Kết quả từ cách làm chủ động, sáng tạo
Nhiều cánh đồng mẫu ở Hà Tĩnh không đơn thuần là thành công của một mô hình mà hơn hết, nó khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương lớn |
Đó là đánh giá khách quan và chính xác của BCĐ xây dựng NTM Trung ương dành cho Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng NTM. Sau 2 năm, thực hiện, toàn tỉnh đã có 6 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí (cao nhất là xã Tùng Ảnh đạt 18 tiêu chí); 44 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 155 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho rằng, kết quả quan trọng nhất sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh là đã làm chuyển biến được nhận thức của cán bộ, nhân dân từ tỉnh đến thôn xóm về xây dựng NTM. Từ đó, đã xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào hiến đất mở đường, nhiều mô hình phát triển SXKD giỏi.
Trong 2 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã nhựa hóa và bê tông hóa 2.062 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, nâng tỷ lệ km đường giao thông nông thôn được nhựa và bê tông hóa đạt chuẩn lên 53,4%; cứng hóa 389 km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn, tiêu biểu như: Thạch Hà (180 km), Hương Sơn (65 km)… ; xây dựng được trên 800 km đường điện đảm bảo yêu cầu; cải tạo, nâng cấp được 143 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 39 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 237 nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn...
Bằng nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, toàn tỉnh đã huy động được trên 15 ngàn tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp trên 900 tỷ đồng. Khắp mọi làng quê, đâu đâu cũng sôi nổi phong trào hiến đất, hiến cây, hiến tài sản, đóng góp ngày công để xây dựng đường, trường, trạm, nhà văn hóa. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... cũng chung tay đỡ đầu, tài trợ các xã xây dựng các công trình... Nhiều địa phương đã kêu gọi con em xa quê đóng góp hàng chục tỷ đồng cho phong trào xây dựng NTM. Riêng trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, thông qua các hoạt động gặp mặt đầu xuân, các địa phương đã kêu gọi con em xa quê đỡ đầu tài trợ gần 15 tỷ đồng.
2 năm qua đã có hàng chục mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô 500 đến trên 1.000 con theo các hình thức liên doanh liên kết cho hiệu quả kinh tế cao.. |
Để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển sản xuất sát thực, kịp thời, nhằm huy động, lồng ghép, quản lý các nguồn vốn trong xây dựng NTM. Các chính sách đó đã tạo “cú hích” để các đề án phát triển sản xuất đi vào hiện thực, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế. Điển hình là hàng chục mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô 500 đến trên 1.000 con theo các hình thức liên doanh liên kết cho hiệu quả cao...; là hàng loạt cánh đồng mẫu hàng trăm ha đồng nhất 1 loại giống, cho năng suất, chất lượng cao xuất hiện ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc. Thành công của cánh đồng mẫu không đơn thuần là thành công của một mô hình mà hơn hết, nó khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương lớn, là động lực, quyết tâm, là sự mở đường đầy thuyết phục cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Nhân rộng mô hình và tái cấu trúc ngành nông nghiệp bền vững
Mô hình nuôi tôm trên cát bằng công nghệ mới cho hiệu quả kinh tế cao |
Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Tĩnh bước phát triển vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm...
Chính vì thế, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Võ Kim Cự đã chỉ đạo cần tiếp tục triển khai các đề án sản xuất, đẩy mạnh nhân rộng mô hình và tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Theo đó, các ngành chuyên môn cần tổ chức đánh giá tính hiệu quả việc bỏ trà lúa xuân sớm, tăng trà xuân muộn; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô vừa và lớn theo hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp; mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm trên cát đảm bảo bền vững, thâm canh đạt năng suất, chất lượng, sản lượng cao hơn. Lập phương án tăng cường quản lý mạng lưới thú y. Riêng đối với chăn nuôi lợn, các địa phương sớm xây dựng các cơ sở sản xuất giống. Mỗi huyện có 2-3 cơ sở với tổng quy mô 1.000 con lợn nái cấp ông, bà.
Hà Tĩnh sẽ sớm triển khai dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ nhung hươu, đem lại giá trị kinh tế cao |
Đối với các sản phẩm rau, củ, quả, cần có phương án cụ thể để đưa các sản phẩm này vào hệ thống siêu thị, khu công nghiệp. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: sản xuất rau, củ quả, thực phẩm; sản xuất giống tôm, nuôi trồng và chế biến thủy sản công nghệ cao. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ có các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến nông - lâm - thủy sản; ưu tiên doanh nghiệp làm đầu mối phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Thanh Hoài - Ngô Thắng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;