Tăng lượng, chưa tăng chất
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu (XK) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế bảy tháng đầu năm nay, với kim ngạch đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 18,7%. Kim ngạch XK đã tăng trưởng gấp ba lần so với dự báo (tăng 6 – 7%) thật sự gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia, bởi trong bối cảnh giá và lượng của hàng loạt nông sản XK sụt giảm, mặt hàng chủ lực trong nhóm công nghiệp chế biến là điện thoại đã đạt công suất tối đa…
Không những thế, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 đã ghi nhận XK đã trở thành “điểm sáng” của nền kinh tế trong nhiều năm trở lại đây. Giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng XK đạt bình quân hơn 16%/năm, tăng gần 80 tỷ USD từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 176,6 tỷ USD vào năm 2016. Cơ cấu hàng hóa cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, khi nhóm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao với hơn 80% (tăng 19% so với năm 2011); nhóm nông, thủy sản giảm còn 12,6% (giảm 7,8% so với năm 2011); nhóm nhiên liệu khoáng sản chỉ còn 2% (giảm 9,6% so với năm 2011). Số lượng mặt hàng có kim ngạch hơn một tỷ USD ngày càng tăng lên, đến năm 2016 đã đạt mốc 24 mặt hàng, chiếm khoảng 88% tổng kim ngạch XK.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng yếu tố giá trị của XK trong nhiều năm qua chưa đạt như kỳ vọng. Kim ngạch XK đạt hàng trăm tỷ USD nhưng giá trị gia tăng không lớn, nhiều mặt hàng không có thương hiệu nên dễ gặp rủi ro khi biến động thị trường, đặt XK trước nguy cơ thiếu bền vững.
Cụ thể, giá trị kim ngạch XK nông, thủy sản vẫn còn thấp khi phần lớn XK dưới dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao. Nhiều lô hàng nông sản Việt đã bị Mỹ trả về gần đây do sử dụng các chất bảo quản không có trong danh mục đối tác cho phép là minh chứng. Ngoài ra, một số ngành hàng có thế mạnh nhưng nguyên liệu bắt đầu khan hiếm như điều (hiện 50% điều thô phải nhập khẩu). Chưa kể, vài năm gần đây, nông sản Việt Nam gặp nhiều yếu tố thời tiết bất lợi, lượng nước trên các sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống rất thấp, hiệu ứng xâm nhập mặn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp.
Trong nhóm công nghiệp chế biến, điện tử gia dụng là một trong những ngành XK chủ lực nhưng giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 30 - 35%; ngành điện tử tin học, viễn thông có giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 15%; dệt may, da giày còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu...
Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho rằng: “Mặc dù chúng ta đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song hiện mới chỉ giữ vai trò là mắt xích phụ thuộc, chứ chưa đạt đến vai trò mắt xích then chốt. Ngoài ra, kim ngạch XK còn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp (DN) FDI, nhưng khối này chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được DN trong nước tham gia vào chuỗi. Chưa kể, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến tình trạng DN phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ nước ngoài”.
Để trở thành mắt xích chốt trong chuỗi giá trị
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, để hướng tới bền vững, trong thời gian tới XK cần hướng đến làm mắt xích chốt trong chuỗi giá trị sẽ góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa XK. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK.
Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, trước hết, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Trên thực tế, nhiều DN đi theo hướng này đã cho thấy kết quả rõ nét. Đơn cử, nói đến gạo chất lượng cao, không thể không nhắc đến gạo của Tập đoàn Lộc Trời. Ngay từ khi Việt Nam đang trên đỉnh cao, giữ vị trí quốc gia XK gạo lớn thứ 2, thứ 3 thế giới với những dòng gạo chất lượng trung bình, giá rẻ, Lộc Trời đã chọn cách đi khác biệt khi quyết tâm “khép kín” từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời chỉ sử dụng các loại giống chất lượng cao.
Theo đó, mô hình sản xuất lúa gạo của tập đoàn này được hình thành theo hình thức hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị. Tập đoàn đầu tư cho nông dân từ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, cùng nông dân tổ chức canh tác lúa và ký kết hợp đồng, đến lúc thu hoạch sẽ thu mua theo giá cả thị trường. Lộc Trời còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, sinh học để nuôi dưỡng, bảo vệ cây trồng. Nhờ đó, gạo Hạt ngọc trời đã thâm nhập thành công các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản … Đặc biệt, giá XK gạo Lộc Trời ổn định với mức khoảng 700 USD/tấn, cao gần gấp đôi giá loại gạo trắng thông thường vốn chỉ bán được 370-380 USD/tấn. Tuy nhiên, mô hình như Lộc Trời chưa nhiều và giải pháp quan trọng là phải nhân rộng hơn những mô hình như vậy.
Riêng nhóm công nghiệp chế biến không thể XK bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vì vậy, chúng ta cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. “Bên cạnh khung khổ pháp lý do Nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu DN vào cuộc”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Tạo khung khổ pháp lý để hướng tới XK bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế XK; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản XK chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng XK nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…); phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020.
Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và XK. Cụ thể, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa. Với sự nỗ lực của DN và các khung khổ pháp lý đủ mạnh, có thể kỳ vọng XK sẽ bền vững hơn trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;