Hiện nay đang vào mùa khô nên giá các loại thủy sản nuôi như cá điêu hồng, cá lóc, cá chình, cá heo và lươn… ở ĐBSCL đang tăng mạnh và tiêu thụ tốt. Mặt hàng hải sản cũng khán hiếm khiến nhiều nhà máy chế biến không đủ nguyên liệu phải chạy cầm chừng.
Anh Phạm Quang Tuyến, xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp nuôi 1.000 m2 cá lóc (giống đầu nhím) nằm cặp bờ sông Tiền cho biết: “Trước đây nuôi cá lóc thường phải cho ăn bằng cá tươi. Còn bây giờ đã có thức ăn công nghiệp, giúp cá mau lớn mà lại chủ động được nguồn thức ăn và giá cả thị trường. Trung bình để có 1 kg cá thịt, người nuôi sử dụng từ 1,1-1,2 kg thức ăn, cộng với các khoản chi phí con giống, thuốc thú y và tiền điện, giá thành hiện tại từ 20.000 - 25.000 đồng/ kg cá”. Theo anh Tuyến, với diện tích nuôi 1.000 m2 (mật độ thả khoảng 30 con/m2), tỷ lệ đạt 85%, sau 4 tháng thả nuôi thu hoạch từ 90-100 tấn cá thương phẩm. Hiện bán với giá 38.000 – 40.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lãi từ 100 – 150 triệu đồng/vụ.
Tương tự, hộ ông Đại Văn Việt, ở ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, Cao Lãnh, Đồng Tháp nuôi 6 bè cá điêu hồng đã đến lứa thu hoạch ước đạt khoảng 27 tấn cá. Ông Việt cho biết: “Lúc này đang là mùa hạn nên cá đồng khan hiếm, thương lái tìm đến tận các làng bè mua cá nuôi với giá từ 35.000 -36.000 đ/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so trước Tết Nguyên đán. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi lời từ 600-800 đồng/kg”. Cũng theo ông Việt, giá cá tăng trở lại do sản lượng cung ứng cho thị trường đang khan hiếm vì ít người nuôi, trong khi nhu cầu tăng cao. Năm vừa qua thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm làm người tiêu dùng quay lưng, giá cá rơi xuống còn 20.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua. Sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc, chứng minh cá điêu hồng không hề nhiễm chất cấm, từ đó sức mua tăng trở lại.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp hiện có gần 670 hộ nuôi cá điêu hồng với 1.765 bè, sản lượng thu hoạch trên 13.000 tấn mỗi vụ. Hiện nay, cá điêu hồng nuôi ở Đồng Tháp đã có Cty bao tiêu (Tập đoàn Hoàng Long) để XK nên đầu ra khá ổn định.
Còn tại vùng huyện đầu nguồn An Phú, An Giang phong trào nuôi cá heo nước ngọt trong lồng bè đang phát triển rất mạnh. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 50 hộ nuôi loài cá này. Hiện nay đang vào điểm giá cá cao nhất trong năm do là mùa nghịch (loài cá này trước đây chỉ có trong mùa nước nổi). Anh Bùi Chí Linh, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú là một trong những người đầu tiên ở đây nuôi thành công loài cá heo nước ngọt. Hiện anh đang có 10 lồng bè cá heo đã đến thời kỳ thu hoạch. Mỗi bè rộng 3m x 4m, có thể sản xuất trên 600 kg cá thương phẩm mỗi năm. Sau 10 tháng nuôi, trọng lượng cá thương phẩm đạt 30 con/kg và giá bán cao nhất lên đến 500.000đ/kg.
Anh Linh cho biết thêm: “Nếu nuôi cá heo thương phẩm cho thu hoạch vào tháng nghịch, mùa nắng, giá có thể lên đến 400.000-450.000 đồng/kg, còn tại nhà hàng lên 500.000-550.000 đồng/kg”. Năm nay giá cá heo cao hơn năm ngoái từ 80.000 -120.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung không đủ cầu. Trước đây, cá heo cũng như cá linh, cá chốt, chỉ là những sản vật bình thường, ít ai quan tâm nhưng gần đây nó đã được nâng lên thành đặc sản, đặc biệt là cá heo da xanh, đuôi đỏ, cực kỳ ngon nên giá cả trên thị trường ngày càng tăng cao. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Long Xuyên, Châu Đốc, kể cả ở TP. HCM đã khai thác con cá heo trong mùa nước nổi để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, như cá heo nướng muối ớt, cá heo kho tiêu, cá heo nấu canh chua, cá heo kho lạt hoặc kho mắm chấm bông điển và bông súng… Các món này luôn được giới sành điệu ưa thích.
Còn đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh XK cũng đã tăng mạnh trở lại bất chấp Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng mức thuế chống bán phá giá vào thị trường này. Ông Huỳnh Thanh Liêm, nhân viên kinh doanh Cty TNHH Thủy sản Biển Đông (TP. Cần Thơ) cho biết: “Hiện giá cá tra fillet đông lạnh XK vào thị trường Mỹ tăng từ 0,3 - 0,5 USD/kg, lên mức giá 3,9 - 4,1 USD/kg so với mức giá trước khi DOC tăng thuế chống bán phá giá”. Trong khi đó, thông tin từ những hộ nuôi cá tra tại ĐBSCL cho biết, hiện giá cá nguyên liệu đang giảm mạnh và dao động ở mức rất thấp. Cụ thể, tại An Giang giá cá dao động chỉ 19.000 – 21.000 đồng/kg, giảm bình quân 1.000 -1.500 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần. Bà con nuôi cá tra tại ĐBSCL cho biết, với giá nguyên liệu quá thấp như hiện nay, người nuôi đang phải chịu lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kg cá nguyên liệu bán ra.
Không chỉ cá đồng mà nguồn cá biển hiện nay cũng đang trong tình trạng khan hiếm, giá cả đang tăng lên. Nhiều nhà máy chế biến cá đông lạnh, cá hộp XK đang trong tình trạng đói nguyên liệu buộc phải chạy cầm chừng. Ông Nguyễn Duy An, Giám đốc Nhà máy Thực phẩm đóng hộp KTC (KTC Food), ở Cảng cá Tắc Cậu, Châu Thành, Kiên Giang cho biết: “Hiện nay cá ngừ bông Cty đang mua vào với mức giá từ 23.000-24.000 đồng/kg, còn cá ngừ bò là 30.000-31.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Mặc dù giá tăng nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế. Do không thu mua đủ cá nguyên liệu nên nhà máy chỉ hoạt động được từ 30-40% công suất”. Theo ông An, năm nào cũng vậy, vào thời điểm từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch là nguồn cá nguyên liệu bị khan hiếm do trước đó các tàu cá tập trung về ăn Tết gần hết. Trong khi đó, một chuyến biển đánh bắt xa bờ thường kéo dài từ 30-45 ngày mới kết thúc. Để giải quyết tình trạng này, các Cty phải chọn phương án là mua cá nguyên liệu tạm trữ trong kho lạnh. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được thời gian ngắn là cạn hàng, buộc phải giảm công suất.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã