Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp là hình thức đầu tư được thực hiện giữa Nhà nước với doanh nghiệp (DN) để xây dựng cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Tại cuộc họp thường niên giữa năm của nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam ngày 16/8, Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững (PSAV), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, phối hợp giữa các trưởng nhóm công và tư chưa thực sự chặt chẽ, tham gia các hoạt động là tự nguyện nên các thành viên chưa nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm để có cam kết rõ ràng.
Các nhóm chưa thu hút thêm được thành viên hợp tác mới, đặc biệt là các DN trong nước. Các dự án tại các địa phương thường có quy mô nhỏ, chưa có sự phối hợp nhiều công ty cùng thực hiện dự án…
Cụ thể, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (đại diện nhóm công tác hồ tiêu và gia vị) chia sẻ nhóm đã theo dõi xu hướng và dự báo sớm về các thị trường xuất khẩu (XK), xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững. Tuy nhiên, đầu tư của DN tư nhân trong nước vẫn còn thấp, thiếu ổn định. Trong khi đó, XK của DN hiện mang tính chất thu gom là chính, thiếu vùng sản xuất an toàn.
Đồng thời, quá trình triển khai chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. DN phải đi tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân. Trong khi đó, hiện nay, diện tích hồ tiêu phát triển gấp ba lần diện tích quy hoạch, nguồn cung tăng, giá tiêu giảm mạnh. Điều này đòi hỏi có sự liên kết, chia sẻ của DN trong việc chăm sóc vườn cây, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (nhóm công tác chè), khác với các nhóm khác, nhóm này hiện nay có 29 DN Việt Nam tham gia và triển khai các mô hình hợp tác PPP. Tuy nhiên, ngành chè hiện nay rất xáo động do tác động của việc thay đổi tỷ giá.
"Hơn một tháng nay, bán chè rất khó do giá đồng USD quá cao, đè nặng lên DN trong nước. Bán chè chậm nhưng DN vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân. Vì vậy, các DN kiến nghị Nhà nước bảo hộ đầu tư – tức là không cấp phép mở thêm nhà máy chè", bà Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, ngành chè đang phát triển đặc sản chè cổ thụ nhưng xuất hiện tình trạng DN đứng tên là người Việt Nam nhưng lại đưa thương lái Trung Quốc vào mua với giá cao hơn nhiều so với giá DN trong nước, gây khó khăn cho DN trong việc thu mua nguyên liệu.
Ngoài ra, chính sách thuế VAT áp lên chè xuất khẩu cũng gây trở ngại lớn đối với ngành chè. Theo bà Hồng, 80% sản lượng chè là XK. Các DN XK chè phải chịu thuế VAT, 8 tháng sau mới được hoàn thuế. Thủ tục xử lý rất lâu trong khi nguồn vốn bị giữ khiến DN rơi vào tình cảnh rất khó khăn.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (nhóm công tác rau quả), cũng cho biết vừa qua, nhóm này đã kết nối DN cùng hợp tác với các cơ quan áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng (miền Nam) và ở Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội (miền Bắc).
Mô hình sản xuất khoai tây do công ty Pepsico Việt Nam thực hiện giúp năng suất tăng từ 7-8 tấn/ha năm 2007 lên 22 tấn/ha năm 2017, diện tích dự án từ 55ha năm 2010 lên 455ha năm 2017, số hộ được công ty hỗ trợ đạt 580 hộ…
Bên cạnh đó, ông Đức cũng thừa nhận đối với nhóm công tác rau quả, số lượng thành viên rất hạn chế, hoạt động của nhóm còn ở quy mô khá nhỏ, mới chỉ tập trung ở khoai tây, ngô mà chưa mở rộng ra các ngành khác. Đơn cử, quy mô dự án thí điểm trên khoai tây rất nhỏ, chưa mở rộng được diện tích ở các tỉnh khác và các công ty cùng áp dụng.
Trong khi đó, ngành rau quả là ngành có tiềm năng phát triển với giá trị XK không ngừng tăng mạnh. Điều này đặt ra thách thức cho nhóm công tác rau quả cần mở rộng lĩnh vực hoạt động cùng đóng góp vào sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam.
Hợp tác công – tư nâng cao giá trị ngành nông nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi |
Cải tiến cách thức hoạt động
Đại diện nhóm công tác rau quả, ông Đức đề xuất huy động thêm DN và nhà đầu tư trong nước, đặc biệt các đối tác liên quan tới sản xuất và chế biến trái cây, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao như Central Group, Đồng Giao, Tập đoàn TH, Lavifood, FineFruit…
Đồng thời, lựa chọn một số DN lớn, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương rà soát lại quy hoạch rau quả tại các vùng có lợi thế cạnh tranh, đề xuất quy hoạch phát triển chính sách hỗ trợ cho các cụm liên kết ngành gắn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, logistics, chuỗi lạnh, thương mại sản phẩm rau quả.
Ngoài ra, phối hợp giữa các thành viên trong nhóm và lấy ý kiến DN để sửa đổi, hoàn thiện và phổ biến bộ tiêu chuẩn sản xuất rau quả bền vững.
Đối với ngành chè, hiện nay có ban chỉ đạo phát triển bền vững nhưng hoạt động kém hiệu quả, đáng lẽ một năm họp hai lần nhưng cố lắm mới được một lần.
Bà Hồng kiến nghị, thành lập một ban thư ký hỗ trợ kết nối các hoạt động giữa nhóm chè với Bộ NN&PTNT, trong đó hỗ trợ nhóm chè trong việc kết nối trực tiếp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của nhóm.
Để đẩy mạnh hợp tác PPP, ông Dương cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với địa phương để làm sao khi DN đã vào, liên kết được với bà con, phía địa phương khuyến khích bà con khi có sản phẩm sẽ bán cho DN. "Sự vào cuộc của địa phương là hết sức quan trọng đối với các DN và đảm bảo có rất nhiều DN Việt Nam sẽ tham gia đầu tư", ông Dương nhận xét.
Trước phản ánh của các nhóm công tác, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh ngành nông nghiệp luôn xem DN có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thúc đẩy phát triển thị trường, đặc biệt là tạo ra chuỗi giá trị cao và bền vững. Việc thành lập nhóm công tác PPP nhằm thu hút sự tham gia của DN trong chuỗi sản xuất nông sản là cần thiết.
Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động còn lúng túng, nặng hình thức, thiếu nội dung cụ thể, đặc biệt là cơ chế hợp tác; một số mô hình tốt nhưng nhân rộng hạn chế so với quy mô của ngành nông nghiệp. Do đó, các nhóm phải tiếp tục cải tiến cách thức, cơ chế phối hợp để hoạt động hiệu quả.
Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn
Bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, công ty Nestlé Việt Nam Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ đối thoại chính sách của khối tư về các đề xuất liên quan tới quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho ngành cà phê hoặc trồng cây xen, ứng dụng công cụ thu thập thông tin về mã số và giám sát vùng trồng của toàn ngành cà phê. Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (nhóm công tác rau quả) Thời gian tới, nhóm đề xuất lựa chọn một số DN liên kết với các tổ nhóm nông dân/HTX xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất với chế biến, chuỗi lạnh, logistics cho các sản phẩm chiến lược, lấy đây làm cơ sở để nhân rộng ra các sản phẩm và các địa phương khác. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cho ngành rau quả với các thông tin như thị trường, môi trường đầu tư, hồ sơ DN tiềm năng và các chính sách ưu đãi trong ngành, xây dựng cơ chế hỗ trợ kết nối giữa các đối tác trong ngành rau quả. Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PPP là hợp tác đối tác công – tư. Vì vậy, khu vực công cần phải xem lại vai trò, trách nhiệm của mình để gắn kết với bên tư một cách mạnh mạnh mẽ hơn, hỗ trợ thực sự cho DN. Thông qua đó, các cơ quan của bộ phản hồi cho lãnh đạo bộ, từ đó kiến nghị lên Chính phủ những nguyện vọng của DN. Phải làm sao để DN khi nghe thấy mô hình PPP của Bộ NN&PTNT mà không vào thì cảm thấy "ngứa ngáy, không chịu được". |