Bất cập tàu dịch vụ
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 5/2018, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 108.504 chiếc (giảm 1.158 chiếc so năm 2017). Trong đó, tàu có công suất dưới 90 CV là 70.437 chiếc, công suất từ 90 đến dưới 400 CV có 20.231 chiếc, công suất từ 400 CV trở lên có 17.836 chiếc.
Cùng đó, tính đến hết tháng 5/2018, cả nước có 835 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP đi vào hoạt động (trong đó, 700 tàu khai thác hải sản, 135 tàu dịch vụ hậu cần). Đánh giá chung cho thấy, hiệu quả của các tàu này rất đạt, tăng thời gian bám biến và tăng năng suất khai thác đến 20 - 30%. Vậy nhưng, bất cập đang hiện rõ là hầu hết các tỉnh đều đang chú trọng phát triển tàu khai thác mà “quên” đầu tư tàu dịch vụ.
Theo tính toán, một tàu làm dịch vụ hậu cần có thể giúp rất nhiều tàu cá không phải liên tục vào ra giữa đất liền với ngư trường nên giảm đáng kể chi phí nhiên liệu (khoảng 40.000 lít dầu/tàu cá). Cùng đó, ngư dân tránh được nạn tư thương, đầu nậu ép giá. Thế nhưng, điều này vẫn khó thực hiện khi ở nhiều tỉnh, số lượng tàu dịch vụ còn quá ít. Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay trên cả nước, số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy hoạch chỉ hơn 200 chiếc, quá ít so với năng lực đánh bắt thủy hải sản. Ở Khánh Hòa, số tàu dịch vụ hậu cần chỉ 17 chiếc, trong khi tàu đánh bắt xa bờ gần 2.000 chiếc; ở Bến Tre, có khoảng 1.750 tàu đánh bắt xa bờ nhưng chỉ có 12 tàu dịch vụ hậu cần. Thêm nữa, số lượng tàu hậu cần ở Khánh Hòa hầu hết phục vụ cho khai thác cá ngừ đại dương, còn các nghề khác như mành chụp, lưới rê và lưới vây số lượng tàu hậu cần phục vụ lại rất ít, có nơi không có. Do vậy, việc cần thiết hiện nay là tăng thêm số lượng tàu dịch vụ.
Thế nhưng để làm được điều này, theo ông Võ Thiên Lăng, Nhà nước cần tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp tham gia. Vì chỉ có doanh nghiệp mới đủ năng lực về vốn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả.
Cảng cá nơi thừa nơi thiếu
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 13 cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho trên 4.000 tàu thuyền. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình đang xuống cấp, sa bồi, luồng bị chặn nước ra vào.
Huyện Thủy Nguyên đang phát triển nhanh số lượng và công suất tàu cá, tuy nhiên, bến cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ) sau 8 năm đưa vào sử dụng đến nay luồng lạch bến cá bị bồi lập, tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hơn 70 tàu công suất từ 400 CV trở lên hoạt động thường xuyên tại bến cá chỉ có thể ra, vào bến khi có triều cường. Ngư dân mất nhiều thời gian chờ đợi, neo đậu ngoài bến, việc mua bán, tiếp nhiên liệu cho tàu chuẩn bị ra khơi vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Hay bến cá Ngọc Hải (P. Ngọc Hải, Q. Đồ Sơn) có diện tích luồng lạch rộng hơn 200.000 m2, trung bình có khoảng 100 - 200 tàu thuyền ra vào mỗi ngày, nhưng hiện nay tuyến luồng ra vào bến cá đang bị sa bồi rất nghiêm trọng. Các tàu cá ra vào rất khó khăn mỗi khi thủy triều xuống. Hiện, nhiều tàu cá phải thuê chỗ đậu rất tốn chi phí, trong khi các điểm neo đậu này không có các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, một số bến cá đang xây dựng và hoàn thiện tồn tại những bất cập, thiết kế thiếu những hạng mục quan trọng nên cũng không thể khai thác hết công năng.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có 5 cảng cá gồm Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Vĩnh Trường, (Nha Trang), Đá Bạc (Cam Ranh), Đại Lãnh (Vạn Ninh). Tuy nhiên hiện nay, các cảng cá này đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Cảng cá Hòn Rớ thường xuyên diễn ra tình trạng hàng chục tàu phải xếp hàng vài giờ mới được cập bến; tại cảng Vĩnh Lương thì hoạt động mua bán hải sản diễn ra lộn xộn, thiếu vệ sinh do không có nhà phân loại, không có hệ thống cấp nước, xử lý nước thải…
Còn ở tỉnh Phú Yên, cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, được đầu tư gần 30 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2006, theo thiết kế, đây là cảng cá hiện đại, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 lượt tàu công suất lớn cập cảng, lượng hàng thủy sản từ 6.000 - 10.000 tấn. Thế nhưng, đến nay cảng này lại trở thành nơi ngư dân tập thể dục hay đi dạo. Bởi theo bà con, cảng xây chưa phù hợp, bất tiện, không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền cập cảng. Trong khi, cảng cá Phường 6 lại đang quá tải trầm trọng. Nhiều tàu phải neo đậu rải rác gây lộn xộn và khó khăn trong quản lý, nhiều tàu phải đi nơi khác làm tăng chi phí xăng dầu, lợi nhuận giảm… Tuy nhiên, việc cải tạo lại đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh thì rất khó huy động các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp hệ thống các cảng cá.
Ngành khai thác thủy sản đang thực hiện triệt để để hiện đại hóa, nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác. Vậy nhưng, những bất cập hậu cần này đang kéo lùi sự cố gắng đó. Việc cải tổ lại đang rất cấp bách. Tuy nhiên, dù đã có chủ trương nhưng việc thực hiện tại nhiều tỉnh đang rất bối rối, một phần vì nguồn kinh phí cần huy động lớn, phần khác một số địa phương đã “đặt nhầm chỗ” dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa như hiện nay.
>> Sắp tới đây, 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm trong cả nước được hình hình sẽ có thể giải tỏa những ùn ứ hiện nay. Các Trung tâm này sẽ bao gồm tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác xa bờ… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;