Học tập đạo đức HCM

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chủ nhật - 29/07/2018 04:10
NHNN Việt Nam cho biết việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn. Tín dụng gia tăng đã góp phần đưa đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 tăng 2,9%, quý I/2018 tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017).
1. Cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng đối với lĩnh vực này như:

Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều ưu đãi như: (i)quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã từ 50 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng; (ii) quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, đồng thời được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, thậm chí xóa nợ) khi gặp rủi ro khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng do nguyên nhân khách quan bất khả kháng…

NHNN đã ban hành Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

- Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn thấp hơn 1%-2% so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tối đa là 6,5%/năm).

- Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn như: tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên.

- Thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp như:

(i) Chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp;đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả;

(ii)Triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến địa bàn nông thôn như các dịch vụ thanh toán biên mậu, bảo lãnh vay vốn, mở thư tín dụng, nhờ thu,…nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp và ngân hàng.

(iii) Tiếp tục cho phép các TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu trong việc lựa chọn nguồn vốn vay với chi phí phù hợp.

- Ngành ngân hàng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn, từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp.

- Kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do thiên tai như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất.

Ngoài ra, thời gian qua, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như:

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ: NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các NHTM cho vay đối với các khách hàng đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của NHTM.

- Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, doanh nghiệp đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ hai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ: lãi suất cho vay tối đa 7%/năm, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 4-6%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất lên tới 16 năm đối tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và 11 năm đối với tàu vỏ gỗ; chủ tàu được ân hạn trả gốc và lãi 1 năm.

- Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn 100% trong hai năm đầu và 50% trong năm thứ ba để mua các máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố các tổ chức, cá nhân được hưởng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp bao gồm cả nhà xưởng và các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

- Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá thóc, gạo định hướng khi vụ thu hoạch rộ; cho vay ưu đãi lãi suất, ân hạn lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên...

2. Kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Nhờ triển khai đồng bộ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng đặc thù, đến 31/12/2017, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.310.832 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cuối năm 2016 (cao hơn so với mức tăng tín dụng chung 18,17%), chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế;

Đến cuối quý 1/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.366.248 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nông nghiệpđạt 488.746 tỷ đồng, chiếm 35,8%,tăng 3,41% so với cuối năm 2017. Trong đó, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tài sản bảo đảm, các TCTD đã thực hiện cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh với  tỷ trọng dư nợ tín dụngkhông có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp chiếm 11%. 

Việc triển khai các chương trình tín dụng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã đạt kết quả tích cực, cụ thể:

- Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ đạt dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng với 16 nghìn khách hàng cá nhân và 273 khách hàng doanh nghiệp còn dư nợ.

- Trong 3 năm 2015-2017, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.168 tàu, chiếm 45,9% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2015-2020  với tổng số tiền cam kết cho vay đạt 11.704 tỷ đồng.

- Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh số cho vay lũy kế từ khi triển khai đạt trên 9.000 tỷ đồng, dư nợ đến cuối quý 1/2018 ước đạt 4.850 tỷ đồng với hơn 15.300 khách hàng còn dư nợ.

3. Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

3.1. Kết quả đạt được

- Việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn. Kết quả đầu tư tín dụng thời gian qua cho thấy, 1 đồng vốn tín dụng đã góp phần tạo ra xấp xỉ 1,2 đồng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Tín dụng gia tăng đã góp phần đưa đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 tăng 2,9%, quý I/2018 tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017).

- Vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo tiền đề để tiến tới sản xuất hàng hóa lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên đã khuyến khích các TCTD tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần đưa tín dụng đối với lĩnh vực tăng đều hàng năm và cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung . Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế.

3.2. Các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

Bên cạnh kết quả đạt được, việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như:

- Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cho vay; lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe (như việc Mỹ áp dụng đạo luật farmbill, EU tăng cường kiểm tra, giám sát chống khai thác thủy sản biển bất hợp pháp của Việt Nam…).

- Các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn thiếu vì vậy hiệu quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này còn hạn chế.

- Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, vẫn còn xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập của người sản xuất. Ngoài ra, thời gian qua một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc bị cơ quan pháp luật bắt giữ, tạo tâm lý e ngại khi đầu tư vốn tín dụng, cũng như việc tích cực tham gia vào chuỗi giá trị của các bên liên quan.

- Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của TCTD như:

(i) Việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định,…

(ii) Số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế (hiện nay chỉ có 3 khu, 1 vùng và 32 doanh nghiệp).

(iii) Các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa rõ ràng, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách để cho vay.

(iv) Tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng;

- Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệpnông nghiệp còn hạn chế.

4. Giải pháp thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể: Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

- NHNN tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

- NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay lúa gạo, thủy sản…; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới,…) làm tài sản đảm bảo khi vay vốn tại TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

-  Tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

5. Kiến nghị

Để đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng của ngành ngân hàng hiệu quả, NHNN kiến nghị:

- Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhằm đồng bộ chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan:

+ Kịp thời triển khai và ban hành các văn bản dưới Luật để hướng dẫn và hoàn thiện chính sách về đất đai làm cơ sở mở rộng quy mô trong sản xuất nông nghiệp;

+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

+ Nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam;

+ Ban hành văn bản quy định về liên kết vùng, liên vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp;

- UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng; Tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

-Các Hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh vai trò trong việc kết nối thông tin, xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

(Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Nguồn: 
http://baochinhphu.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại791,491
  • Tổng lượt truy cập91,965,220
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây