Học tập đạo đức HCM

Những người tí hon nhất trần gian

Thứ hai - 06/02/2012 20:50
Những con người chúng tôi giới thiệu trong loạt bài viết này có chiều cao, cân nặng chỉ xấp xỉ 1/3 bình thường. Họ có ý chí lớn lao nhưng cũng chịu rất nhiều bi kịch.

Người đàn bà có chiều cao 75cm

Chợ phiên Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) nhộn nhịp người bán mua, sặc sỡ màu sắc, rộn lời nói chào. Một người tí hon, tóc hoa râm, thân thấp chỉ ngang đầu gối người lớn với một chiếc túi cũng bé xíu bằng cái bàn tay lủng lẳng đeo trên vai. Hết hàng này chào mời lại hàng kia đon đả. Đi bất cứ nơi đâu chị cũng là tâm điểm của mọi hướng nhìn.

Suốt đời mang hình hài đứa trẻ

Tôi theo chị về Xóm Đìa xã Xuân Đài nơi 54 hộ người Mường sinh sống nằm giữa rừng, qua suối Đìa, vượt dốc đồi Củ mới tới. Trời mưa lâm thâm, con đường đất lầy sục. Những vũng bùn đối với chị to và nguy hiểm như một cái ao. Chỗ lội nước đến bắp chân người bình thường là ngập đến cổ chị. Những rãnh đất tạo bởi lốp xe máy in hằn trên mặt đường với chị nguy hiểm chẳng kém gì con suối cạn. Tất thảy chúng đều là những thử thách cho người đàn bà ngoại tứ tuần trong thân thể của một đứa trẻ.

Qua suối người ta phải cõng chị rồi lại bế lên xe máy. Ngồi sau xe chị cứ như một cái ba lô nho nhỏ dập dìu sau lưng người đèo. Nếu không có ai đèo, 5 km từ xóm ra chợ trung tâm xã chị đi bộ mất hai ngày, một ngày đi, một ngày về. Một tháng chị được đi chợ một lần. Đó là dịp tiếp xúc duy nhất của chị với thế giới bên ngoài.

 

Những cây cải cũng cao ngang đầu chị Xuyến

Ông Phùng Văn Chon và bà Phùng Thị Uyên sinh hạ được ba người con là Phùng Thị Xuyến (tên chị) sinh năm 1968, Phùng Văn Yến sinh 1978 và Phùng Thị Chót sinh năm 1981. Hai người em hoàn toàn bình thường, đã lấy vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cái còn người chị mù chữ mấy chục năm vẫn chỉ chiều cao ngang một người vài tháng tuổi.

Bốn mấy tuổi nhưng mỗi lúc lên giường chị phải bám tay vào thành giường đu từng chân lên rồi mới bật người leo lên nổi. Từ lúc được sinh ra tới giờ, tóc chẳng dài thêm mà chỉ lọn cọn chấm trán, chưa phải cắt bao giờ. Chẳng biết sự dị thường của chị có phải do bố đi chiến trường miền Nam ngấm chất độc da cam về đổ bệnh hay không. Có đoàn xiếc đón đi, mẹ không cho đi.

Đẻ xong đứa út, bố bỏ mẹ đi lấy vợ hai, Xuyến trông em cho mẹ đi rừng. Những đứa em “khổng lồ”, đứa vài tháng tuổi đã bằng thân hình chị, đứa vài tuổi thì cao hơn chị cả cái đầu. Vậy mà chị một đứa cõng, một đứa bế. Hết mót sắn nuôi em chị lại lên rừng lấy củ mài, lấy măng bán đong gạo. Đồi cao chị phải bò bằng cả bốn chân tay. Đi rừng người bình thường vắt chỉ bám ngang bắp chân là cùng nhưng vì chiều cao chị quá khiêm tốn nên vắt búng lên tận cổ, tận mặt mà đốt, đầm đìa máu.

Đám cỏ cao chừng 1 mét là lút không nhìn thấy người. Chị nhổ cỏ, cỏ bật lên thì người đổ xuống, ngã lăn lông lốc như một quả bóng vài vòng mới dừng lại. Người em út bảo: “Cái gì bá (bác - tiếng địa phương) cũng muốn làm. Cây nứa dèo (nứa nhỏ chỉ bằng cái ngón tay dùng để cắm giàn dưa, đậu) người thường một ngày chặt được 20 vác, chị một vác cũng phải chia làm 3-4 chuyến, mà phải lôi từng cây về chứ không vác lên được”.

Hai đứa em đi hái măng, bẻ ngọn chít trong rừng cả tuần ở lán trại mới về bỏ bốn đứa cháu của hai nhà cho bà bác tí hon trông, đứa bé nhất cũng cao gấp rưỡi chị, đứa lớn thì gần gấp đôi. Chị vẫn bế cháu, vẫn giặt quần áo cho cả nhà, vẫn cơm lành canh ngọt. Một ngày chị còn nấu bốn nồi cám cho hai con lợn cọc. Đáng ra chỉ cần nấu một nồi lớn là đủ nhưng với thân hình tí hon của chị chiếc nồi đó thực sự khổng lồ, cao quá đầu người, không thể khuấy nổi.

Đến ngay cả công đoạn cho lợn ăn hết sức bình thường cũng là cả một chặng đường gieo neo với chị. Đầu tiên, chị trèo lên từng thanh chuồng một như trèo thang. Vào trong chuồng rồi, chị nhoài người với xô cám nhỏ đã để sẵn trên ghế đổ vào máng. Mấy lần lặp lại như vậy việc cho ăn mới hoàn thành. Con ngỗng vươn cổ cao hơn cái đầu chị. Con chó nhỏ nhảy vọt qua người, nhe răng có thể đớp ngang mặt chị nên đi đâu người nhà cũng chẳng dám mạo hiểm cho đi. Chuyến đi xa nhất là xuống phố Vàng dưới thị trấn Thanh Sơn.

 

Trèo vào chuồng cho lợn ăn

Quần áo chị mặc là loại trẻ con hoặc người lớn rồi đem cắt ngắn. Giờ đã có tuổi, đầu gối đau phải dán cao suốt ngày nhưng vẫn không làm cho chị bớt tay lam, tay làm. Chị thích làm vườn nên thửa riêng một cái cuốc có cán bé như ngón chân cái, lưỡi nhỏ bằng nửa bàn tay. Vườn rau cải tốt ngập đầu chị có bói cũng không có một cọng cỏ trong khi vườn hàng xóm cỏ cũng tốt ngang rau. Một xô nước 3 lít, một chiếc gáo nhỏ như cái cốc, hạt rau tự mua ở chợ, chị cặm cụi làm đất, gieo hạt, tưới tắm theo kiểu kiến tha lâu đầy tổ.

Nhìn bóng chị khuất lấp lút sau những chiếc lá tôi chợt nhớ câu chuyện cổ “nhổ cải lên” nói về cây cải khổng lồ khiến cả nhà gồm ông, bà, cháu gái, chó, mèo, chuột con phải túm lưng nhau mà hò dô mới bật gốc.

Thèm có được một cái ri - đô

Chị từng tâm sự ước một lần đến Hà Nội, đền Hùng, ước có một đôi hoa tai bằng bạc vì vàng đắt không dám mơ. Tính chị kín đáo, nhà có một cái ri đô chỉ che được một mặt cái giường nên ước có một cái ri đô và một chiếc chiếu đẹp. Nhà mái lá, tường đất, xóm phần đa hộ nghèo nên những ước mơ tưởng cỏn con ấy cũng khó thành hiện thực.

Ngay cái hoa tai mà chị mua ở chợ giá mươi ngàn giờ cũng rỉ gãy để lại trên tai cái lỗ trống không buồn. Bố, mẹ đã mất cả, ba năm nay chị được hỗ trợ mỗi tháng 360.000 đồng tiền tàn tật. Số tiền cỏn con ấy được chia cho mỗi em khi dăm chục, lúc một trăm…

 

Chị Xuyến bên tác giả

 

He Pingping, người lùn nhất thế giới qua đời ở tuổi 21 năm 2010. Sinh ra ở tỉnh Nội Mông, Trung Quốc, với chiều cao lúc trưởng thành 73,5 cm, He Pingping bị chẩn đoán mắc hội chứng lùn bẩm sinh và được sách Guinness công nhận là người lùn nhất thế giới vào năm 2008. Sau khi anh mất, một thanh niên nghèo ở vùng nông thôn Philippines có tên Junrey Balawing chính thức soán ngôi vị với chiều chỉ cao 59,93cm.

Tôi giở cái túi chị mang về trong đó có một gói kẹo, một bao mứt được cho, một gói xà phòng, một cái dép nhựa mới mua mất tổng cộng 50.000đ. Chị bảo Tết ra chợ chỉ thèm bộ quần áo mới, cái ri - đô mới nhưng không có tiền, chờ đến 2 giờ chiều ra Ủy ban xã lấy tiền trợ cấp thương tật, quay lại thì chợ đã tan… Trong những giấc ngủ chập chờn, đêm nào chị cũng mơ thành người bình thường. Tóc đã có sợi bạc, chị mua thuốc tự nhuộm, da có nhiều nếp nhăn, chị mua phấn về đánh.

Chị Tạ Thị Xuân, người hàng xóm, còn thân thiết hơn cả chị em ruột của chị Xuyến kể: “Ông giời cho chị một thân thể không bình thường sao không lấy nốt khả năng làm phụ nữ cho bớt khổ? Chị vẫn thấy tháng, vẫn ước ao có một người đàn ông của riêng mình nhưng đành chôn chặt nơi đáy lòng”.

Xuyến hay hát lúc một mình. Những câu hát dân ca Mường về đôi lứa yêu nhau. Những câu hát chẳng nên đầu nên đũa. Những câu hát mà hễ thấy có bóng người là dang dở, rơi rụng, tắt lịm trước bậc thềm nhà.

NT (Theo nongnghiep.vn)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay31,618
  • Tháng hiện tại806,896
  • Tổng lượt truy cập91,980,625
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây