Bất cập trong chính sách đất nông nghiệp
Bản báo cáo giám sát khẳng định, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục trong vài ba năm tới.
Trong số những hạn chế kể trên, báo cáo nhận định, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trở ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo luật đến nay đã gần hết nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.
Bên cạnh đó, quy định về công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế) và quyền của người dân có đất bị thu hồi.
Những bất cập được báo cáo chỉ rõ còn bao gồm nguồn lực đầu tư hạn chế, song lại vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả không cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; công tác lập và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế; nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn ở mức cao…
Xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư
Đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát về việc “phải thu thập, xử lý khối lượng thông tin khổng lồ về một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến đại bộ phận dân cư”, song Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, những mặt tích cực và hạn chế được chỉ ra trong báo cáo “là những đặc điểm của hoạt động đầu tư công nói chung, chưa thể hiện đặc thù của đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát, kiểm tra lại một số số liệu thống kê mà ông cho là chưa chính xác...
Tập trung phân tích một số hạn chế, yếu kém, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thì quá nhiều chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt; nơi lại rất thiếu. “Thế nên mới có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái có lại chưa thực sự cần. Chẳng hạn như có xã rất cần giường bệnh thì lại được giao máy tính”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị phân tích, làm sâu sắc thêm những đánh giá về chính sách giảm nghèo; chính sách nâng cao mặt bằng dân trí ở nông thôn; các vấn đề đất đai ở nông thôn… Bà Mai nêu quan điểm: “Nhóm cận nghèo rất đông là đặc điểm của dân cư nông thôn Việt Nam. Nhà nước cần có thêm những chương trình hướng đến nhóm đối tượng này để họ thực sự thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, có một vấn đề rất quan trọng chưa được đánh giá, đó là năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nông thôn. Đầu tư rất lớn mà quản lý không tốt thì không có tác dụng”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Giám sát xong, chúng ta phải có hướng giải quyết cụ thể cho những vấn đề đã nêu như thế nào để không bị coi là chuyện biết rồi nói mãi”.
Trong số các kiến nghị cụ thể của đoàn giám sát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đúng là chưa đủ so với yêu cầu, nhưng đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong ngân sách rồi, khó mà đẩy thêm lên được nữa. Cho nên vấn đề then chốt là phải có chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân… cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý đến cơ cấu đầu tư cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư, không thể xếp cả 19 tiêu chí theo hàng ngang mà rải vốn; cần phải xếp hàng dọc, cái nào bức thiết hơn làm trước.
Không cào bằng hỗ trợ cho mọi loại hình hợp tác xã Bản chất của hợp tác xã (HTX) là một trong những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH đặc biệt quan tâm. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật có cùng quan điểm quy định HTX là một tổ chức kinh tế tập thể tự chủ, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu chung, vì HTX là do các thành viên cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện hợp tác với nhau về tư liệu sản xuất, sức lao động… Cho ý kiến về dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị không cào bằng sự hỗ trợ của Nhà nước với mọi loại hình HTX, cụ thể là nghiên cứu quy định chính sách ưu đãi thuế theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của HTX. Nên tập trung hướng đến hỗ trợ các HTX nông nghiệp do các hộ gia đình tập hợp lại. Nhiều HTX loại này có lãi, nhưng rất thấp, cho thấy đời sống của bà con xã viên rất vất vả. Quy định như vậy cũng sẽ tránh được việc lợi dụng danh nghĩa HTX, trá hình HTX để hưởng chính sách ưu đãi. |
Theo SGGP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã