Thuận lợi nhiều, thách thức không ít
Chia sẻ về tình hình XK gạo những tháng đầu năm, bà Bùi Thị Thanh Tâm - đại diện VFA, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) - cho biết, quý I/2018, kim ngạch XK gạo cả nước đạt khoảng 1,2 triệu tấn, trị giá 582 triệu USD, tăng 11% về lượng và 23% về giá trị. Ngoài những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, XK gạo sang thị trường mới như Indonesia, Iraq tăng cao. Đáng chú ý, sau 2 năm liên tiếp không mở thầu nhập khẩu gạo, Indonesia đã nhập 441.000 tấn gạo của Việt Nam trong 2 lần mở thầu từ đầu năm đến nay.
Đáng mừng, quý I năm nay, tỷ lệ gạo thường XK chỉ còn khoảng 20%. Đây là bước chuyển rất tích cực bởi trước đây, gạo XK nước ta chủ yếu là gạo chất lượng trung bình, XK đến quốc gia thuộc châu Á, châu Phi. Hiện nay, gạo XK chủ yếu là gạo chất lượng cao. Giá gạo cũng đang ở mức rất tốt và dự kiến trong thời gian tới sẽ giữ mặt bằng giá như hiện nay hoặc tăng lên.
"Lượng gạo tồn kho của Ấn Độ giảm từ 25 triệu tấn xuống còn 18 triệu tấn. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp cạnh tranh trên thị trường giảm xuống, giá gạo dần tăng lên" - bà Tâm phân tích.
Bên cạnh thuận lợi cũng tồn tại không ít khó khăn. Cụ thể, một trong những loại gạo mà DN đang XK rất mạnh là gạo nếp (chủ yếu xuất sang Trung Quốc). Tuy nhiên, bà Tâm khuyến cáo: "Gạo thường nếu không XK được sang Trung Quốc thì có thể bán cho thị trường khác. Còn gạo nếp, nếu không bán cho Trung Quốc, khó có thể tiêu thụ. Vì vậy, bà con nông dân không nên gia tăng diện tích gieo trồng gạo nếp".
Rủi ro vì phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ là cảnh báo mà thực tế đã diễn ra. Vào cuối tháng 2/2018, Trung Quốc đã tạm ngưng làm ăn với 3 DN chế biến, XK gạo của Việt Nam sau khi phát hiện sản phẩm gạo tấm XK của các DN này lẫn nhiều hạt cỏ. Điều này dẫn đến việc một lượng lớn gạo tấm tồn tại cảng, không XK được sang Trung Quốc.
Mở rộng thị trường
Trước thực tế trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng, điều cốt lõi hiện nay là DN XK gạo phải chủ động chuyển dịch thị trường XK theo hướng đa dạng hóa để tránh tình trạng khi một thị trường có biến động, sẽ ứng phó không kịp.
Theo VFA, hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiềm năng cho gạo Việt Nam. Do đó, DN trong hiệp hội kiến nghị cần có một cuộc đàm phán cấp nhà nước với Hoa Kỳ, đề nghị quốc gia này công nhận kết quả kiểm dịch của Trung tâm kiểm dịch tại đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng gạo Việt Nam XK sang Hoa Kỳ chịu sự kiểm dịch của các cơ quan nước sở tại, khiến gạo nếu không đạt chất lượng bị trả về hoặc tái xuất, tăng chi phí do lưu kho.
"Không chỉ cần sự nỗ lực của DN, việc đa dạng hóa thị trường XK phải có sự định hướng vĩ mô của Chính phủ, các bộ, ngành" - bà Tâm kiến nghị.
VFA dự báo, năm 2018, kim ngạch XK gạo sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Trong đó, XK sang Trung Quốc khoảng 2,7 triệu tấn, Philippines 800.000 tấn, Indonesia 800.000 tấn, Malaysia 500.000 tấn, Iraq 200.000 tấn, châu Phi 1 triệu tấn… còn lại là các thị trường khác. |
TIN LIÊN QUAN | |
Xuất khẩu gạo 'bất ngờ vụt sáng' trong quý I | |
Năm 2018, xuất khẩu gạo có thể đạt 6,5 triệu tấn |