Tăng cường kết nối
Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, hiện thành phố có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, trong đó có 5 HTX chuyên cung cấp hàng nông sản, thực phẩm. Đa phần các HTX này năng động tìm đường kết nối trực tiếp với các nông hộ trồng rau màu, hộ sản xuất hàng đặc sản để có nguồn thực phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Dương Đình Lượng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Du lịch môi trường xanh Cần Thơ-Kiên Giang, ở quận Bình Thủy, cho biết: Hiện HTX có một cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng đặc sản, gồm: gạo hữu cơ, nước mắm, cà phê, trà khổ qua… của nhiều tỉnh, thành trong và ngoài vùng ĐBSCL. Các sản phẩm này trước khi đưa lên quầy kệ, bày bán tại cửa hàng của HTX đều được kiểm soát đầu vào, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Song, muốn đáp ứng đủ nhu cầu cho một bữa cơm gia đình của khách hàng, HTX đã tìm hiểu và khảo sát mô hình trồng rau màu theo hướng công nghệ cao của một số nông hộ, trang trại ở quận Bình Thủy và Cái Răng. Qua đó, HTX đã và đang mở đường kết nối, hợp tác với các nông hộ có khả năng trồng các loại rau đặc trưng theo hướng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường đang cần.
Hướng đi đầy triển vọng
Hiện nay, đa phần các cửa hàng chuyên doanh rau sạch ở TP Cần Thơ chủ yếu bán rau củ, quả tươi của Đà Lạt và nhiều nơi khác với sản lượng hạn chế, chỉ từ vài kg đến trên dưới 30kg/ngày, tùy loại. Do đó, việc các HTX thương mại-dịch vụ chuyên doanh nông sản sạch ở TP Cần Thơ bắt tay hợp tác với các nông hộ, trang trại có quy mô sản xuất vừa phải, chuyên canh rau ăn lá, rau ăn trái theo hướng công nghệ cao ở các vùng ven đô là hướng đi đầy triển vọng. Bởi các nông hộ hay trang trại này có năng lực sản xuất đa dạng các loại từ rau ăn lá đến rau ăn trái với sản lượng phù hợp với nhu cầu của các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch. Anh Quảng Trọng Phát, Chủ trang trại rau sạch Việt ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại rau sạch của người tiêu dùng ngày càng cao nên tôi đã đầu tư trang trại rau sạch Việt theo hướng công nghệ cao với diện tích 600m2. Trong đó, trồng rau xà lách theo hướng thủy canh, trồng cải xoăn theo hướng hữu cơ, trồng dưa leo, rau mầm trong nhà kín…”. Điểm nổi bật của trang trại rau sạch Việt là canh tác đa dạng sản phẩm và nhất là đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng đánh giá khá tốt. Sản phẩm nông sản của trang trại rau sạch Việt chỉ bán qua mạng xã hội và cho người quen là chủ yếu, nhưng với số lượng không nhiều và vẫn chưa kết nối được với các kênh tiêu thụ khác. Theo anh Quảng Trọng Phát, chi phí đầu tư sản xuất rau màu theo hướng công nghệ cao khá lớn và đòi hỏi nhân sự phải có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác tốt. Điều quan trọng, quyết định thành công của mô hình nông nghiệp công nghệ cao là có được thị trường tiêu thụ ổn định.
Mới đây, nhiều HTX chuyên doanh hàng nông sản sạch ở Cần Thơ đến tham quan mô hình và đề xuất trang trại rau sạch Việt trồng thử nghiệm các loại rau đặc trưng, như: rau cần tàu, ngò rí… để cung cấp cho các điểm bán rau sạch trên địa bàn thành phố. Động thái này sẽ tạo động lực cho trang trại tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cải tiến hệ thống canh tác hiện có để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Qua đó, từng bước giúp trang trại rau sạch Việt tạo dựng thương hiệu và uy tín để thu hút các đơn vị kinh doanh và HTX tham gia liên kết.
Theo ông Dương Đình Lượng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Du lịch môi trường xanh Cần Thơ-Kiên Giang, nếu xây dựng liên kết thành công giữa các đơn vị kinh doanh với các nông hộ và trang trại canh tác nông sản công nghệ cao sẽ giảm bớt đi các tầng nấc trung gian, giảm chi phí vận chuyển, bảo quản… Qua đó, các cửa hàng kinh doanh nông sản sẽ có được nguồn hàng tại chỗ, đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng đến tay người tiêu dùng. Song, muốn xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất và đơn vị kinh doanh cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Đó là người sản xuất phải thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với các đơn vị kinh doanh. Về phía các HTX thương mại-dịch vụ cũng như các đơn vị kinh doanh nông sản sạch quan tâm, hỗ trợ người sản xuất xây dựng kế hoạch từ sản xuất đến kinh doanh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định… Từ đó, sẽ mở ra nhiều triển vọng nâng cao hiệu quả hợp tác sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản sạch cho các bên tham gia liên kết.
M.HOA/baocantho.vnm.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã