Kịp thời hỗ trợ ngư dân
Sự cố môi trường xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung đã làm cho cá biển chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ với số lượng lớn, đời sống của những người làm nghề lao động biển thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, riêng huyện Phú Lộc - vùng trọng điểm nghề cá của tỉnh có hàng nghìn ngư dân trực tiếp tham gia lao động trên các phương tiện đánh bắt xa bờ và gần bờ cùng hàng trăm hộ nuôi trồng thủy hải sản phải chịu ảnh hưởng.
Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với những người lao động biển của địa phương, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện Phú Lộc đã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, đặc biệt là các xã ven biển tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu, không để tình trạng hoang mang, dao động xảy ra. Với quyết tâm sớm ổn định đời sống cho ngư dân, bên cạnh việc tiếp nhận 5,872 tỷ đồng và 250 tấn gạo từ cấp trên để hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi cá biển chết trên địa bàn, cơ quan chức năng huyện Phú Lộc đã nhanh chóng trích 5,175 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.256 tàu, thuyền, số còn lại hỗ trợ cho người nuôi trồng, khai thác thủy sản bị thiệt hại.
Những khó khăn trong đời sống từ sự cố nghiêm trọng về môi trường biển tạm thời được giải quyết, ngư dân huyện Phú Lộc đã ra khơi trở lại, tìm đến những luồng cá mới ngoài khơi xa để từng bước ổn định sản xuất và cuộc sống. Ngư dân Trần Đức Thuận, ở xã Lộc Vĩnh cho biết, Lộc Vĩnh là xã được hỗ trợ nhiều nhất huyện với trên 2 tỷ đồng và gần 100 tấn gạo, cao hơn tất cả các trọng điểm nghề cá khác của huyện như thị trấn Lăng Cô, các xã Vinh Hiền, Lộc Bình, Vinh Mỹ, Vinh Hải, Lộc Điền... Sự chia sẻ kịp thời này đã giúp ngư dân yên tâm, tự tin tiếp tục vươn khơi, bám biển làm ăn. Hiện, hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ và gần bờ của ngư dân trong xã đều đã ra khơi, đánh bắt tại ngư trường ven bờ và ngư trường truyền thống ngoài khơi xa.
"Là địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển với phần lớn hộ dân có thu nhập chính từ nghề biển, hiện nay, ngoại trừ số tàu thuyền nhỏ chuyên khai thác thủy sản gần bờ, còn hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ của xã tôi đều đã ra khơi trở lại. Đặc biệt, việc các tàu của xã được các cơ quan chức năng quan tâm, nhanh chóng xác nhận nguồn gốc đánh bắt hải sản xa bờ đã tạo điều kiện cho ngư dân bán sản phẩm tại các cảng cá trong và ngoài xã..." - ngư dân Trần Đức Thuận cho hay.
Còn ngư dân Trần Văn Dũng chia sẻ với chúng tôi: "Với những người cả đời gắn bó với nghề biển, thì biển cả chính là cuộc sống của mình. Thực tế, thông tin về việc cá biển chết bất thường hàng loạt xuất hiện ở vùng biển Lộc Vĩnh đã khiến hoạt động khai thác, thu mua hải sản của ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nhờ kết luận xác đáng từ phía các cơ quan chức năng về chất lượng hải sản xa bờ của địa phương và làm cầu nối để ngư dân tiêu thụ hải sản sạch, chúng tôi hết sức vui mừng và lại đồng loạt ra khơi bám biển...".
Cần thêm những "lực đẩy" bền vững
Là một trong những địa phương có số lượng phương tiện đánh bắt hải sản và lao động nghề biển lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, với hơn 1.000 chiếc tàu thuyền các loại, trong đó, đội tàu công suất lớn (từ 400CV trở lên) gồm 62 chiếc, trong những năm qua, ngư dân huyện Phú Vang đã tích cực đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, nỗ lực mở rộng ngư trường để đánh bắt hải sản. "Năm ngoái, trên địa bàn huyện có 4 tàu công suất từ 480CV đến 800CV được đóng theo Nghị định 67, trị giá mỗi chiếc hàng tỷ đồng.
Dự kiến, trong năm nay, sẽ có thêm 10 con tàu mới có công suất lớn sẽ được "ra lò". Giờ đây, tôi đã lớn tuổi, không trực tiếp đánh bắt hải sản ngoài khơi xa nhưng hằng ngày, tôi ở nhà giúp con cháu khâu vá ngư, lưới cụ và động viên lớp trẻ bám biển làm ăn. Vậy mà nghe thông tin đó tôi vẫn thấy sốt ruột trong bụng..." - lão ngư Nguyễn Đơn, nhà ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải tâm sự với chúng tôi.
Theo ông Đơn, vừa qua, khi ở vùng biển Thừa Thiên Huế xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt bất thường, nhiều lao động biển nghèo có hoàn cảnh không dư dả gì, lại càng gặp khó. Do sở hữu thuyền, ghe công suất nhỏ, không có điều kiện đánh bắt ở ngoài khơi xa nên nhiều người phải kiếm công việc khác để nuôi gia đình. "Giờ, tình hình đã được cải thiện, bà con đã tiếp tục công việc để góp phần làm ra của cải cho xã hội và đảm bảo cuộc sống cho chính mình. Để giúp họ có tương lai bền vững hơn, tôi nghĩ, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ vốn để giúp họ đóng tàu cá có công suất trên 90CV để bám ngư trường truyền thống đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc" - lão ngư bày tỏ.
"Nghề cá vốn là nghề truyền thống lâu đời, là nguồn sống của hàng nghìn, hàng vạn ngư dân ở vùng biển Thừa Thiên Huế từ xưa đến nay. Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm thực thi nhiều chính sách hỗ trợ để giúp ngư dân yên tâm bám biển. Mong muốn của bà con hiện nay là Nhà nước cần có thêm những giải pháp, hỗ trợ cụ thể hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhất là đối với việc cho vay vốn để tạo thêm "luồng gió mới", giúp ngư dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa nghề, ngư cụ, yên tâm tiếp tục vươn khơi, vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...".
Ngư dân Phan Chinh tâm sự.
Cũng như ông Nguyễn Đơn, đề cập đến công cụ đã và đang tạo ra "lực đẩy" khá mạnh cho ngư dân trong quá trình vươn khơi, bám biển là Nghị định 67 của Chính phủ, rất nhiều bà con ở các vùng biển thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế mà chúng tôi có dịp gặp đều bày tỏ mong muốn có cơ hội được vay tín chấp với lãi suất ưu đãi, nhằm đầu tư phương tiện, chuyển đổi phương thức làm ăn.
Theo họ, thời gian qua, mặc dù đã được hỗ trợ nhiều chính sách, nhưng so với nhiều địa phương ven biển miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., nghề khai thác biển của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phát triển ở mức chưa xứng tầm, tỷ lệ tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ còn thấp, trình độ tay nghề của ngư dân chưa cao. Nguyên nhân là do ngư dân thiếu nguồn vốn nên không dám mạnh dạn đầu tư để đóng mới, nâng cấp tàu, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ và tu sửa, nâng cấp máy móc, chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại.
Ông Phan Chinh, ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), chủ một con tàu cá công suất máy gần 670CV trị giá hơn 8 tỷ đồng cho biết, nếu có tàu lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế của ngư dân tăng lên, sản lượng thu về tăng gấp nhiều lần. Ngư dân cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội thu hoạch được những đàn cá lớn, có giá trị thương phẩm, xuất khẩu cao dưới mực nước sâu từ vài chục đến cả trăm mét. Ngoài ra, hạn chế đánh bắt gần bờ sẽ không làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên biển, ngư dân lại có thêm cơ hội đóng góp trách nhiệm của mình vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ánh Tuyết - Đặng Lâm
Nguồn: baobienphong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã