Học tập đạo đức HCM

Bùng nổ sản xuất cây ăn quả có múi: Mừng hay lo?

Thứ hai - 25/06/2018 02:47
Nhớ lại cách đây gần 20 năm, Sứ quán Israel có đề nghị tôi mời TS. Amos Blumenfeld, chuyên gia về rau quả từ Israel sang thăm khảo sát cây ăn quả Việt Nam.

Việc đầu tiên ông đề nghị tôi là cho đi khảo sát các chợ rau hoa quả ở Hà Nội; sau đó, chúng tôi đi khảo sát vùng cam Phủ Quỳ, Nghệ An. Sau chuyến đi khảo sát, ông nói: Với giá bán cam và hiện trạng cam hiện tại, Việt Nam các ông còn có cơ hội để tiếp tục mở rộng sản xuất và nghiên cứu cam thêm trong vài chục năm nữa. Ông cũng khuyên chúng tôi, khảo sát thị trường là việc đầu tiên nên làm.  

Mừng hay lo

Về tổng thể, phải nói là: Rất mừng!

Đây là một cơ hội bước ngoặt hiếm hoi để chuyển hướng đột phá phát triển; để chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất công nghiệp và chế biến; từ tăng trưởng về lượng sang tăng trưởng về chất; từ thị trường quốc nội sang thị trường quốc tế. Hàng chục năm trước đây, chúng tôi đã dự báo về tiềm năng to lớn của rau quả Việt Nam. Giờ đây, hàng chục triệu nông dân đã nhận thức được thế mạnh đó và đang biến nó thành hiện thực. Xuất khẩu rau quả cả nước tăng bùng nổ, đạt 3,5 tỷ USD năm 2017 và kỳ vọng đạt 4 tỷ USD năm 2018 và 10 tỷ USD trong tương lai gần (2020). Nếu không có phong trào mạnh, làm sao có 4 tỷ hay 10 tỷ USD?

Rau quả được kỳ vọng tạo bước đột phá trong XK nông sản

Những người quản lý nông nghiệp vừa kỳ vọng tăng xuất khẩu trái cây, nhưng lại vừa lo nguy cơ phải “cứu hộ” cam. Bộ NN-PTNT đã cảnh báo, việc phá vỡ quy hoạch sản xuất sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Nếu các địa phương không có giải pháp kịp thời, kiềm chế phát triển "nóng" về diện tích, khả năng trong tương lai không xa sẽ lại có... những cuộc giải cứu trái cây. Thực tế, chúng ta đã muộn trong quản lý và định hướng sản xuất. Sản xuất đã và đang tiếp tục tăng trưởng nhanh về lượng; nhưng về chất lượng, quá nhiều vấn đề về chủng loại và cơ cấu giống, về quản lý dịch bệnh, về quy hoạch và phân vùng sản xuất...

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản trong nước đang tiến về “điểm bão hòa thị trường nội địa”; các văn phòng đại diện thương mại của nước ta ở các nước hình như vẫn còn “đang ngủ quên” trước thực trạng sản xuất nông nghiệp đang nóng bỏng. Vấn đề nghiên cứu phát triển thị trường phải đặt ra như thế nào?

Cái nguy ở đây là sự phát triển sản xuất tự phát của hàng vạn hộ nông dân. Họ thiếu hụt sự trợ giúp thông tin kinh tế và kỹ thuật của nhà nước. Trong khi, người quản lý ở trong tình trạng bị động; chưa dự báo và đón bắt được kịp thời các xu hướng phát triển.

Rất nhiều câu hỏi khó phải trả lời cho người sản xuất và người ra chính sách.  

Nhìn từ thị trường quốc tế

Sản xuất quả có múi (Citrus) trên thế giới vẫn tăng do giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao và do tăng trưởng thu nhập của các nền kinh tế mới nổi. Tổng sản lượng quả có múi hàng năm trên thế giới dao động vào khoảng 123 - 131 triệu tấn trong giai đoạn 5 năm từ 2011 đến 2016 (FAO, 2017), trong đó cam chiếm trên 50% tổng sản lượng. Sản xuất quả Citrus vẫn đang tiếp tục tăng do thu nhập của người dân ở một số quốc gia tăng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, các nước Đông Âu, các nước ASEAN...

Ví dụ, ở Trung Quốc, tổng lượng hoa quả tươi tiêu thụ tại Trung Quốc tăng rất nhanh, trong đó tiêu thụ quả có múi tăng nhanh hơn cả. Trung Quốc vươn lên chiếm vị trí thứ 2 về sản lượng quả có múi, chỉ sau Brazil. Ở Trung Quốc, diện tích và sản lượng quả có múi liên tục tăng trong suốt 40 năm qua. Năm 2008, tổng sản lượng quả có múi ở Trung Quốc lục địa là khoảng 21,7 triệu tấn, 5 năm sau (2013) sản lượng tăng lên 34,3 triệu tấn; năm 2016 đạt khoảng 32,7 triệu tấn (trong đó chủ yếu là quýt). Bình quân khoảng 23,7 kg/người với dân số 2016 vào khoảng 1,379 tỷ người (FAO, 2017).

Tiêu thụ cam toàn cầu đạt 71,416 triệu tấn trong năm 2015. Từ năm 2007 đến 2015, mức tăng trưởng đáng chú ý nhất về tiêu thụ cam đã đạt được ở Trung Quốc (tăng trung bình 11%/năm). Sự gia tăng mức sống ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu về một chế độ ăn uống đa dạng và bổ dưỡng, dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu trái cây. Trong 8 năm gần đây, lượng nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc tăng hơn 3 lần lên 3,8 triệu tấn năm 2015, trong đó có nhập khẩu cam. Sự gia tăng nhập khẩu chủ yếu đến từ vùng nhiệt đới và nam bán cầu.

Mức độ tăng trưởng sản xuất quả có múi ở Việt Nam, do vậy, cũng không lấy gì làm lạ; nó phản ánh tình trạng tương tự như ở Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng nóng, sản lượng cũng như tiêu thụ quả có múi ở nước ta vẫn còn thua tiêu thụ bình quân trên thế giới và thua xa Trung Quốc.

Chăm sóc cam sành ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, sản lượng cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng. Sản lượng cam đạt 772,6 nghìn tấn, tăng 20,4% so với năm trước; bưởi đạt 571,3 nghìn tấn, tăng 13,4%; quýt đạt 175,5 nghìn tấn, tăng 6,3%. Tốc độ và tỷ lệ % tăng trưởng trên đây thể hiện khá rõ ưu thế và xu hướng thị trường của 2 cây cam và bưởi. Tuy nhiên, tổng sản lượng quả có múi cả nước mới đạt thấp, khoảng 1.519.400 tấn; tính bình quân đầu người năm 2017 mới đạt trung bình khoảng 16kg (tính trên dân số khoảng 95 triệu người).

Trong khi đó, theo FAO, sản lượng quả có múi toàn cầu vào khoảng 131 triệu tấn năm 2015 và 124 triệu tấn năm 2016, bình quân đầu người khoảng 18kg năm 2016. Tiêu thụ bình quân ở các nước phát triển Tây Âu và Bắc Mỹ đạt trên 40 kg/người (Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; FAO, 2017). Muốn đạt mức tiêu thụ 18 kg/người, nước ta cần sản xuất thêm khoảng 190.000 tấn quả/năm. Nhưng để đạt mức tiêu thụ 23,7 kg/người như ở Trung Quốc, sản lượng quả có múi ở nước ta còn phải tăng lên khoảng 731.500 tấn; hay phải mở rộng thêm khoảng 40.000ha trồng mới cây ăn quả có múi, với năng suất trung bình phải đạt trên 20 tấn/ha trong thời gian tới.

Trong năm 2015, thế giới sản xuất 1.938 triệu tấn nước cam (chuyển đổi sang FCOJ). Nhìn vào so sánh 10 năm, sản lượng nước quả giảm 19,2% (2.397 triệu tấn trong năm 2005). Mức giảm này chủ yếu do sụt giảm sản lượng cam ở Mỹ vì bệnh HLB tàn phá (giảm khoảng 25%; USDA, 2017). Những nước có nền kinh tế phát triển tiêu thụ khoảng 10 đến 15 lít nước cam mỗi người/năm. Những người ở các nước có nền kinh tế mới nổi tiêu thụ khoảng 2 đến 4 lít mỗi người mỗi năm. Nếu mỗi người Việt Nam tiêu thụ trung bình 4 lít người đến năm 2025, sản lượng nước cam phải đạt khoảng 380.000.000 lít nước quả/năm.

Như phân tích ở trên, mặc dù sản xuất quả có múi ở nước ta đang rất nóng, nhưng diện tích và sản lượng quả có múi ở nước ta chưa cao, bình quân tiêu thụ quả có múi trên đầu người còn thấp; trong khi thu nhập và tiêu dùng của người dân trong nước đang tăng nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Do vậy, vấn đề của chúng ta có lẽ chưa phải là sản xuất thừa.  

Thời điểm bước ngoặt

Phong trào quần chúng phát triển mạnh, nhưng thiếu định hướng và chỉ đạo quyết liệt của nhà nước sẽ không tạo ra những quả đấm lớn. Đây là thời điểm cần chỉ đạo quyết liệt quá trình chuyển đổi sản xuất quả có múi từ quy mô nhỏ, hộ gia đình thành sản xuất công nghiệp, lấy HTX và doanh nghiệp làm lực lượng tiên phong.

a) Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp cam bưởi chanh?

Các giống cây ăn quả có múi phân bố rất rộng trên thế giới từ 40o vĩ Bắc xuống 40o vĩ Nam. Tuy vậy, phần lớn cây có múi phân bố trong các vùng cận nhiệt đới giữa 15o và 35o vĩ Bắc và giữa 15và 35o vĩ Nam.

Các vùng có nhiệt độ mùa đông lạnh vừa phải, đủ tạo ra giai đoạn ngủ nghỉ đông của cây, tiếp theo sự ra hoa đồng loạt vào mùa xuân rất thích hợp với trồng cây có múi chất lượng cao, màu vỏ quả đẹp, năng suất cao và cây khỏe. Trong vùng nóng gần xích đạo ở giữa 15o vĩ Bắc và 15o vĩ Nam, cam quýt trồng thường có chất lượng thấp và sản phẩm thông thường chỉ đủ dùng cho thị trường địa phương.

Nước ta nằm ở trung tâm phát sinh cây ăn quả có múi, có vị trí địa lý giữa vĩ độ 8.33 đến 23.27 độ vĩ Bắc, ở vùng thích hợp cho phát sinh và phát triển của nhiều loài quả có múi. Từ Quảng Nam trở vào là diện tích vùng nóng đối với cây có múi. Bưởi, cam sành và chanh thường phát triển tốt hơn ở vùng này do chịu được nhiệt. Khi nhiệt độ cao quanh năm, cây có múi có thể ra hoa vài lần trong năm.

Sự ra hoa ở vùng này được kích thích bởi khô hạn hoặc các yếu tố khắc nghiệt khác. Quả thường có vỏ màu xanh khi chín và chất lượng thấp hơn. Bù lại, ở các vùng cao như cao nguyên (một số vùng ở Tây Nguyên), vẫn có thể sản xuất được quả có múi chất lượng cao.

Gần đây, phát triển nóng quả có múi chủ yếu ở khu vực phía Bắc. Điều đó là hợp lý. Các tỉnh phía Bắc từ Bắc Trung bộ trở ra rất thích hợp cho hầu hết các loại quả có múi, đặc biệt là cam ngọt, bưởi, chanh.

Các tỉnh phía Bắc từ Bắc Trung bộ trở ra rất thích hợp cho hầu hết các loại quả có múi, đặc biệt là cam ngọt, bưởi, chanh

b) Mexico là một cường quốc công nghiệp cam và chanh, có đặc điểm địa lý - khí hậu rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Mexico là một cường quốc sản xuất và xuất khẩu quả có múi; nằm ở vĩ độ Bắc 10o - 24o, có vị trí địa lý, khí hậu tương tự với Việt Nam. Mexico ở sát nước lớn là Mỹ, Việt Nam ở sát Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc là 2 nước lớn hàng đầu trong sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu quả có múi. Sản lượng quả có múi của Mexico năm 2016 là 6,634 triệu tấn; với dân số xấp xỉ 130 triệu người. Bình quân sản lượng quả có múi vào khoảng 51,0 kg/người. Diện tích trồng cam cả nước không thay đổi trong 10 năm (2000 - 2010), tổng diện tích là 342.000ha, sản xuất mỗi năm khoảng 4,1 triệu tấn cam; chỉ sau Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Niên vụ 2016/2017, Mexico sản xuất khoảng 4,3 triệu tấn cam, năng suất trung bình toàn quốc khoảng 14,3 tấn/ha.

Bên cạnh cây cam, Mexico còn đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu chanh.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2016/2017, sản xuất chanh toàn cầu đạt 7,3 triệu tấn, riêng Mexico đã chiếm 2,4 triệu tấn. Ở nước ta, chanh được sản xuất trên khắp cả nước, trong đó có các giống chanh ta (Lime) và các giống chanh Tây không hạt (Limon). Giống chanh không hạt đã được trồng ở các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên (Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng), Thanh Hóa, Hòa Bình với năng suất và chất lượng rất cao. Năng suất trung bình mỗi gốc cây 2 năm tuổi có thể thu được 40 - 60 kg/năm; chanh đạt năng suất nhất là từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm thu hoạch từ 120 - 170 kg/gốc. Nhiều hộ thu hoạch bình quân trên 500 triệu/ha. Giá bán chanh tại vườn từ 10.000 đồng đến trên 20.000 đồng/kg, có lúc lên đến 40.000 đồng/kg. Chanh không hạt đã được xuất khẩu đi Singapore, Thái Lan, các nước Trung Đông...

Theo Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn quả nước ta tăng mạnh, năm 2017 đã tăng 52.000ha so với năm 2016, trong đó diện tích cam tăng 10.000ha, diện tích bưởi tăng 13.000ha. Diện tích quả có múi tăng mạnh chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Trong giai đoạn 10 năm, từ 2008 đến 2018, hàng nghìn, hàng vạn tỷ phú cam đã xuất hiện, mỗi năm một tăng. Giá cam, bưởi trong nước đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Chưa bao giờ cơ hội làm giàu của nông dân ở các vùng cam bưởi ở nước ta lại lớn như vậy? Trong tình hình đó, nông dân và doanh nghiệp đã không bỏ lỡ cơ hội. Họ đổ xô vào trồng cam. Có thể nói, ở nước ta, sản xuất rau quả, trong đó có các loại quả có múi, đang ở tình thế “cách mạng”.

Theo: GS TS Đỗ Năng Vịnh/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập530
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm529
  • Hôm nay75,192
  • Tháng hiện tại811,302
  • Tổng lượt truy cập93,188,966
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây