Học tập đạo đức HCM

Để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Ninh Bình mang lại hiệu quả (Bài 1)

Chủ nhật - 01/11/2015 23:14
Ninh Bình vốn là tỉnh thuần nông. Từ năm 2005 trở về trước nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh và có tới hơn 85% số lao động địa phương tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng thấp nhất trong thu ngân sách của tỉnh (hơn 16%), công nghiệp, vật liệu xây dựng đặc biệt là du lịch, thương mại và dịch vụ đang trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn ở Ninh Bình.

 

Tuy chiếm vị trí “đội sổ” trong nguồn thu ngân sách địa phương, song nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng bởi số lao động nông thôn tham gia trong lĩnh vực này đông hơn cả và diện tích đất canh tác vẫn chiếm đa số. Nông nghiệp không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc ổn định đời sống của gần một triệu người ở địa phương mà còn tác động đáng kể đến phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Chính vì thế, tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp là một đòi hỏi từ thực tiễn nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nông dân nói riêng và nhân dân nói chung, song làm thế nào để đạt được hiệu quả là chuyện không đơn giản.

Bài 1: Loay hoay tìm điểm bắt đầu trong ngổn ngang bất cập

Có thể nói sau nhiều năm đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở tỉnh Ninh Bình có xu hướng tăng trưởng khá nổi bật. Chỉ tính năm 2014 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng tám nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với 2013. Trong đó, trồng trọt chiếm gần năm nghìn tỷ đồng, chăn nuôi gần hai nghìn tỷ đồng, thủy sản 1.007,5 tỷ đồng. Số còn lại bao gồm lâm nghiệp và dịch vụ nghề nông. "Bình quân tổng sản lượng lương thực hằng năm ở Ninh Bình đạt gần 51 nghìn tấn với diện tích gieo trồng ổn định hằng năm khoảng hơn 110 nghìn ha, trong đó diện tích lúa khoảng 80 nghìn ha" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Vũ Nam Tiến nói.

Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng khoảng gần 108,5 nghìn ha. Riêng diện tích cây lương thực có hạt đạt gần 86,6 nghìn ha. Sau nhiều năm quy hoạch, đến nay tỉnh Ninh Bình bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: nuôi trồng thủy sản ở huyện Kim Sơn, lúa chất lượng cao thuộc huyện Yên Khánh, cây ăn quả nằm trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan.

Một số ý kiến cho rằng với năng suất lúa bình quân khoảng 60 tạ/ha mỗi vụ thì đấy là con số đã kịch trần, không thể hơn được nữa. Cho nên, khi trả lời câu hỏi “làm thế nào để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Ninh Bình đạt hiệu quả” chúng tôi nhận được tới gần 10 câu trả lời. Người thì cho rằng phải tiếp tục chuyển đổi nhanh diện tích theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, có người lại nghĩ nên tiếp tục đưa giống mới vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân nâng thu nhập trên một diện tích canh tác đạt 100 triệu đồng/ha mỗi năm, thậm chí còn cao hơn. Nhưng có người lại nhìn việc bao tiêu sản phẩm mới là mấu chốt của vấn đề bởi nếu sản xuất ra nhiều mà khâu tiêu thụ không đáp ứng được yêu cầu thì nông dân cũng… khóc ròng.

Bài ca “được mùa rớt giá” nhãn tiền đang hiển hiện là nông dân đất Quảng khốn khổ vì dưa hấu giá 500 đồng/kg hay nông dân xã Lạc Lâm (Đơn Dương - Lâm Đồng) đang gặp khó vì giá hành tây chỉ có 800 đồng/kg trong khi phải ở mức bốn nghìn đồng/kg mới có lãi. Lại chuyện nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng khốn khó bởi hành tím chất đầy nhà không tiêu thụ được,v.v.

Rồi cũng có ý kiến thẳng thắn nhìn vào những bất cập trong một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp chậm được thực hiện ở cơ sở bởi còn chờ thông tư, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành để rồi có tới 4-5 năm vẫn nằm trên giấy trong khi thị trường biến động hằng ngày, hằng giờ. “Theo tôi, ngay bộ máy điều hành ở các HTX nông nghiệp cũng mang nhiều bất cập về con người, hạ tầng và cơ chế điều hành chưa hợp lý của chính quyền cơ sở” - anh Vũ Xuân Hùng, cán bộ phụ trách phòng tuyên truyền ở Liên Minh HTX tỉnh Ninh Bình nhận xét.

Chúng tôi thực sự sửng sốt khi nghe Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Mai Văn Luận nói: "Thôi, tốt nhất là đừng tái với chín gì nữa để nông dân tự suy nghĩ trên luống cầy của họ". Rồi anh kể cách đây hàng chục năm, Nho Quan cũng rộ lên chuyện hiện đại hóa nông nghiệp, song tôi hỏi một đồng chí chủ tịch UBND xã là hiện đại hóa nông nghiệp là gì? Anh này trả lời “tỉnh bơ” là đem trâu ra mà thịt để máy cày làm việc!".

Bây giờ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Nho Quan bắt đầu từ cánh đồng mẫu lớn cũng khó thực hiện bởi ruộng đất ở đây manh mún. Một gia đình có tới hơn 10 mảnh ruộng bậc thang giờ vận động dồn điền đổi thửa xuống còn 4-5 khoảnh. Nhưng mỗi khoảng bao gồm mấy thửa sức đâu mà san ủi, kinh phí đâu để làm việc đó? Các xã bán sơn địa như Xích Thổ, Nga Sơn ruộng bậc thang, bờ ruộng bằng cổ tay, mỗi thửa ruộng bằng cái chiếu làm sao mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt như mong muốn? Tuy rằng đến nay, toàn huyện có 18/26 xã thực hiện dồn điền đổi thửa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" và huyện có tới hàng trăm máy cày, máy gặt, hàng chục máy cấy. Song xã nào thực hiện dồn điền đổi thửa thành công thì bình quân cũng có tới ba thửa ruộng/hộ đối với các xã đồng chiêm gồm Sơn Thành, Thanh Lạc, Đức Long, Gia Thủy.

Giờ lại nói về trồng cây gì, nuôi con gì trên đồng ruộng Nho Quan là vấn đề không nhỏ. Sau nhiều năm khô hạn, ruộng đồng khô khốc đưa nhiều cây con vào nhưng không thất bại kiểu này thì cũng thất thu kiểu khác bởi khí hậu khắc nghiệt. Lúc thì mất mùa, vụ được mùa lại thiếu đầu ra. Ví dụ trước đã đưa cây cam, quýt về đây trong ba - bốn năm có cây ra quả nhưng khi bóc ra thì múi không có nước “có thể mang mà kéo sợi” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Mai Văn Luận hóm hỉnh. Cây nào múi có nước thì chua còn hơn chanh. Nhãn lồng Hưng Yên một dạo cũng mang về trồng nhưng có quả thì chỉ có hạt. Cứ bóc lớp vỏ ngoài là đến hạt. Cây ớt cũng đã trồng ở đây, nhưng trồng xong lại đổ đi. Cũng có năm doanh nghiệp chót ký hợp đồng với nông dân nên đành phải mua nhưng vụ sau lại thôi, khiến nông dân nản.

Tuy Gia Viễn là huyện có Khu công nghiệp Gián Khẩu nằm trên địa bàn với hàng chục nghìn công nhân hằng ngày làm việc trong các doanh nghiệp song vẫn là địa phương có 70% số lao động nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện chỉ còn hơn bảy nghìn ha vụ chiêm, hơn năm nghìn ha vụ mùa. Các xã nằm ngoài đê sông Hoàng Long bao gồm: Gia Hưng, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Trung, Gia Tiến, Gia Lạc, Gia Minh, Gia Thanh có hơn một nghìn ha. "Hằng năm sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Gia Viễn là gì" - chúng tôi hỏi. "Đây là điều trăn trở nhiều năm ở địa phương. Huyện xoay vòng đủ thứ" - Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Lê Xuân Minh trả lời. Trước tiên là cây đậu tương rồi đưa cây ớt lên vùng cao thì lại bí đầu ra. Rồi đưa thuốc lá, cây đóp cũng thất bại. Năm 2008-2009 hơn 400 ha đậu tương của huyện bị thất bại vì thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp. Mặt khác, những diện tích gieo trồng ngoài đê khi úng lại bơm còn tốn tiền hơn là bán sản phẩm. Cho nên nhiều năm lận đận, Gia Viễn mới xác định lợi thế là lúa + cá. Khoảng 300 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhưng cho đến nay hoàn toàn là tự phát, người dân thấy hiệu quả thì khoanh vùng nuôi cá, chứ Nhà nước chưa có chính sách gì khuyến khích nông dân.

Không riêng gì Nho Quan, Gia Viễn, nông dân các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô vẫn còn nếp sản xuất nhỏ, manh mún. Mỗi thứ một ít, không trở thành lực lượng hàng hóa lớn để các doanh nghiệp đến thu mua. Nơi này vài trăm tấn đậu tương, nơi kia hàng chục tấn khoai lang,v.v. Ngay cây lúa, cũng có đến ba - bốn loại giống "Công ty chúng tôi đến khổ khi mua lúa của nông dân Kim Sơn" - anh Trần Văn Để - giám đốc Công ty TNHH MTV Huê - Để nói. Mỗi khi tới vụ, vì nhiều loại giống lúa cho nên hay bị lẫn loại khiến khách hàng hạ chất lượng và khó bán trên thị trường.

Có lẽ nguyên căn của việc đưa cây trồng vào đồng ruộng thất bại là do đến bây giờ, Ninh Bình hầu như chưa thực hiện lập bản đồ thổ nhưỡng. "Ba mươi năm trước, khi vào làm việc tại UBND huyện Nho Quan, tôi đã nêu ý kiến cần phải có bản đồ thổ nhưỡng để xem đất đai và khi hậu ở mỗi địa phương có đặc điểm gì mới đưa cây vào trồng" - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Mai Văn Luận giãi bày. Giống như người đi trong rừng mà không có la bàn thì làm sao tìm lối ra? Trong số 146 xã, phường, thị trấn ở tỉnh Ninh Bình hầu như chưa nơi nào có bản đồ thổ nhưỡng chi tiết cho từng vùng, chính vì thế gần 2.500 ha vườn tạp ở Nho Quan cỏ mọc um tùm lãng phí trong khi đất đai không trở thành thế mạnh của huyện miền núi như Nho Quan.

Bên cạnh những bất cập về tập quán canh tác vẫn còn chuyện chính sách về nông nghiệp đến chậm với đồng ruộng và người nông dân. Cụ thể, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ kýngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định khá rõ, "Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp như sau đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân". Tuy nhiên, đến nay các văn bản hướng dẫn cụ thể của bộ, ngành vẫn chưa về tới địa phương, khiến đối tượng được hưởng thụ từ chính sách này vẫn ngóng trông từng ngày.

Một xu hướng không đáng ca ngợi đang hình thành trong một bộ phận nông dân Ninh Bình là sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mong Nhà nước hỗ trợ. Họ đòi hỏi đủ thứ: hỗ trợ giá phân bón, giống, công làm đất, công thu hoạch,v.v. thậm chí có dư luận cho rằng một số hộ nông dân đã xây nhà kiên cố hai - ba tầng mà vẫn muốn gia đình họ nằm trong diện hộ nghèo để hướng chính sách trợ cấp của Nhà nước. Chỉ tính trong hai năm gần đây (2013-2014) Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cứ gần Tết Nguyên đán lại vác đơn ra Hà Nội xin gạo hàng trăm tấn gạo cứu trợ cho những gia đình có "nguy cơ thiếu đói" ở huyện Nho Quan trong khi nơi này không hề bị thiên tai, lũ lụt và vẫn ổn định ở mức bình quân lương thực tính theo đầu người hằng năm khoảng 700 kg/người! "vậy số gạo ấy đi đâu, làm gì?" trả lời câu hỏi của chúng tôi, nhiều người dân Nho Quan cho biết họ dùng vào việc nấu rượu và chăn nuôi.

Theo Đỗ Tấn/nhandan.org.vn


 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập302
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại238,005
  • Tổng lượt truy cập85,145,041
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây