Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực tế tại tỉnh Phú Yên cho thấy, việc xác định những sản phẩm có lợi thế của từng địa phương là không khó nhưng để sản phẩm đó có chỗ đứng trên thị trường là điều không dễ dàng.
Xác định sản phẩm có lợi thế của từng địa phương ở Phú Yên là không khó nhưng để sản phẩm đó có chỗ đứng trên thị trường là điều không dễ dàng. |
2 năm nay, bên trong cơ sở sản xuất rượu tằm của Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên xuất hiện nhiều cái chum lớn. Bên trong chum là hình ảnh khá lạ mắt với nhiều người. Đó là những con tằm đang được ngâm trong rượu gạo.
Theo y học cổ truyền, rượu tằm có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Đây là sản phẩm đặc thù mà Hợp tác xã Hòa Phong đã lựa chọn để phát triển theo chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Phú Yên.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong, huyện Tây Hòa cho biết, sản phẩm này làm toàn bằng truyền thống. Rượu cũng do hợp tác xã tự nấu ra. Men nàng thơm cũng đem ủ chiết ra cũng làm từ truyền thống. Rượu này uống để giải độc gan, giải độc tố, uống cho mát gan, trị hết nóng.
Xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa là nơi duy nhất ở tỉnh Phú Yên có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh việc bán kén như lâu nay, 43 hộ dân của làng nghề có thêm cơ hội để gắn bó với nghề. Bây giờ người trồng dâu nuôi tằm còn bán được tằm với giá 100.000 đồng/kg cho Hợp tác xã Hòa Phong, mang lại nguồn thu nhập mới đáng kể từ nghề truyền thống.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Phú Yên chọn những sản phẩm có lợi thế, được sản xuất theo chuỗi giá trị. Đó là các sản phẩm bánh tráng Đông Bình, nước mắm Mỹ Quang, gạo An Nghiệp...
Quy trình sản xuất hoàn thiện, gắn liền với những làng nghề truyền thống có tiếng nên bước đầu, các sản phẩm này đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra sự thay đổi như mục tiêu của đề án là mỗi xã một sản phẩm, cần phải được thị trường chấp nhận.
Ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang hỗ trợ người dân tham gia và gắn kết với chương trình.
Lâu nay, việc xây dựng thương hiệu, làm mã vạch cho sản phẩm gần như là khoảng trống đối với những cơ sở sản xuất ở vùng nông thôn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đòi hỏi phải nâng giá trị sản phẩm của địa phương. Để có được điều đó, các sản phẩm cần đầu tư chiều sâu, chứ không nhất thiết phải có nhiều sản phẩm lợi thế./.
45.000 tỷ đồng thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"