Ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, người dân tỏ rõ sự hứng khởi về cuộc sống mới với một khí thế và quyết tâm thi đua mới.
Đường giao thông nông thôn TX.Long Khánh hình thành từ phương thức xã hội hóa. Ảnh: Hoàng Long |
Thi đua xây dựng nông thôn mới
Sau 4 năm vượt khó cộng với hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông Nguyễn Tấn Tài ngụ ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) không những thoát nghèo mà còn có cuộc sống mới khá giả. Theo ông Tài, gia đình ông được đổi đời chính là nhờ một phần từ chương trình giảm hộ nghèo của xã. Từ cặp dê sinh sản ban đầu mua từ nguồn vốn do xã hỗ trợ, đến nay đã phát triển thành đàn hàng chục con giúp ông sửa chữa lại nhà, sắm mới đồ đạc, đóng góp làm đường, xây nhà văn hóa ấp.
Còn ông Đỗ Văn Cho ở ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới. ông Cho đã hiến 2 ngàn m2 đất và 80 triệu đồng cho huyện mở rộng đường liên xã Hưng Lộc - Lộ 25 dài 8km và cho xã làm con đường ấp Hưng Nghĩa dài 1km. Nêu gương ông Cho, nhiều người dân cũng tự nguyện hiến đất cho Nhà nước làm đường mà không đòi hỏi bồi thường. Ông Cho còn hiến thêm 400m2 đất và 20 triệu đồng để xây dựng nghĩa trang, đồng thời tặng dàn nhạc 70 triệu đồng cho nhà văn hóa xã.
Trong khi đó, ông Vũ Trọng Hiệp, một nông dân không mấy giàu có ở ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) cũng tự nguyện hiến 1,5 sào đất và số tiền 15 triệu đồng cho xã làm đường xây dựng xã nông thôn mới. Ông Hiệp cho biết: “Nếu tính 1,5 sào đất theo giá đền bù của Nhà nước thì gia đình tôi sẽ nhận được số tiền bồi thường khoảng 200 triệu đồng, nhưng vợ chồng tôi đều nhất trí hiến cho xã làm đường vì lợi ích chung”. Nhìn con đường số 3, ấp Suối Quýt dài gần 2,5km, rộng 8m khang trang góp phần giúp xã Cẩm Đường sắp được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, ông Hiệp xúc động nói: “Đó là niềm vui lớn nhất với tôi”.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới còn có sự chung sức của đông đảo đồng bào có đạo, các tăng ni phật tử và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình trong số đó là gia đình ông Phan Văn Sum, một gia đình có đạo ngụ ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom). Ngoài hiến hơn 50m dài đất mặt tiền và tài sản trên đất để mở rộng đường, ông Sum còn dùng tiền tiết kiệm dành phụng dưỡng cha mẹ lúc về già lên tới trên 100 triệu đồng để cho nhiều hộ vay đóng làm đường không lấy lãi.
Khen thưởng kịp thời
Công tác thi đua - khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới được tỉnh đặc biệt coi trọng và đã tạo được kết quả cụ thể. Đến nay đã có 63/136 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/136 hoàn thành từ 15 - 18 trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới và dự kiến về đích ngay trong năm nay. Chính phủ đánh giá Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất nước. Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của cả nước có 2 đơn vị cấp huyện là TX.Long Khánh và Xuân Lộc đã về đích sớm chương trình nông thôn mới.
Theo Trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Đặng Thanh Thủy, trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện rất nhiều điển hình tiêu biểu là các tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên và cả những người dân bình thường. Các điển hình sau khi được tuyên dương khen thưởng đã nhanh chóng tạo sức lan tỏa rộng khắp.
Phó bí thư Thị ủy, Quyền Chủ tịch UBND TX.Long Khánh Hồ Văn Nam chia sẻ, ngoài những bài học về đoàn kết, phát huy dân chủ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thì việc khơi dậy khí thế thi đua trong dân để xây dựng thành công nông thôn mới là những bài học vô cùng quan trọng với thị xã.
Trong khi đó, các huyện Thống Nhất và Long Thành cũng đang tiến sát đích để trở thành những huyện nông thôn mới tiếp theo của tỉnh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Văn Chiến cho biết nhờ phát động hiệu quả phong trào thi đua, nhất là việc nhân rộng các điển hình tiên tiến xây dựng nông thôn mới trong đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số nên 5 năm qua, huyện đã huy động được 11,4 ngàn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn xã hội hóa là gần 65%. Đến nay, có 8/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2 xã còn lại đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và huyện sẽ phấn đấu để trong năm nay được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thi đua xây dựng nông thôn 4 mới Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh Trần Minh Phúc, cho biết toàn tỉnh đã và đang nỗ lực để trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020, trong đó sẽ tập trung thi đua để thực hiện chủ trương “Nông thôn 4 mới”, đó là: Nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới và động lực mới. Chính vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ dành sự quan tâm lớn hơn nữa cho công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới nhằm làm xuất hiện nhiều hơn nữa những điển hình về hiến đất, của cải để làm đường, xây trường học, xây nhà cho người nghèo... |
Theo Công Nghĩa/baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã