Trong khi đó, chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của HTX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, còn phân bổ theo cơ chế “xin cho”. Quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. Việc xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Việc củng cố HTX, tổ hợp tác là một trong những định hướng quan trọng. Điều đó yêu cầu hành động cụ thể, cách làm cụ thể. Điều cần quan tâm nhất và cũng là vướng mắc nhiều nhất hiện nay là việc hoàn thiện thể chế chính sách.
Đây là gốc của vấn đề đối với HTX. Vấn đề quan trọng nữa là tổ chức lại sản xuất. Cần có sự chỉ đạo phát triển chuỗi giá trị, có sự phân công và hợp tác từ doanh nghiệp, Liên minh HTX và các HTX, tổ hợp tác.
Cần quan tâm, tập trung nhất vẫn là HTX nông nghiệp, hiện chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng HTX toàn quốc. Hiện nay, hỗ trợ đầu vào đối HTX là chủ yếu (chiếm 89%), cần tiếp tục hỗ trợ đầu ra tốt hơn (hiện chiếm 11%).
Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số văn bản mới. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 năm 2018 thay thế Nghị định 210 năm 2013 về đầu tư trong nông nghiệp. Nghị định 55 về tín dụng nông nghiệp sẽ được sửa đổi, trong đó có nội dung về tài sản thế chấp, hỗ trợ HTX vay vốn…
Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để trình Thủ tướng ban hành.
Tinh thần là kiên trì xây dựng HTX và Liên minh HTX kiểu mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành cần quan tâm, có chương trình phát triển HTX. Phát triển HTX nhiều loại hình nhưng tập trung củng cố, phát triển HTX nông nghiệp, phục vụ bà con nông dân và ngư dân.
Về các kiến nghị cụ thể của Liên minh HTX Việt Nam, Chính phủ cơ bản ủng hộ kiến nghị của Liên minh với tinh thần tạo mọi điều kiện để cả hệ thống làm tốt chức năng, để HTX phát triển.
http://thoibaokinhdoanh.vn