Học tập đạo đức HCM

Để ngư dân vững vàng bám biển

Thứ ba - 23/01/2018 20:29
Tỉnh Quảng Bình hiện có 113 tổ hợp tác (THT) khai thác hải sản trên biển, giúp ngư dân hạn chế được nhiều rủi ro giữa mênh mông biển cả và cùng nhau chia sẻ niềm vui khi trúng luồng cá. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của mô hình liên kết này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản và bảo quản sản phẩm để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Hỗ trợ nhau kịp thời

Hơn sáu tháng qua, ngư dân Trương Linh, ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn chưa quên khoảnh khắc hiểm nguy khi đang khai thác hải sản trên biển. Đầu tháng 7 vừa qua, tàu cá số hiệu QB 91356TS của ông cùng tám thuyền viên đang đánh bắt ghẹ đỏ ở khu vực biển cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) hơn 80 hải lý thì gặp sự cố. Gió to làm sóng biển đánh mạnh vào thân tàu, nước tràn vào khoang. Dù đã cố gắng khắc phục nhưng chỉ sau khoảng bốn giờ, chiếc tàu chìm dần.

Nhận được tín hiệu cứu nạn qua bộ đàm, các tàu trong THT của ông Linh đánh bắt gần đó đến ứng cứu, đưa toàn bộ thuyền viên tàu QB 91356TS lên tàu cá QB 91254TS. Các tàu cá trong THT tiếp tục giữ không cho tàu cá bị nạn chìm hẳn, rồi tìm cách hỗ trợ, chung sức kéo con tàu vào bờ. "Tàu cá cứu hộ nhau trong điều kiện sóng to gió lớn rất nguy hiểm và mất nhiều công sức, chi phí, mất thời gian đánh bắt nhưng mọi người trong THT giúp tôi một cách tự nguyện, không tính toán thiệt hơn", ông Trương Linh chia sẻ.

Trước đó cuối tháng 3-2017, tàu cá QB 3969TS của anh Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Hải Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang hoạt động trên biển thì bị một tàu hàng lớn va vào. Chiếc tàu cá bị nghiêng và chìm rất nhanh. Sáu ngư dân rơi xuống biển đã bám vào chiếc thúng và phát tín hiệu cầu cứu. May mắn, hai tàu cá trong THT đến ứng cứu kịp thời, đưa sáu thuyền viên vào bờ an toàn.

Đó hai trong số nhiều vụ tai nạn khi đánh bắt trên biển mà các tàu trong THT của ngư dân Quảng Bình cứu hộ, cứu nạn nhau. Trong trường hợp vượt quá khả năng, họ mới cần tới sự trợ giúp của lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp. Ngư dân Nguyễn Văn Dương, ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết, thông thường người dân ra khơi theo đội hình các tàu thành viên trong THT để có bạn, có anh em trên biển. Không chỉ hỗ trợ nhau trong việc dò tìm luồng cá, tìm kiếm ngư trường, chia sẻ nguồn lợi, mà quan trọng là giúp đỡ nhau khi có sự cố. “Giữa mênh mông biển cả, các tàu cá đi gần nhau, trên nóc là lá cờ Tổ quốc tung bay cũng thấy ấm lòng và tràn đầy niềm tin tưởng, tự hào”, anh Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Bình Lê Văn Lợi cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của THT trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển bởi họ hoạt động cùng nhau trên cùng một ngư trường, trong khoảng cách gần nhau cho nên có thể hỗ trợ nhau kịp thời. Không ai cứu họ nhanh bằng các thành viên trong tổ, đội. Mỗi năm, có hàng chục trường hợp ngư dân tự cứu nhau, góp phần giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân”.

Tăng thu nhập, yên tâm bám biển

Đến nay, Quảng Bình có 113 THT với gần 900 tàu và gần 7.000 thuyền viên tham gia. Nhiều địa phương có số lượng THT cao như huyện Bố Trạch (36 THT, 325 tàu); TP Đồng Hới (30 THT, 201 tàu); thị xã Ba Đồn (27 THT, 216 tàu)… Bình quân mỗi THT có từ 9 đến 10 tàu cá cùng hoạt động trong một ngư trường dưới sự điều hành của tàu tổ trưởng. Thuyền trưởng có trách nhiệm chỉ đạo chung. Tàu tổ trưởng vừa khai thác hải sản vừa phân công nhiệm vụ cho các tàu khác trong trường hợp THT có sự cố hoặc luân phiên đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ và cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu trong đội.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, qua quá trình sản xuất của các THT cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tàu trong THT bám biển dài ngày hơn, giảm được chi phí ra vào. Nhờ tăng thời gian đánh bắt, sản lượng đánh bắt cũng tăng nhiều và thu nhập bình quân của ngư dân đạt mức 5,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, các hội viên tham gia THT còn đóng góp quỹ để hỗ trợ các thành viên khó khăn với số tiền gần một tỷ đồng.

Năm 2017 được coi là năm được mùa biển của xã Bảo Ninh. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hiếu, toàn xã có 21 THT với 540 tàu; sản lượng hải sản 11.000 tấn, tăng hơn 20% so với năm trước, doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng. Tham gia vào THT và có doanh thu cao sau mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân như anh Nguyễn Công Hoan, Trần Đình Thủy, Mai Văn Đụng, Phạm Văn Tuyển… đã mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng để đóng tàu mới có công suất lớn đánh bắt xa bờ và bám biển dài ngày ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tàu cá ở Bảo Ninh đã thu tiền tỷ trong mỗi chuyến ra khơi.

Chủ tàu Nguyễn Công Hoan cho biết, trong năm 2017, đội tàu của anh thực hiện 10 chuyến đi biển, mỗi chuyến từ 20 đến 30 ngày. Hầu như chuyến nào cũng đạt doanh thu từ một tỷ đồng trở lên. Sau khi trừ các khoản chi phí, khấu hao tài sản thì mỗi bạn thuyền được trả từ 20 đến 30 triệu đồng, tùy theo doanh thu từng chuyến cụ thể. Theo ngư dân Lê Văn Thành, thành viên THT Hồng Xuân (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), THT của anh có chín tàu xa bờ, đều bám biển dài ngày. So với năm 2016 bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển thì năm 2017 là năm đánh bắt trên biển thắng lợi, doanh thu mỗi chuyến từ 800 triệu đến hơn một tỷ đồng. Nhờ vậy, thu nhập của thuyền viên tăng cao, tạo sự phấn chấn, hăng say lao động. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi từ 10 đến 15 ngày các tàu phải quay vào bờ để tiêu thụ sản phẩm và lấy thêm lương thực, nước ngọt, dầu. Bây giờ có tàu khác lo chuyện hậu cần cho nên các tàu yên tâm bám ngư trường dài ngày hơn.

So với tổ đoàn kết thì THT là hình thức liên kết chặt chẽ hơn, có phân công trách nhiệm rõ ràng, có tàu đội trưởng để điều hành hoạt động chung cả tổ. Đây cũng là hình thức liên kết sản xuất trên biển được cấp ủy, chính quyền các cấp tại Quảng Bình ủng hộ, công nhận. Huyện Quảng Trạch, sau khi chia tách thành thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch mới đã nhanh chóng kiện toàn các THT với 94 tàu xa bờ tham gia. Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Đậu Minh Ngọc nhận xét, THT đã phát huy vai trò và năng lực của hình thức liên kết sản xuất tập thể, có sự phân công nhiệm vụ cho các tàu cụ thể và thu nhập được hưởng đúng với sức lao động đã bỏ ra.

Nhiều ngư dân Quảng Bình cho rằng, hiệu quả của THT đã thể hiện rõ, nhưng quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ tháo gỡ. Trước hết, cơ quan chức năng cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và cách điều hành, tổ chức sản xuất cho chủ tàu, thuyền trưởng để họ đủ sức lo cho cả tập thể khi tàu của họ được luân phiên làm tàu tổ trưởng THT mà họ trong vai trò tổ trưởng. Mặt khác, ngư dân cần có sự hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong khai thác và bảo quản hải sản để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn để đóng tàu xa bờ của ngư dân còn cao, nhiều ngư dân đề nghị Nhà nước cần tăng nguồn vốn và hỗ trợ về lãi suất để mua sắm thêm tàu thuyền, ngư lưới cụ để bám biển sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
http://www.nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập738
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại783,235
  • Tổng lượt truy cập93,160,899
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây