Tuy nhiên sau gần 3 năm thực hiện, nhiều người còn băn khoăn: Liệu Luật có khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải trong đầu tư công?
Bên hành lang Quốc hội sáng 2/11, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Theo đại biểu Trần Hồng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Luật Đầu tư công là một trong những Luật cần thiết và cấp bách. Vì Luật nâng cao hiệu quả sử dụng và gắn với nó là trách nhiệm của người ra quyết định và chủ trương đầu tư, bởi nếu người ra quyết định và chủ trương đầu tư sai thì phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều này tránh được đầu tư dàn trải, làm giảm đi việc đưa ra những dự án lãng phí, kém hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong Luật chắc chắn vẫn còn những vướng mắc. Trước hàng trăm, hàng ngàn dự án đầu tư thua lỗ kéo dài, dở dang nên việc gấp rút ra Luật để chấn chỉnh tình hình đó nhưng rồi khi triển khai lại có những thủ tục làm giảm đi sự phân cấp cho các địa phương.
Bởi vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cần phải điều chỉnh một số điều khoản Luật về việc phân cấp, phân quyền cho HĐND các thành phố ra chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Đặc biệt là các dự án mà từ ngân sách của địa phương phải để địa phương đó ra chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư là hợp lý nhất.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), mục tiêu để sửa đổi Luật là làm sao khắc phục được đầu tư dàn trải trong đầu tư công, làm sao kiểm soát được hiệu quả trong đầu tư. Mặc dù, Ban soạn thảo đã cố gắng thể chế hóa trong Luật nhiều nội dung quan trong. “Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, với những quy định trong Luật hiện nay, những bất cập đó chưa thể khắc phục được một cách toàn diện mà có lẽ trong Luật cần phải có những quy định cụ thể hơn từ khâu kiểm soát, cấp đầu tư ban đầu và hậu kiểm. Làm sao những dự án được phê duyệt rồi thì quá trình kiểm tra, giám sát phải được thực hiện như thế nào và có những chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm” - đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: BL
Theo đại biểu, trong quá trình đầu tư công, thực tế đã có những dự án thua lỗ gây lãng phí rất lớn liên quan đến đầu tư công. Rõ ràng từ khâu phê duyệt ban đầu dự án đã không được kiểm soát chặt chẽ. “Tôi cho rằng phải tiếp tục cụ thể hóa chi tiết hơn nữa nội dung này trong Luật. Đặc biệt, việc kiểm soát phải được quy định trong Luật bằng những quy định cụ thể với những chế tài xử lý vi phạm rõ ràng”, đại biểu đề xuất.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) lại cho rằng, lĩnh vực đầu tư công tuy đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn bằng nhiều biện pháp nhưng tình hình thực tế vẫn chuyển biến chậm, ước cả năm giải ngân được 84% kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến mới đạt 30% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có nguyên nhân do Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định, nhiều bước thủ tục, mất nhiều thời gian thực hiện.
Trước thực trạng trên đại biểu đề nghị, Chính phủ cần sớm rà soát trình Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư công trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn vị, tăng cường giám sát và có các chế tài xử lý nghiêm minh.
Cũng theo đại biểu, việc tuân thủ các quy định Luật Đầu tư công trong lập, phê duyệt, phân giao vốn chưa được quán triệt đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc dẫn đến tiến độ thực hiện đầu tư công trung hạn còn rất chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn vốn để đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, còn lượng vốn lớn chưa được phân, giao cho các bộ, ngành, địa phương. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA thấp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án, công trình. Vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá việc thực thi pháp luật về đầu tư công, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan./.