Kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, sau quý I, tình hình xuất nhập khẩu có nhiều “điểm sáng” hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, kim ngạch XK cả nước đã đạt 43,03 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ. So với mức tăng dưới 10% của cùng kỳ năm ngoái, đây là con số tương đối khả quan.
Đóng góp cho tổng kim ngạch XK, kim ngạch XK của khối các DN trong nước tăng trưởng khoảng 12%, DN có vốn đầu tư nước ngoài là 13%. Nếu so với con số của năm ngoái, khi các DN trong nước tăng trưởng dưới 1% và thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng của khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài (trên 5%) thì việc các DN trong nước có mức tăng trưởng XK lên đến 12%, gần cân bằng với các DN có vốn đầu tư nước ngoài sau quý I là kết quả đáng ghi nhận.
Xét về các nhóm hàng, nhóm nông - lâm - thủy sản có mức tăng 12,2%, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng kim ngạch XK hàng hóa, cao hơn mức 11% của năm ngoái. Nhóm công nghiệp chế biến giữ vững “phong độ” so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng trưởng 12,5%. Nhờ giá dầu và các mặt hàng khác tăng đến 43,5%, kim ngạch XK nhóm nhiên liệu khoáng sản đang dần lấy lại mức tăng trưởng sau một thời gian giảm khá sâu.
Kiềm chế nhập siêu
Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận, một trong những điểm lưu ý trong tình hình xuất nhập khẩu quý I là mức nhập siêu tương đối cao. Cụ thể, với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 45,03 tỷ USD, con số nhập siêu sau quý I đã đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tương đương 4,4% tổng kim ngạch XK.
Ông Phan Văn Chinh phân tích, nguyên nhân khiến tình hình nhập siêu trong quý I tăng là do kim ngạch XK các mặt hàng của Công ty Samsung đã giảm 828 triệu USD, khiến tăng trưởng XK của nhóm công nghiệp chế biến bị kéo thấp xuống. Ông Chinh cho hay, nếu không có sự giảm sút này, mức tăng trưởng kim ngạch XK trong quý I đã tăng đến 19%. Ngoài ra, tình trạng nhập siêu còn có nguyên nhân từ việc tăng nhập khẩu hàng loạt các nhóm hàng phục vụ sản xuất trong nước như máy móc thiết bị, máy tính, linh kiện, vải vóc, nguyên liệu da giày… Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng kim ngạch nhập khẩu, nhóm cần nhập khẩu tăng 23% so với cùng kỳ, nhóm cần kiểm soát tăng 27%, nhóm tiêu dùng giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, trong quý I, phần giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để phục vụ mua sắm máy móc, thiết bị như Dự án Samsung Display Bắc Ninh, các dự án sợi tại Bình Dương… đã đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Cùng với việc đánh giá cao những con số tăng trưởng mạnh trong tình hình XK quý đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lưu ý, con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,4% tổng kim ngạch XK đã gần sát với chỉ tiêu Quốc hội giao (chiếm không quá 5% tổng kim ngạch XK). Trong 3 quý còn lại, phải xem xét kỹ những tác động chính đến con số nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu nói chung của cả năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Thời gian tới, cần đa dạng hóa các sản phẩm XK, tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính như điện thoại, bởi khi mặt hàng chủ lực giảm kim ngạch XK sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XK nói chung. |
Phương Lan
http://baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã