Như vậy, đến cuối năm 2017, Châu Thành đã có 4/9 xã đạt các tiêu chí xây dựng NTM.
Trong giai đoạn mới, huyện Châu Thành chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gắn với xoá đói giảm nghèo bền vững |
Huyện Châu Thành nằm ở cửa ngõ đi vào trung tâm TP Rạch Giá, thuận lợi về giao thông, giao thương hàng hóa, phát triển công nghiệp chế biến, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để huyện đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
Theo ông Việt, đến hết năm 2016, huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM, đã được công nhận chính thức là Mong Thọ A và Mong Thọ. Các xã còn lại, có 3 xã đạt 15 tiêu chí, 4 xã đạt 10-14 tiêu chí. Như vậy, qua 5 năm triển khai, xã tăng ít nhất được 5 tiêu chí, nhiều nhất 11 tiêu chí. Nếu xét bình quân chung, toàn huyện đạt 14,78 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của tỉnh.
“Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân, trở thành phong trào rộng khắp. Qua đó, đã phát huy nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao”, ông Việt đánh giá.
Tuy nhiên, kết quả giai đoạn 2011 - 2015 chưa đạt được như kế hoạch đề ra (có 2/9 xã đạt tiêu chí NTM). Các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trường học, môi trường đạt thấp. Nhiều xã tập trung chủ yếu cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cũng còn một số tiêu chí thiếu bền vững như môi trường, nhà ở dân cư, tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế. Tiêu chí thu nhập và giảm nghèo chưa vững chắc. Môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch của địa phương.
Bước sang giai đoạn mới, Châu Thành tăng tốc xây dựng NTM, với mục tiêu hàng năm tăng thêm ít nhất 1 xã hoàn thành chuẩn NTM, để đến cuối năm 2020 toàn huyện có 6/9 xã đạt chuẩn, các xã còn lại đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Riêng đối với xã đã được công nhận phải không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, để khi tái thẩm định không bị rớt lại.
Khóm Tắc Cậu, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Châu Thành đã được chứng nhận nhãn hiệp tập thể và là sản phẩm du lịch của địa phương |
Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Châu Thành cho biết: “Quan điểm của huyện là quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra nhưng không nóng vội, chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng ngoài kế hoạch; kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm theo từng năm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng. Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình theo từng tiêu chí, từng nội dung cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa phương”. |
Cụ thể, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Châu Thành phân kỳ thực hiện cho các địa phương như sau: Mong Thọ A (năm 2015), Mong Thọ (2016), Mong Thọ B và Vĩnh Hòa Hiệp (2017), Giục Tượng (2018), Minh Hòa (2019), Vĩnh Hòa Phú (2020). Sau năm 2020 là các An Bình và Thạnh Lộc.
Để tạo động lực cũng như tiềm lực kinh tế cho các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Châu Thành tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai chương trình, trên cơ sở lựa chọn một số nội dung tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân để ưu tiên tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực thực hiện.
Theo đó, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, ấp như giao thông, trường học, nước sạch, thủy lợi, điện; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn gắn với xoá đói giảm nghèo bền vững. Ưu tiên thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa, hợp tác hóa; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi, đảm bảo phát triển hàng hoá bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tham gia xây dựng NTM.
Phấn đấu đến năm 2020, huyện sẽ nâng mức thu nhập của dân cư nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5 - 2%/năm theo chuẩn hộ nghèo mới, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%, giải quyết việc làm từ 2.000 - 2.500 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%...
Nhận định giai đoạn 2016 - 2020, cả nước chỉ còn 2 chương trình MTQG nên huyện xác định việc thực hiện NTM phải quyết liệt hơn và đi vào thực chất, nguồn lực đầu tư cũng sẽ tập trung hơn.
UBND huyện Châu Thành dự kiến cơ cấu huy động nguồn vốn cho giai đoạn mới như sau: ngân sách Trung ương trực tiếp và lồng ghép là 99,5 tỷ đồng, ngân sách điạ phương 237,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 175 tỷ đồng, huy động người dân 60 tỷ đồng (gồm tiền mặt, ngày công và hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng) và vốn xã hội hóa 20 tỷ đồng. Nhu cầu tổng nguồn vốn vào khoảng 592 tỷ đồng, chưa bao gồm các nguồn vốn đầu tư chuyên ngành khác và vốn ngân sách cấp trên, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để phát triển hạ tầng kỹ thuật. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã