Học tập đạo đức HCM

Thị trấn duy nhất ở Việt Nam không được chọn ngày cưới, chưa chết đã có mồ

Thứ tư - 01/05/2013 08:48
Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) chắc chắn là nơi duy nhất ở Việt Nam có quy định đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày mùng 2 hoặc 16 âm lịch hằng tháng. Đặc biệt hơn nữa có lẽ phải kể đến chuyện địa phương này hằng năm đều dành tiền bạc và quỹ đất... xây “nhà” cho người sắp về cõi âm.
Người dân nơi đây tự hào lắm! Không vui mừng sao được khi mà những quy định không đâu có được về "việc vui nhất của đời người" và "việc buồn nhất của đời người" đều là "thương hiệu" của họ.

Việc trăm năm gói gọn trong 2 ngày

Đã hơn 10 năm nay, từ cấp xã, Yên Lạc (với tên gọi cũ là Minh Tân) được chuyển lên thành thị trấn Yên Lạc (vùng đất của "bình yên, lạc nghiệp" với 80% dân cư sống bằng nghề mộc truyền thống và dân số gần 17.000 dân), là từng ấy năm quy ước này được đi vào đời sống cư dân. Chính quyền nơi này đã quyết định làm một "cuộc cách mạng nhỏ" khi đưa ra quy ước cưới xin độc đáo, một "thương hiệu" và điểm nhấn không thể lẫn vào đâu được tại địa phương và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Theo quy ước văn hóa xã hội của thị trấn Yên Lạc, đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày trong tháng âm lịch là mùng 2 và 16. Cùng với quy định ngày cưới, Yên Lạc cũng quy định cụ thể về cách thức tổ chức như: "...Không làm sân khấu, không dùng loa nén, không làm cổng chào, không dùng lẵng hoa, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau khi cưới".

Nhất là quy định cô dâu không được mặc váy cưới, mà chỉ được mặc áo tân thời, là một quy định rất “hà khắc”. Nếu gia đình nào vi phạm quy ước đám cưới của địa phương đều phải chịu một hình phạt rất... đặc biệt: Bị cắt điện trong 1 tuần. Nhà bà Trần Thị Hiều ở thôn Đông là một ví dụ tiêu biểu.

Anh Biên (một người dân thị trấn) kể lại: “Vợ tôi ở xã bên, trước đám cưới cô ấy rất háo hức đi ngắm váy cưới. Thế nhưng khi tôi bảo thị trấn chỗ anh không cho mặc váy đâu, nếu làm vợ anh, em phải chấp nhận điều kiện này đầu tiên thì cô ấy cũng chỉ còn biết thốt lên: “Úi trời, sao lại có chuyện kỳ lạ vậy”, rồi nét mặt vô cùng rầu rĩ”. Nói đúng hơn, mặc váy chỗ nào thì mặc, nhưng khi cô dâu đã vào địa phận thị trấn phải lập tức cởi ra...

Trong những ngày được cưới, người dân thị trấn dành tất cả thời gian để đi… dự đám cưới, chìm trong không khí chúc tụng, cỗ bàn. “Chúng tôi gọi đó là những ngày hội của thị trấn - ngày hội đám cưới độc nhất vô nhị mà chẳng nơi đâu trên đất nước này có được” - ông Duyên, một vị cao niên hóm hỉnh thổ lộ.

Tất cả các quy định đều được mọi người trong thị trấn hoàn toàn nhất trí. Cái hơn thiệt của quy ước này được ông Duyên phân tích rạch ròi chẳng khác nào một người làm chuyên về công tác văn hóa: “Thị trấn quy định thế này là để dân tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí, chống lãng phí trong toàn dân. Đơn giản như trong hai ngày mùng 2 và 16, nhà anh có 4 người thì chia nhau mỗi người tới một đám, có 4 đám chỉ hết một hoặc nửa ngày là xong. Đấy là tiết kiệm về thời gian, những ngày sau không phải đi đám cưới nào nữa”.

Vui nhất có lẽ là những gia đình đông con như gia đình bà Nguyễn Thị Bàn, khu phố 3, thôn Đông, có 5 anh con trai đều đã tổ chức theo nếp sống mới của địa phương. Còn gia đình bà Dương Thị Hạnh có 6 anh con trai thì có 4 anh đã lập gia đình, cũng rất phấn khởi khi thực hiện nếp sống mới trong tục cưới xin ở địa phương. Bà Bàn nở nụ cười tươi, giọng đầy hồ hởi: "Tiết kiệm lắm cháu ạ. Nếu tổ chức như xưa có khi giờ bác và các con vẫn phải làm mà trả nợ đám cưới cũng nên".

Chị Nguyễn Thu Hằng (25 tuổi, người dân thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Ngẫm ra mới thấy là quê mình có một tục lệ cưới xin thật đặc biệt và thú vị, mà hình như chưa một vùng quê nào có. Thực ra, tục lệ ấy phải có nhiều cái hay thì nó mới sống được đến ngày hôm nay. Bản thân mình rất tự hào!". 

Chị Lệ Thương góp lời: "Cưới xin là đại sự của đời người, ai cũng mong ngày cưới của mình là một ngày đặc biệt nhất, đẹp nhất, hoặc có thể tụ họp đông đủ nhất tất cả bạn bè gần xa... Việc quy định ngày cưới có phần hạn chế việc tự do lựa chọn ngày cưới của mỗi gia đình, mỗi cặp uyên ương. Tuy vậy, nếu được lựa chọn, có lẽ đại đa số vẫn sẽ "vote" (bỏ phiếu tán thành - NV) cho sự tồn tại của nó như một dấu ấn đặc biệt của quê tôi".

Dành tiền, đất… xây "nhà" cho người sắp mất

Có lẽ chuyện tổ chức cưới xin như trên nhiều người sẽ chép miệng "à, cái này mình cũng thấy đâu đó có rồi thì phải", nhưng riêng chuyện thị trấn dành quỹ đất và tiền giúp xây phần mộ chuẩn bị cho những người sắp mất thì hẳn chẳng nơi nào có được.

 
Đình làng thị trấn Yên Lạc, nơi chứng kiến bao sự đổi thay của làng.

Theo chân người dân địa phương ra một nghĩa trang của thị trấn, chúng tôi không khỏi có cảm giác ớn lạnh, rờn rợn khi hàng chục ngôi mộ xây sẵn, nằm ngăn ngắn ngay lối vào. Đằng sau mỗi tấm bia mộ, đều được đánh số thứ tự, được thị trấn xây sẵn để chờ phục vụ… người chết. Có những ngôi mộ đã mồ yên mả đẹp, khói hương nghi ngút. Song không ít những ngôi mộ còn "chưa có người ở", vẫn đang trong tình trạng lộ thiên. Cơn mưa những ngày này khiến phần mộ sõng nước.

Trò chuyện với PV, ông Hoàng Văn Kha (người dân thị trấn Yên Lạc) cho biết: Cách đây gần chục năm, Yên Lạc đã đề xuất quy hoạch, rồi thiết kế và xây sẵn mộ ở nghĩa trang. Theo đó, mỗi làng có một nghĩa trang. Tại nghĩa trang của từng làng, luôn có 120 ngôi mộ xây sẵn. Mỗi ngôi có chiều dài 2 mét, chiều cao bằng nhau.

Ông Kha cũng giải thích: "Thời gian từ lúc người mất đến lúc cải táng là 3 năm thì năm đầu địa phương xây 40 mộ, các năm còn lại, mỗi năm xây thêm 40 phần mộ nữa. Các phần mộ được đánh số từ 1 đến 40. Vậy là người quá cố cũng có vị trí, thứ tự của riêng mình. Người nào "ra trước" thì ở nhà số trước, lần lượt cho đến hết các số thứ tự. Sau thời gian 3 năm, người nào được chôn cất ở hàng mộ đầu tiên sẽ được cải táng sang địa điểm khác. Nếu có người mất sau này, thì lại chôn vào mộ đó. Mọi việc tuần tự và rất quy củ".

Ngồi bên cạnh ông Kha, bà Tài chia sẻ thêm: "Những ngôi mộ đó được địa phương đứng ra xây, còn tiền thì do những nhà hảo tâm, công đức ủng hộ. Làm như vậy, vừa tiết kiệm đất, lại vừa sạch sẽ, gọn gàng, không ảnh hưởng đến môi trường". 

Ông Phạm Xuân Tân (một người dân thị trấn Yên Lạc) giọng hào sảng phân tích: "Nhiều nơi họ làm phân tán, phí ruộng, phí đất. Mà anh tính, đang đường cày thẳng tắp, trâu chạy băng băng thì vướng vào phần mộ, lại phải lách sang mà làm, bất tiện lắm chứ". Làm thế này theo lời ví von của ông Tân: "Không chỉ sạch đẹp, gọn gàng, mà lại rất đoan trang. Hiện nay, Yên Lạc có 4 thôn là thôn Đông, thôn Trung, thôn Tiên, thôn Đoài thì 3 thôn đã xây mồ mả như vậy rồi. Thôn Đoài quê tôi dự tính năm nay cũng xây khoảng 60 - 65 mộ. Tôi ước sao đâu đâu cũng học, làm theo cách này".

Rời Yên Lạc, chúng tôi mang theo cả niềm tự hào và vui mừng của bà con về những đổi thay nơi đây. Đáng mừng lắm chứ khi chính quyền địa phương nơi này đã dám đổi mới hai công việc quan trọng nhất của một đời người là chuyện cưới xin và ma chay. Vui lắm chứ khi việc làm ấy đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Chuyện lãng phí, rườm rà trong các đám hiếu, hỷ ai cũng biết, cũng hiểu và muốn thay đổi. Nhưng dám "nổ phát pháo" khởi xướng phong trào xây dựng đời sống mới ở khu dân cư như thị trấn Yên Lạc thì không phải nhiều, nếu không nói là rất ít.
theo laodong
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay27,467
  • Tháng hiện tại220,560
  • Tổng lượt truy cập92,598,224
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây