cà phê Buôn Ma Thuột, hoa Đà Lạt, Vinatea.
Mô hình chuỗi giá trị do nhà bán lẻ quản lý (thường là các siêu thị, tập đoàn bán lẻ quy mô lớn)
Sự tham gia của nông sản vào mô hình chuỗi giá trị này thường ở dạng đã chế biến hoàn chỉnh hoặc các loại rau quả tươi, nông sản tươi sống hoặc một tỷ lệ không lớn các loại nông sản sơ chế để đóng gói lại, chế biến tiếp. Trong trường hợp này, phần nhiều nông sản vẫn mang thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất hoặc kèm theo thương hiệu của nhà sản xuất và thương hiệu của nhà bán lẻ (tất nhiên cũng có những trường hợp nhà bán lẻ buộc các sản phẩm phải mang duy nhất chỉ có thương hiệu của họ thông qua những đơn đặt hàng hoặc gia công theo yêu cầu của nhà bán lẻ). Người tiêu dùng có nhiều hơn những cơ hội tiếp xúc trực tiếp với thương hiệu nông sản thông qua bao bì và các hoạt động quảng bá khác.
Tuy nhiên, để tham gia chuỗi giá trị này, quy trình sản xuất và chất lượng nông sản phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt của nhà bán lẻ. Lợi thế cơ bản khi tham gia chuỗi do nhà bán lẻ quản lý là các sản phẩm nông nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng hình ảnh thương hiệu của mình tại thị trường nước ngoài và từ đó có thể triển khai hệ thống của riêng những doanh nghiệp sản xuất và phân phối trực tiếp hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng.
Mô hình chuỗi giá trị hàng nông sản do các bên cung ứng quản lý
Đây là chuỗi do những người cung ứng (nhà xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu hoặc nhà phân phối, chế biến lại...) quản lý. Trong trường hợp này, hầu hết các nông sản đều phải mang thương hiệu của bên cung ứng hoặc có sự kết hợp cả thương hiệu của bên cung ứng và thương hiệu riêng của nông sản (thường dưới dạng tên gọi nguồn gốc, xuất xứ của nông sản), trong đó vai trò chủ đạo là thương hiệu của bên cung ứng.
Một tỷ lệ rất lớn nông sản Việt Nam đang tham gia chuỗi theo mô hình này, vì thế chúng ta buộc phải xuất khẩu nông sản dưới dạng thô hoặc sơ chế và người tiêu dùng nước ngoài nói chung ít, hoặc thậm chí không biết được đó là những nông sản được sản xuất tại Việt Nam. Hình ảnh thương hiệu nông sản (nếu có) hầu như không có sức thuyết phục và không được thể hiện đối với người tiêu dùng trực tiếp mà chỉ thu hút được sự chú ý của một số những nhà cung ứng điều hành chuỗi. Quyền lợi của nhà sản xuất thường bị chèn ép tối đa trong trường hợp này nếu quản lý chuỗi là các nhà nhập khẩu, người chế biến là bên nước ngoài. Trên thế giới hiện đang diễn ra xu hướng sáp nhập các tập đoàn kinh tế nhằm tạo lợi thế độc quyền, giảm chi phí dựa trên lợi thế kinh tế nhờ quy mô.
Theo ông Chu-pai Páp-han, chuyên viên cao cấp của WTO, xu hướng phát triển của thị trường nông sản thế giới sẽ chịu tác động lớn của các cuộc thương lượng mậu dịch mang tầm quốc tế. Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của các nước thành viên trong WTO. Sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí cao và nhất là sự yếu kém của ngành công nghiệp chế biến sẽ là những thách thức rất lớn đối với nông sản Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với khoảng 200 nước và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương mại với 61 nước và thỏa thuận đối xử tối huệ quốc với 68 quốc gia. Tuy nhiên, có thể nói chúng ta hội nhập với tư cách là một nước nhỏ trên mọi góc độ về giai đoạn phát triển. Trong thời gian tới, do nhiều nguyên nhân khác nhau (Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới...) chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hàng Việt Nam cũng sẽ vấp phải sức “công phá” mạnh mẽ của hàng ngoại. Các rào cản kỹ thuật được xem như “binh pháp” trong thương mại sẽ lại xuất hiện. Các thị trường truyền thống sẽ trở nên “vời xa” do yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã. Đó là hàng loạt những khó khăn không dễ gì khắc phục đối với ngành nông sản Việt Nam.
Những giải pháp cơ bản nhằm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
Trong bối cảnh nêu trên, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là lối mở cho hàng nông sản trong những năm tới. Theo đó, những vấn đề cấp bách cần giải quyết là :
Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”.
“Khoán 10” là thành tựu của một giai đoạn. Hiện nay, động lực của đổi mới năng suất cây trồng không còn ở ý chí làm chủ của người nông dân nữa mà phải dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao. Lấy tiến bộ khoa học làm “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Với xuất phát điểm của một nền nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất manh mún, thì việc chuyển đổi nhanh sang nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao không đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Chuỗi liên kết này phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của “4 nhà” (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước). Chất lượng nông sản bảo đảm “sạch”, giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp .
Việc làm “sạch” khâu nuôi trồng sẽ mang lại nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào, bảo đảm chất lượng đồng đều, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Yêu cầu này đang bị thách thức khi thói quen canh tác lạc hậu của một bộ phận không nhỏ nông dân chưa được thay đổi, trong khi đây mới là yếu tố quyết định thắng bại trên thương trường.
Để làm được cuộc cách mạng trong khâu nuôi, trồng theo hướng “sạch”, cần gắn việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất với khuyến cáo đặt yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Tạo sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, cũng cần phải thiết lập mối quan hệ bền vững hơn giữa “4 nhà”, chỉ khi khắc phục được tình trạng này, thì mới tạo được nguồn cung nguyên liệu cũng như nông sản thành phẩm cho thị trường một cách chủ động và ổn định.
Vai trò của thông tin thị trường ngày càng có ý nghĩa quyết định trong sản xuất, không chỉ giúp nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp, linh hoạt điều chỉnh nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn chủ động trong việc tìm đầu ra cho nông sản.
Thứ hai, xóa bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù có tiềm năng lớn về diện tích, lực lượng lao động, nguyên liệu đầu vào... nhưng sản xuất vẫn phụ thuộc vào thời vụ, dự báo thị trường bấp bênh, gắn liền với nhiều rủi ro, đã và đang khiến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thiếu sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lao động nông thôn chiếm tới 70% tổng số lao động của cả nước và nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển doanh nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trong tổng số gần 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn, chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản làm ăn hiệu quả. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào đây đều là doanh nghiệp có mức vốn thấp, dưới 2 triệu USD, thậm chí có doanh nghiệp vốn đăng ký kinh doanh chỉ là 160.000 USD.
Không có doanh nghiệp thì nông nghiệp, nông dân không phát triển được, vì muốn tiến dài thì nguồn vốn là rất quan trọng. Nguyên nhân chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế nông thôn là do chính sách, cơ chế, thủ tục về đất đai còn nhiều bất cập khiến nông dân và doanh nghiệp phải tự “bơi”. Nhiều doanh nghiệp thường phải mất khoảng 1 - 2 năm, thậm chí 3 - 4 năm mới có đất để đầu tư sản xuất. Thêm vào đó, tâm lý của nông dân là sợ làm việc theo hợp tác xã như thời kỳ bao cấp và thích làm ăn cá thể, nhỏ lẻ, nên việc tổ chức sản xuất lớn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế này dẫn đến chất lượng nông, lâm, thủy sản không đồng đều, số lượng ít và không bảo đảm thu hoạch đúng thời điểm doanh nghiệp cần. Điều đáng quan tâm nữa là các bộ, ngành chức năng chưa có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, khiến chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản vẫn mang tính “mạnh ai nấy làm” ở các địa phương. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp và phần lớn nông dân vẫn loay hoay tìm nguồn nguyên liệu chất lượng, “cung” và “cầu” không gặp nhau.
Đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn có những rủi ro không lường trước, nên thiếu sự hấp dẫn. Nỗi lo đầu vào nguyên liệu đang là cản trở lớn các quyết định đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, hệ thống điện, nước, giao thông... cũng đang là rào cản đầu tư. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cũng như của chính nông dân cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách tín chấp bấp bênh. Chưa kể tới năng suất lao động nông thôn còn thấp, hiện nay phân bố không đồng đều, tác phong công nghiệp trong sản xuất của nông dân quá nhiều hạn chế...
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp phải là quan hệ bình đẳng, nông dân không thể làm ăn cá thể mãi. Nhà nước cần có chính sách kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ thuật tay nghề cho nông dân. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải dẫn đầu giúp nông dân cập nhật khoa học - kỹ thuật, nhất là tìm ra giống cây, con mới năng suất cao, để nông dân không phải “đi một mình” và dần khẳng định thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản.
Việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa nông sản đã từng được nhiều chuyên gia chỉ ra là “mắt xích” quan trọng nhưng lại vẫn luôn là khâu yếu hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, điều cốt yếu vẫn là thiếu sự liên kết cần thiết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua, phân phối cũng như thiếu tầm nhìn về việc xây dựng mạng lưới phân phối.
Trong việc tiêu thụ hàng hóa và thiết lập kênh phân phối, doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng. Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân, tổ chức mạng lưới phân phối. Đó là cách mà nhiều doanh nghiệp các nước và cả doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã làm để mang lại lợi ích cho các bên. Nhưng thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta ít tổ chức mạng lưới phân phối chính thống mà thường dựa vào mạng lưới thu mua của tư thương, dẫn tới việc giá thu mua nông sản bị đẩy lên nhiều tầng và thường rất bấp bênh.
Ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg (thay cho Quyết định số 80, ngày 24-6-2002) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đây là một quyết định đem lại nhiều kỳ vọng cho cả nông dân và người kinh doanh nông sản, cả các nhà khoa học và quản lý. Tuy nhiên, quyết định vẫn thiếu sức sống do chưa tạo được sự đồng cảm trong việc chia sẻ lợi ích và rủi ro. Vì vậy, thông qua hoạt động thị trường, cần từng bước định hướng cho quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với quy mô và cơ cấu nhu cầu.
Như vậy, rất cần phải xử lý nhanh chóng vấn đề hạn điền để sớm tạo lập được những vùng chuyên canh với khối lượng hàng hóa lớn, ổn định, bằng cách thiết lập hợp đồng dài hạn giữa người sản xuất và người chế biến, xuất khẩu trên cơ sở quan hệ thị trường. Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, chúng ta rất cần những nhà kinh doanh giỏi để họ tìm thị trường, tổ chức lại vùng nguyên liệu hợp lý, từ đó, nông dân có hướng sản xuất ổn định, tạo vùng nguyên liệu đồng nhất để doanh nghiệp có những sản phẩm tốt, có thương hiệu.
Những mục tiêu cần hướng tới trong giai đoạn 2016 - 2020
- Nhanh chóng tạo ra thặng dư trong nông nghiệp. Như vậy, phải có một chiến lược ngắn hạn và tạm gác nhiều vấn đề phải giải quyết lâu dài. Việc tạo ra một khối lượng thặng dư nông nghiệp sẽ là bước đi cần thiết để cung cấp nguồn tài chính nhằm giải quyết những vấn đề lâu dài hơn. Tốc độ phát triển trong tương lai của nông thôn Việt Nam không những phụ thuộc vào sự thành công trong việc tạo ra thặng dư nông nghiệp mà còn phụ thuộc vào thặng dư đó được đầu tư một cách khôn ngoan và có lợi như thế nào.
- Tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành, nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài (đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hóa ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.
- Xuất phát từ tiêu thụ, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để kế hoạch hóa sản xuất và lưu thông nhằm cung cấp theo nhu cầu thị trường, cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương. Cơ chế khoán hộ đã giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng nếu không chuyển hướng cơ cấu theo hướng nông nghiệp lớn, có tỷ suất hàng hóa cao gắn với nhu cầu thị trường khu vực và thế giới thì nông nghiệp không thể có sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.
- Tư tưởng cơ bản và nhất quán là sự vận động thông suốt của hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng được thực hiện theo nhiều hình thức tổ chức với quy mô và cấu trúc khác nhau. Đây được xem là thị trường cơ sở, là nơi bán lẻ, giao dịch trực tiếp là cơ bản và chủ yếu. Mặt hàng kinh doanh tổng hợp, đa dạng, phong phú, có quy cách, mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu phổ thông, hằng ngày của dân cư. Về thành phần, mô hình tổ chức kinh doanh có các công ty kinh doanh hàng nông sản (theo nghĩa rộng) thực hiện việc thu gom, mua buôn, bán buôn, liên kết (nhất thể hóa) với sản xuất và chế biến, gắn bó với mạng lưới chợ nông thôn, làm bạn hàng với hệ thống đại lý (đại lý mua). Ở các tỉnh miền núi, những doanh nghiệp này còn là điểm tựa, là chỗ dựa vật chất, là khâu đột phá và xem như là sự tài trợ, sự đầu tư của Nhà nước để vùng này có sản xuất hàng hóa, có thị trường. Ở đây, cần thống nhất một vấn đề là, trong một số lĩnh vực ngành hàng, Nhà nước cần độc quyền - điều cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi, nhưng không nên giao cho một tổng công ty hay một tổ chức của Nhà nước độc quyền.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù sản xuất ở quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới có thể mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hóa. Vì thế, cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia đình. Cần tổ chức lại hợp tác xã mua bán theo đúng nguyên tắc kinh tế tập thể. Các tổ chức này cùng với thương nhân, các hộ nông nhàn hình thành một mạng lưới kinh doanh đa dạng, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể chính của kênh mua buôn, bán buôn các tư liệu sản xuất quan trọng và các nông phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng tập trung, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Như vậy, việc xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ gồm nhiều chủ thể kinh doanh với các hình thức sở hữu đa dạng được xem là hết sức quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để phát triển các loại hình chợ nông thôn được xem là việc làm cần thiết và rất nên khuyến khích, đặc biệt là ở địa bàn trung du, miền núi.
- Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nông sản của Việt Nam luôn có giá thấp hơn so với nông sản của các nước có cùng mặt hàng. Trong 15 năm gần đây, chúng ta đã thành công trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (cà-phê, tiêu, điều, thủy sản, hoa quả,...) sang thị trường châu Âu, Mỹ. Song, do quá chú trọng về số lượng nên vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm. Ông Bơ-hâu Hen-ni-man (Berthold Heinemann), Tổng Giám đốc một doanh nghiệp của Thụy Sĩ chuyên nhập hàng nông sản của Việt Nam cho rằng, bản thân mỗi ngành hàng nông sản của Việt Nam phải đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình.
Trước mắt, các hiệp hội ngành hàng nông, lâm sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia chuỗi nông sản thế giới.
Theo tapchicongsan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã