Từ Hà Nội, theo QL6, chỉ cần qua ngã ba Xuân Mai để bước vào địa phận Hòa Bình thôi đã thấy xe nối xe, những xe cam ngất ngưởng, lịm một màu vàng, tỏa đi mọi nơi. Cùng với đó là sự lên danh của cam Cao Phong và việc giàu lên nhanh chóng của người dân nhờ trái cam đặc sản.
Thăng trầm một vùng đặc sản
Cam Cao Phong đã có thương hiệu và nổi tiếng từ thời bao cấp.Ngày ấy, vùng đất này đã được quy hoạch, một nông trường có tên khá hoành tránh và ấn tượng Nông trường cam Cao Phong được xây dựng. Mấy ngàn công nhân được chiêu tập ngay tại chỗ hay các vùng miền dưới xuôi đã tề tựu về đây.
Các đội sản xuất được ra đời, người lao động “đi về trong tiếng kẻng” và đã đưa trái cam tới đỉnh điểm của hoàng kim, với sản lượng đến 3.000 tấn. Cam Cao Phong nổi tiếng về chất lượng và sản lượng, đã được nước ngoài biết đến và người anh cả có tên Liên Xô ngày ấy đã đặt bao hàng gần như toàn bộ cam Cao Phong. Cam Cao Phong ra nước ngoài, đến “xứ tuyết” và cùng đó là những nguồn ngoại tệ được chuyển về quê hương.
Nhưng lên danh chưa được bao lâu, cũng do cách quản lý, cam Cao Phong nhanh chóng bước vào thời kỳ thoái trào. Cơ chế bao cấp không tạo ra động lực, kiểu làm cho có, làm để đảm bảo cái sổ gạo của gia đình đã làm cho cam Cao Phong xuống cấp thê thảm. Sản lượng tụt, chất lượng tụt, chưa khắc phục được cũng là lúc sâu bệnh hoành hành. Nếu lấy mốc những năm 1975-1976 làm thời kì hoàng kim thì chả bao lâu sau đó vùng cam này dường như bị xóa sổ và nhanh chóng lãng quên.
Cam Cao Phong đã giúp người dân đổi đời. Ảnh:NNVN |
Thời kỳ này, để cam Cao Phong có đầu ra, người dân nơi đây phải ngậm ngùi, gạt nước mắt, hoán đổi thương hiệu cho trái đặc sản quê mình. Mùa đến, những diện tích còn lại của cam Cao Phong cho trái, đành phải bán rẻ, để người ta chi phí chở đi để đấu với các loại cam khác như Văn Giang (Hưng Yên), cam Vinh, thậm chí còn phải khoác cả thương hiệu cam Trung Quốc thì mới tiêu thụ được.
Cứ ủ uột như vậy cho đến hơn 30 năm sau, cụ thể là vào năm 2006. Với nghị quyết số 04 về phục hồi cây có múi được đưa ra, cam Cao Phong mới có cho mình một cơ hội để đi lên. Mở rộng quy hoạch cùng với các quy chế ưu tiên, khuyến khích, vùng đặc sản này lại bắt đầu được hồi sinh. Bên cạnh việc khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn và hỗ trợ ban đầu, có lúc lên đến 30 triệu cho một ha, cam Cao Phong bắt đầu được chăm chút, lan rộng, xanh đất, xanh đồi.
Bằng sự chăm chút này, cam Cao Phong bắt đầu lấy lại uy tín trên thị trường. Đỉnh điểm nhất phải kể từ năm 2010 trở lại đây thì tiếng tăm cam Cao Phong mới bắt đầu rộ lên. Hiện thị trấn có khoảng 521ha cam, trong đó 332ha đã cho thu hoạch, ước chừng sản lượng khoảng 15.000- 16.000 tấn/năm. Nhiều hộ có 5-10ha cam, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thị trấn của nhà lầu và xe hơi
Con đường QL6, vắt qua thị trấn Bưng của vùng đất Cao Phong nghèo khó dạo nào nay đã nhức mắt bởi nhà lầu và xe hơi. Hỏi về sự phát triển đến ngoạn mục này, người dân Cao Phong ai cũng phải tự hào đấy là do trái cam mang lại. Theo thống kê năm 2013, riêng thị trấn Cao Phong đã có tới 39 hộ đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt hơn, hiện nay số hộ gia đình có thu nhập từ 3-5 tỷ đồng trong năm từ cam của Cao Phong là không ít. Cá biệt có những hộ đã có thu trên 10 tỷ đồng sau mỗi vụ cam.
Đến Cao Phong mùa này, rảo chân một vòng quanh thị trấn hay vào các xã như Tây Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong, Bắc Phong… đâu đâu cũng lúc lỉu vàng ươm những vườn cam vàng. Cam xuống bãi, cam lên đồi thậm chí cam “leo” lên cả núi cùng với đó là chuyện thu nhập của người dân, toàn vài trăm đến cả tỷ đồng.
Giờ đây đến Cao Phong, nếu hỏi danh một tỷ phú, chắc người ta sẽ được cung cấp cả một “sê ri” về tên tuổi những con người. Trong các tỷ phú đang hiện diện ở đất Cao Phong hiện nay, ông Bùi Văn Tiến ở khu 3 thị trấn Cao Phong hay được nhắc đến nhất.
Bên căn nhà rộng thênh thang, xây cất khá kỳ công với những vật dụng đắt tiền, ông Tiến cho biết, năm ngoái, với 5ha cam trong tổng số 10ha cam đã trồng của nhà ông cho thu hoạch 120 tấn cam. Giá bán trung bình từ đầu vụ đến cuối vụ năm ấy khoảng 28 nghìn đồng, đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu trên 3 tỷ đồng.
Ở Cao Phong, ngoài gia đình ông Bùi Văn Tiến thì ông Tạ Đình Đào cũng luôn được nhắc đến như những tỷ phú có hạng của đất này. Năm ngoái, tính từ đầu vụ đến cuối vụ, ông Đào cùng gia đình đã thu nhập gần 3 tỷ đồng từ cam. Được mùa, được vụ, để khuyến khích con cái, để có phương tiện đi lại giao thương, đặt mối cho cam năm sau nên ông đã quyết định bỏ ra 1,3 tỷ đồng để “đánh” một xe cam-ry 2.4 về nhà.
Mua nhà, tậu xe tiền tỷ đến vài tỷ đang trở thành câu chuyện bình thường ở đất Cao Phong. Hôm chúng tôi tìm lên, cả thị trấn đâng xôn xao với món quà tặng cho đứa con trai sắp cưới vợ của ông Nguyễn Thế Bình. Không vòng, không nhẫn, để con trai chọn ngày vui với đôi bên và bạn bè, ông Bình đã quyết định mua … một xe “lếch xù” trị giá 3,7 tỷ đồng.
Hiện nay, trung bình 1ha cam ở Cao Phong cho thu hoạch khoảng 600 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, người dân nơi đây sẽ có lãi khoảng 400 triệu cho một ha cam.
Theo ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong - khoảng chục năm gần đây, huyện đã chọn cây cam và cây mía tím làm cây chủ lực. So với cây mía tím, cây cam có giá cao hơn rất nhiều nên diện tích ngày càng tăng lên. Để tránh việc phát triển ồ ạt, huyện đã chỉ đạo phòng NN&PTNT tập huấn, hướng dẫn và khoanh vùng cho người dân, tránh tình trạng trồng tràn lan dẫn đến kém chất lượng, kém hiệu quả. Nhờ cây cam, những năm gần đây thị trấn Cao Phong luôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, nhiều hộ đã mua được ô tô loại sang.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã