Phát biểu tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên 2015 với chủ đề "Nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam đối diện thách thức hội nhập" vào ngày 4-11, PGS.TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho rằng, thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập hiện nay là thể chế kinh tế vĩ mô chưa kiến tạo được theo quy luật thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng, những sản phẩm nông sản chủ lực hiện vẫn là kết quả của quá trình phát triển tự phát.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, quy hoạch trong nông nghiệp đã có nhưng chưa có giải pháp thực thi hiệu quả. Ví dụ như việc quy hoạch về cây hồ tiêu, quy hoạch có thể vào khoảng 50.000 ha, nhưng khi giá hồ tiêu nâng lên 200 triệu đồng/tấn thì lập tức việc quy hoạch được nâng lên gấp 5 lần.
Đồng quan điểm, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được nói đến nhiều nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả. Ví dụ như việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng từ trồng lúa sang hình thức khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cả nhận thức của người lãnh đạo khi luôn chú trọng đến chủ trương an ninh lương thực.
Theo nhận định của ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Liên minh của Oxfam, bên cạnh vấn đề về quy hoạch, việc thiếu các tổ chức nông dân và liên kết nông dân đã giải thích tại sao thị trường nông sản và việc xây dựng chuỗi nông sản chưa có nhiều cải thiện, vẫn còn làm việc theo mô hình cá thể hộ gia đình, manh mún.
Do vậy, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, để nền nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi sống sót khi hội nhập, những nhà quản lý nên tìm cách liên kết người nông dân lại dựa trên một mô hình phù hợp theo kiểu hợp tác xã và nên giao quyền nhiều hơn cho các Hiệp hội ngành nghề để việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp được sâu sát hơn. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, nên nông nghiệp rất cần đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện các DN tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp còn ít do e ngại những rủi ro có thể gặp phải như thời tiết, những biến động bất thường của thị trường giá cả nông sản. Vì thế, chính sách của Nhà nước phải tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Gần đây, đã có nhiều “đại gia” tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp và đã được Nhà nước, cũng như địa phương chung tay giúp đỡ. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup đầu tư hàng ngàn ha trồng rau tại tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp này đã được tỉnh đứng ra giúp đỡ việc đền bù giải phóng mặt bằng nên doanh nghiệp dễ dàng đầu tư hơn, tạo ra công ăn việc làm cho người nông dân.
Vì thế, bà Lan cho rằng, các chính sách đầu tư cho nông nghiệp cần phải quan tâm đến bản thân nông dân và doanh nghiệp, các chính sách cho 2 đối tượng này phải tương ứng với nhau.
Theo baohaiquan.vn