Theo VFA, xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2012 đạt 7,101 triệu tấn, gần bằng cả năm 2011 là 7,128 triệu tấn. Dự kiến năm nay cả nước sẽ xuất khẩu 7,650 đến 7,7 triệu tấn gạo, trị giá (CIF) 11 tháng đạt 3,2 tỷ USD, giá xuất bình quân 445,56 USD/tấn, so với cùng kỳ thì lượng tăng 5,5% nhưng giá giảm bình quân 43,3 USD/tấn. Như vậy, nông dân làm nhiều hơn nhưng lại hưởng lãi ít hơn và ngoại tệ mang về cho đất nước cũng bị giảm theo.
Mặc dù vậy, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) cho rằng, nếu so với người nuôi cá tra thì nông dân trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá hơn nhiều, trái ngược hoàn toàn so với nhiều năm trước. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, giá gạo có thể giảm hơn nếu như việc xuất khẩu năm nay không có những thay đổi cơ bản về chất lượng.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, việc gạo cao cấp 5%, bao gồm cả gạo thơm, nếp, tấm… chiếm hơn chiếm 59%, tăng 78% so với 11 tháng năm 2011 là nỗ lực rất lớn trong việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm nếu không giá gạo xuất khẩu bình quân sẽ còn thấp hơn nữa.
Trong bối cảnh nông sản thế giới nhìn chung đều giảm giá, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước, việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân, cũng như cách điều hành trong xuất khẩu không để xảy ra biến động lớn là điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam và không thể không ghi nhận.
Nhận định về mặt hàng gạo trong năm 2013, VFA cũng đưa ra thông tin của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) là, thương mại toàn cầu năm 2013 đạt 37,5 triệu tấn gạo, tăng một ít so với năm 2012 nhưng là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này phản ánh sự mong muốn giảm tồn kho lớn từ các nước xuất khẩu để có chỗ cho các vụ mới, đặc biệt là Thái Lan sẽ khôi phục lại xuất khẩu với dự kiến khoảng 8 triệu tấn. Thậm chí do tồn kho lớn có thể sẽ là áp lực khiến Thái Lan bán ra ở mức giá rẻ hơn trong bối cảnh thế giới nhiều gạo. Vì vậy, nếu Thái Lan bán ra nhiều sẽ làm giá gạo suy yếu thêm.
Theo dự báo, năm 2013 Ấn Độ có thể giảm xuất khẩu còn 7,25 triệu tấn do sản lượng thu hoạch giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng lên. Trong khi đó, Philippines, Indonesia tuyên bố không nhập khẩu trong năm 2013, có thể đây vẫn là “chiêu” mà Philippines từng tuyên bố nhưng thực tế vẫn tiếp việc mua gạo nhưng cũng ít nhiều tạo ra áp lực cho những nước bán ra.
Trước tình thế này, VFA tuyên bố Philippines không còn là thị trường tập trung do Tổng công ty Lương thực miền Nam đại diện ký nữa và các doanh nghiệp có quyền giao dịch, đàm phán để xuất khẩu./.