Học tập đạo đức HCM

Con đường của gã "điên" trồng sim dại thu 2 triệu đồng/ngày

Thứ năm - 27/07/2017 03:07
Cho đến trước khi thu được thành quả là bỏ túi 2 triệu đồng nhờ trồng sim dại, 1 năm trước đây, anh nông dân Phan Thanh Nhàn ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại làm việc ngược lại là... phá hàng chục ha rừng keo để đưa cây sim hoang dại về trồng.

Việc làm của anh Nhàn được nhiều người đánh giá là “điên” nhưng trò chuyện với anh chúng tôi mới biết, cái sự “điên” đó chứa đựng những tính toán kỹ càng về một hướng làm giàu mới lạ…

Phá keo trồng sim

Về xã Quảng Tiến, hỏi nhà nông dân Phan Thanh Nhàn ai cũng biết. Không chỉ vì anh là một nông dân sản xuất giỏi có tiếng ở địa phương mà mới đây, anh đã có “phát kiến” mới, đó là phá keo để trồng sim.

Năm nay vừa bước vào tuổi 40, nhưng vợ chồng anh Nhàn đã có một cơ ngơi khá vững chắc nhờ siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó. Những năm 2000 – 2002, vợ chồng anh Nhàn bắt đầu mua đất, khai hoang để trồng rừng kinh tế. Sau nhiều năm quăng quật với những quả đồi trọc đá nhiều hơn đất, vợ chồng anh Nhàn đã gây dựng được một trang trại trồng rừng rộng hơn 15ha. Những năm gần đây, nhờ bán được những lứa gỗ keo, vợ chồng anh đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang, mua sắm được xe ô tô và nuôi 2 con ăn học đầy đủ…

 con duong cua ga 'dien' trong sim dai thu 2 trieu dong/ngay hinh anh 1

Anh nông dân Phan Thanh Nhàn với quyết tâm làm giàu từ việc trồng sim rừng. Ảnh: P.P

Những tưởng, với thành công và nguồn thu ổn định từ rừng keo, vợ chồng anh Nhàn sẽ tiếp tục duy trì mô hình làm ăn này. Nhưng đầu năm 2015, người dân Quảng Tiến mắt tròn, mắt dẹt thấy anh Nhàn thuê người về chặt phá vườn keo để chuyển dần sang trồng sim. Hàng chục người dân địa phương được vợ chồng anh Nhàn thuê lên đồi, vào rừng đào cây sim dại về trồng ở 2ha rừng keo vừa được chặt phá, cày xới lại đất. “Tôi thuê 200.000 đồng/công để mọi người đi bứng sim dại về trồng cho tôi” – anh Nhàn nói.

Theo anh Nhàn, công việc trồng sim lúc đầu cũng không dễ dàng gì. Do là cây dại, trước đó chưa có ai ươm giống sim, anh phải thuê người đi đào cây sim ngoài tự nhiên về trồng nên tốn công, tốn của. “Để cây sim sống được, phát triển nhanh tôi phải trả công cao để người làm công lúc đi đào sim giống phải bứng được cả bầu đất. Cây sim ngoài tự nhiên bây giờ cũng không còn nhiều, phải đi nhiều nơi, bứng nhiều chỗ mới đủ lượng sim giống đem trồng. Để trồng được 2ha sim (khoảng 2 vạn gốc) ban đầu, vợ chồng tôi phải bỏ vào đó hơn 200 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tắm…” – anh Nhàn chia sẻ.

Trồng sim tiêu thụ đi đâu?

Thực ra, không phải ngẫu nhiên, vợ chồng anh Nhàn đi phá rừng keo đang cho thu nhập khá để trồng sim. Trước lúc có quyết định táo bạo này, nhiều năm qua anh Nhàn đứng ra thu mua sim ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh cho người bạn ở TP.HCM để làm nguyên liệu sản xuất rượu vang. Anh Nhàn cho biết, những năm trước đây, mỗi vụ sim rừng anh thu mua hàng trăm tấn sim của bà con khắp vùng đi hái về. 

 Theo các bác sĩ đông y, cây sim rừng là một loại thuốc quý, quen thuộc trong nhiều bài thuốc dân gian. Ngoài ra hiện nay, sim rừng được làm nguyên liệu để chiết xuất nhiều sản phẩm  như trà, rượu, mật, sirô... người ta còn chiết xuất phần tinh chất từ thân cây sim để chế biến thành các loại mỹ phẩm như nước hoa, xà phòng...

Ngoài ra, các bộ phận của cây sim rừng, từ thân, lá, rễ đến quả, hoa còn là những vị thuốc tốt đối với sức khỏe. Theo một nghiên cứu gần đây, sản phẩm từ sim rừng có thể giúp cải thiện khả năng “gối chăn” của các đấng mày râu.

Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, lượng sim thu mua được ngày càng ít đi, nhiều nơi dù được trả giá khá cao nhưng nhiều đầu nậu đã phải trả lại tiền cho anh vì không thu mua được.

Tìm hiểu nguyên nhân, anh Nhàn được biết, hiện đất đồi hoang hóa ngày càng bị thu hẹp, người dân đã khai hoang hết để trồng rừng và các loại cây trồng khác nên cây sim đã không còn đất để sống. Ngay như ở Quảng Tiến quê anh, những năm trước sim mọc khắp nơi, từ chân núi tới đỉnh đồi nơi nào cũng thấy sim. Nhưng giờ cây sim ngày càng cạn kiệt…

Những ngày đi khắp các bản làng, vùng quê miền núi để mua quả sim, anh Nhàn trăn trở nhiều lắm. Theo người bạn của anh, nhu cầu quả sim để làm nguyên liệu cho việc sản xuất rượu và dược liệu hiện nay rất lớn. Hàng năm các nhà máy ở TP.Hồ Chí Minh có nhu cầu thu mua hàng ngàn tấn sim nguyên liệu để sản xuất.

Cây sim vốn là cây dại mọc rất nhiều nơi, đặc biệt là những vùng đồi cằn cỗi, nơi ít có loài cây nào sống. Vậy tại sao mình không trồng cây sim như những loại cây trồng khác trong khi hiệu quả kinh tế của nó đem lại không hề thua kém bất kỳ một loại cây trồng nào khác? Anh Nhàn tự đặt câu hỏi.

 con duong cua ga 'dien' trong sim dai thu 2 trieu dong/ngay hinh anh 2

Cánh đồng sim 2ha của anh Nhàn bắt đầu cho trái. Ảnh: Phan Phương

Trăn trở, suy nghĩ và sau khi tính toán kỹ, anh Nhàn đã bàn với vợ quyết định phá rừng keo để trồng sim. “Tôi tính kỹ rồi, cứ lấy giá trị thấp nhất thôi, trung bình mỗi bụi sim nếu chăm sóc tốt mỗi vụ  cho từ 1 đến 3kg quả. Với diện tích hơn 2ha hiện nay (khoảng 20.000 cây), mỗi vụ sim tôi cũng thu hoạch được từ 20 đến 60 tấn sim. Với giá sim hiện nay, tôi cũng lấy giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg, mỗi vụ 2ha sim đó cũng có thu từ 200 đến 600 triệu đồng” – anh Nhàn tính toán.

Theo anh Nhàn, thực tế cây sim rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và mật sim nhiều hơn. Cây sim khi đã trồng sống thì cứ ung dung thu hoạch hằng năm, bởi khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại thành một gốc sim sung mãn. Nếu đủ phân bón, sim sẽ cho trái quanh năm. Đặc biệt, ở dải đất miền Trung, với các cây trồng khác như keo, cao su… người dân lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy thì cây sim chắc chắn sẽ không hề hấn gì vì nó là cây bụi thấp.

Anh Nhàn cho biết, những năm tiếp theo, vợ chồng anh sẽ tiếp tục “chuyển đổi” hết 15ha rừng keo của gia đình sang trồng sim. “Có thể vợ chồng tôi sẽ mua thêm đất ở những vùng đồi cằn cỗi để trồng thêm sim, biến vùng đất Quảng Tiến thành một vùng nguyên liệu sim cung cấp cho đối tác ở  TP.HCM. Chưa hết, với những đồi sim được trồng thành cánh đồng, đến mùa hoa sim nở, những quả đồi dài tít tắp đầy ắp sắc tím của hoa sim đẹp vô cùng. Khi ấy, không chừng khách du lịch kéo đến đây để du lịch ngắm hoa, vợ chồng tôi lại có thêm nguồn thu từ phát triển dịch vụ…” – anh Nhàn trải lòng.

Đánh giá về mô hình trồng sim của vợ chồng anh Nhàn, ông Phạm Minh Thông – Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Trạch nói: “Cây sim là loại cây dại nhưng vốn không xa lạ gì với người dân Quảng Bình. Có thể nói nó có sức sống khá mãnh liệt và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, đặc biệt là những vùng đất cằn cỗi không thể trồng được cây gì. Việc vợ chồng anh Nhàn đưa loại cây này vào trồng với những thành công bước đầu sẽ giúp bà con nông dân và địa phương có thêm một loại cây trồng mới để chuyển đổi”.

Thu bộn tiền từ sim dại

Mới sau hơn 1 năm trồng, những ngày này vườn sim dại rộng hơn 2ha của anh Phan Thanh Nhàn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Nhàn cho biết, đây mới là vụ thu hoạch đầu tiên nên cây sim cho quả chưa như ý muốn. Tuy vậy, 5 ngày qua gia đình anh cũng tập trung thu được hơn 5 tạ quả.

Quả sim hiện có giá giao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, 5  ngày qua anh Nhàn đã thu về hơn 10 triệu đồng, trong khi đó vườn sim của anh Nhàn phải thu hoạch đến hơn 1 tháng nữa mới hết quả. “Mới vụ đầu tiên nên cây sim cho quả chưa nhiều, nhưng tính ra nếu thu hoạch hết thì vụ sim này tui cũng thu được trên dưới 100 triệu đồng, bằng tiền thu hoạch 2 ha keo, trong khi cây keo phải hơn 5 năm mới cho thu hoạch.” – Anh Nhàn chia sẻ.


Theo: Phan Phương/danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập219
  • Hôm nay28,279
  • Tháng hiện tại869,480
  • Tổng lượt truy cập93,247,144
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây