Học tập đạo đức HCM

Bí quyết của Chủ tịch Vĩnh Phúc

Thứ sáu - 16/05/2014 00:32
Vĩnh Phúc đã có 19 xã hoàn thành các tiêu chí. Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 17 xã và khẳng định đến năm 2015 sẽ có từ 50 - 55% số xã đạt chuẩn NTM.

Bí quyết nào giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc vượt qua những khó khăn và đạt được những thành tựu nổi bật như vậy? Ông Phùng Quang Hùng (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã trả lời giúp chúng tôi những thắc mắc ấy.

img-4116191050982

Không phải có tiền là thành NTM

Từ năm 2006, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 03 về đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH cho nông thôn vì vậy khi Trung ương phát động phong trào xây dựng NTM, nhiều cán bộ lãnh đạo huyện, xã của Vĩnh Phúc không tránh khỏi tâm lý chủ quan. Có lãnh đạo địa phương còn báo cáo với Chủ tịch tỉnh rằng: “Huyện em điện, đường, trường, trạm đủ cả. Làm NTM từ lâu rồi!”.

Ở cương vị lãnh đạo của tỉnh, lại là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện đầu tư cho nông thôn trong những năm qua, ông Hùng thừa nhận khi nghe cấp dưới báo cáo cũng thấy tự tin với hạ tầng nông thôn ở Vĩnh Phúc. Chỉ đến khi ngồi lựa chọn ra những xã cơ bản dễ làm rồi đối chiếu với các tiêu chí của chương trình, ông mới giật mình.

Thì ra Vĩnh Phúc đầu tư nhiều ở khu vực nông thôn nhưng chưa thực sự bài bản, so với tiêu chí NTM thì còn khiếm khuyết nhiều lắm.

Theo ông, điểm thành công nhất trong phong trào NTM chính là việc Trung ương ra được 19 tiêu chí cho các địa phương dựa vào để thực hiện. Phải có các tiêu chí thì mới có đối chứng, mới thấy được rõ huyện, xã nào đạt. Nếu không, lãnh đạo các huyện xã cứ chạy theo thành tích mà báo cáo xây dựng thành công NTM.

Bắt tay vào giải quyết từng tiêu chí lại thấy thực sự khó, mà khó ngay từ tiêu chí đầu tiên đó là tiêu chí quy hoạch. Xây dựng quy hoạch không phải là công việc mới lạ với các cấp chính quyền, ai cũng nghĩ sẽ nhanh chóng hoàn thành. Nhưng khi cấp huyện, xã trình quy hoạch lên, ông thấy cứ như thể cả tỉnh Vĩnh Phúc sắp thành đô thị, rồi giá xây dựng quy hoạch cũng được các Cty tư vấn “phóng” lên mức tiền tỉ…

Nông thôn Vĩnh Phúc không thể trở thành đô thị, cái mà ông Hùng và những người nông dân Vĩnh Phúc cần đó là một bức tranh quê hương trong 20 - 30 năm tới chứ không phải một bản vẽ giả tưởng.

Từ trở ngại đầu tiên, ông Hùng hiểu việc xây dựng NTM sẽ không thể thành công nếu không vào cuộc thực sự, chỉ đạo từng tiêu chí. Vậy là đích thân Chủ tịch phải đặt hàng với Viện Quy hoạch thực hiện thí điểm cho 3 xã, vẽ phối cảnh đầy đủ khu vực SXNN, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư, đường giao thông, trường học, trạm y tế…

Sau đó mới chỉ đạo tổ chức thuê 17 đơn vị tư vấn để triển khai trên toàn tỉnh và khoán định mức tối đa cho mỗi bản vẽ quy hoạch là 220 triệu đồng.

Tương tự, đối với các tiêu chí còn lại, ông Hùng triệu tập cả 7 lãnh đạo huyện, TP và 20 xã cùng làm việc trong hai ngày để tính toán cụ thể định mức hỗ trợ cho từng tiêu chí còn thiếu. Xã nào còn bao nhiêu mét đường giao thông nội đồng, xã nào thiếu nhà văn hóa, định mức cho mỗi mét đường giao thông nội đồng hết bao nhiêu tiền, nhà văn hóa hết bao nhiêu tiền…

Bằng cách đó, chỉ cần trải bản danh sách ra Chủ tịch tỉnh có thể nắm rõ đến từng dự án của từng xã, hết tổng mức đầu tư là bao nhiêu.

“Tên xã là cột dọc, 19 tiêu chí cột ngang, mỗi tiêu chí lại chia ra làm ba cột. Lãnh đạo các xã, huyện liệt kê xong sẽ phải kí chốt lại rồi mới tính cơ chế thực hiện. Tôi phải làm cụ thể đến mức ấy, nếu không chỉ một nhà văn hóa cũng có xã đưa mức đầu tư lên 10 tỉ, một km đường giao thông nội đồng có xã khai lên 8-9 tỉ thì lấy đâu ra tiền để mà thực hiện?”, ông Hùng nói.

Mặc dù so với các tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc có lợi thế hơn về nguồn lực để xây dựng NTM nhưng tiền đầu tư cho nông thôn thì không biết bao nhiêu cho đủ và không phải cứ có tiền đầu tư là sẽ thành NTM.

Dẫn chứng thực tế ở Vĩnh Phúc, ông cho biết tỉnh có 20 xã đăng kí hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM vào năm 2013 thì chỉ đạt 19 xã và xã duy nhất không đạt lại nằm ở TP. Vĩnh Yên, trong khi các xã thuộc huyện khó khăn như Lập Thạch, Sông Lô lại cán đích. Điều đó cho thấy vấn đề cốt lõi quyết định thành công hay không là ở cái tâm của người cán bộ thực hiện.

Có một lần, trao đổi cùng nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa, ông Hùng thấy thực sự tâm đắc với cách gọi “Công cuộc xây dựng NTM”. Theo ông, cách nói này thể hiện rõ tầm vóc của việc đầu tư cho xây dựng nông thôn mà Trung ương đang phát động, bản chất là một cuộc cách mạng làm thay đổi, nâng cao sức sống nông thôn.

SỰ HÀI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG

Mục tiêu cuối cùng không phải là danh hiệu, không phải là bình quân GDP tăng trưởng mà phải là thu nhập thực tế bỏ vào túi của người nông dân và sự hài lòng đối với cuộc sống. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không có khái niệm hoàn thành cơ bản các tiêu chí mà tất cả các xã đã đạt là chuẩn theo tiêu chí NTM.

onh-le-hocng-3190354982Trồng hoa ở huyện Mê Linh cho thu nhập cao

"Để đảm bảo khách quan khi nghiệm thu đánh giá tiêu chí, các huyện không tự đánh giá chấm điểm các xã mà phải thực hiện kiểm tra chéo. Huyện, xã nào làm tốt về đích sớm, điểm cao sẽ được thưởng 1 tỉ đồng, những xã về đích sau chỉ được thưởng 500 triệu đồng", ông Phùng Quang Hùng.

“Điều khó nhất trong xây dựng NTM đó là tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động” ông Hùng tâm sự. Vĩnh Phúc có trên 60.000 người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có khoảng 10.000 người làm việc trong các KCN và ngần ấy lao động nữa đi làm ăn xa, còn lại là thất nghiệp hoặc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Số liệu trên cho thấy nhu cầu công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương còn rất lớn tuy nhiên để giải quyết việc này không dễ, bởi đang trong lực lượng lao động đang tồn tại khuynh hướng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Về lâu dài, để giải quyết vấn đề này Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng loạt các giải pháp đào tạo lao động địa phương như xây dựng “Trung tâm đào tạo bồi dưỡng năng lực cho nông dân”, thực hiện phân luồng giáo dục từ PTTH để định hướng đào tạo nghề.

Bằng công cụ chính sách, tỉnh Vĩnh Phúc đã thắt chặt thi tuyển từ cấp PTTH, sàng lọc nhóm học sinh có học lực yếu đồng thời lập ra các trường vừa đào tạo văn hóa, vừa đào tạo nghề đồng thời có chính sách hỗ trợ học phí nhằm khuyến khích học sinh theo học trường nghề. Sau 3 năm, học sinh tốt nghiệp trường nghề vừa có bằng văn hóa, vừa có chứng chỉ nghề có thể xin việc được luôn hoặc tiếp tục học lên cao tùy ý.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển SXNN như chính sách phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò sữa, xây dựng các vùng SX rau an toàn…

Tuy nhiên, quan điểm của ông Hùng đây chỉ là những giải pháp trước mắt, nếu muốn nông thôn phát triển, đời sống người nông dân được cải thiện về cơ bản vẫn cần phải giảm tỉ trọng nông nghiệp xuống tối đa và lấy công nghiệp để đầu tư lại cho nông nghiệp.

Nam Phương
Nguồn nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập608
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại792,974
  • Tổng lượt truy cập93,170,638
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây