Đó là niềm vui được mùa vải của nông dân huyện Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) hay lãnh đạo Đồng Tháp xắn tay cùng nông dân lo chuyện tiêu thụ nông sản và phát triển nông nghiệp. Đó là những tín hiệu cho thấy có chuyển động mạnh mẽ trong tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Với những vựa vải Thanh Hà và Lục Ngạn, năm nay trúng mùa vải với sản lượng cao nhất 5 năm nay nhưng người nông dân không vì thế mà lo đầu ra. Vải Lục Ngạn giờ đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc cho phép tường tận lý lịch quả vải từ lúc mới ra hoa trên cây đến khi ra những chùm quả đỏ au kết tinh tâm lực của nông dân. Vải Thanh Hà cũng vậy, với những vườn được thiết kế trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân không cần mở sổ theo dõi cũng biết tỏ tường cây nào được bón phân hữu cơ ngày nào.
Trong khi đó tại Đồng Tháp, cả hai lãnh đạo cao nhất tỉnh là Bí thư Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tuần rồi đã chủ trì một hội thảo chia sẻ một số mô hình kết nối giữa nông dân đồng bằng sông Cửu Long với thị trường. Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là người đau đáu với mô hình kinh tế nông nghiệp, Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan chia sẻ, tỉnh Đồng Tháp có một mô hình đặc biệt nhất mà chưa có địa phương nào làm, đó là hội quán nông dân để tập hợp những người cùng có ý chí, hoài bão, tâm niệm, những người muốn thay đổi. Tại đây lãnh đạo tỉnh và nông dân trực tiếp gặp nhau, đối thoại sòng phẳng “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”.
Thừa nhận những đợt giải cứu nông sản vừa qua cho thấy sự bùng nhùng của liên kết “4 nhà”, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, nếu quan niệm nông nghiệp chỉ là một ngành sản xuất, chỉ đánh giá sự phát triển thông qua năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thì không thể thoát ra tình cảnh giải cứu như trong thời gian qua. “Ở nhiều quốc gia khác, người ta định vị ngành nông nghiệp là cơ sở của công nghiệp chế biến và thương mại. Khi và chỉ khi làm tốt hai lĩnh vực chế biến và tổ chức hệ thống tiếp thị, phân phối thì mới thoát ra khỏi cái bẫy đang lùng nhùng như hiện nay”. Và hơn hết để tạo bước chuyển thì người lãnh đạo cao nhất địa phương cũng phải vào cuộc. Đó cũng là chuyện đang xảy ra ở Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh cùng nông dân tổ chức xúc tiến mở thị trường, rốt ráo tìm kênh phân phối cho trái vải, thậm chí ngân sách tỉnh chịu 50% kinh phí.
Kinh nghiệm của Đồng Tháp là lãnh đạo phải đóng vai trò kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Lê Minh Hoan chia sẻ, khi chuyển động từ một nền sản xuất sang một nền kinh tế, mà lại kinh tế thị trường thì không thể không định vị lại và nhận thức đúng đắn vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. “Nếu tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ một nền sản xuất sang một nền kinh tế, mà chỉ quanh quẩn trong bộ máy nhà nước, tư duy của người nhà nước, không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thì rất khó thành công”, ông Hoan nói.
Quang Lộc/baocongthuong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã