15/04/2013 - 02:50:56
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, bộ mặt nhiều vùng nông thôn trên đất Mường Hòa Bình đang đổi thay rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Thi đua hiến đất làm đường
Là xã miền núi có hơn 80% dân số là người Mường, thu nhập bình quân đầu người thấp, kinh tế chưa phát triển, nhưng khi bắt tay vào XDNTM, xã Yên Mông (TP. Hòa Bình) đặt ra nhiều giải pháp, tích cực huy động các nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo XDNTM, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đi tuyên truyền tới từng xóm, từng hộ để bà con nắm rõ về chương trình cũng như chung tay thực hiện. Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, ở Yên Mông đã xuất hiện những con đường bê-tông kiên cố chạy thẳng tắp, nhiều ngôi trường đạt chuẩn khang trang, khắp nơi người dân hăng hái thi đua sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Mạnh Cần, Phó chủ tịch UBND xã Yên Mông cho biết: “Ngay sau khi bắt tay vào thực hiện XDNTM, xã tiến hành ngay công tác tuyên truyền, bởi đây là công việc rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của chương trình, cái chính là để mọi người dân thấy được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình để cùng tham gia đóng góp, xây dựng”.
Theo ông Cần, chỉ tính riêng phong trào làm đường nông thôn, nhân dân địa phương đã hiến hơn 12.000m2 đất, hàng trăm ngày công và tiền mặt, trong đó hộ hiến nhiều nhất là 500m2 như gia đình ông Định Nhệnh ở thôn Mời Mít… Tổng trị giá hiện vật bà con đóng góp quy ra tiền lên tới 5 tỷ đồng. Theo rà soát, hiện xã đã đạt và cơ bản đạt 10/19 tiêu chí.
Chia sẻ với phóng viên, ông Định Nhệnh không giấu được sự phấn khởi: “Từ khi địa phương thực hiện XDNTM, tôi thấy quê mình đổi thay nhanh chóng, với những con đường bê-tông sạch sẽ chạy khắp xã, trong khi trước đây, mỗi khi mưa xuống là lầy lội, đi lại khó khăn. Lúc đầu, gia đình tôi cũng không hiểu XDNTM là gì. Sau này, được lãnh đạo xã rồi cán bộ thôn xóm tới tuyên truyền, giải thích, cho xem hình ảnh, chúng tôi hiểu rõ mình chính là chủ thể trực tiếp tham gia, thụ hưởng nên sẵn sàng hiến 500m2 đất để làm đường”.
Thành quả khích lệ
Trong 2 năm qua, bằng việc lồng ghép các nguồn lực của nhiều chương trình, dự án và sự tham gia đóng góp nhiệt tình của người dân, Hòa Bình đã cứng hóa 1.005,9km đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm và nội đồng, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 2.965/8.982km, đạt 33,01%, tăng 11,63% so với năm 2010. Tổng kinh phí thực hiện lên tới 552,3 tỷ đồng, riêng nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động, hiến đất quy ra tiền là hơn 100 tỷ đồng.
Đến nay, 191/191 xã trên địa bàn đã hoàn thành và có quyết định phê duyệt quy hoạch chung, trong đó 118/191 xã hoàn thành và có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã.
Đáng chú ý là, cùng với xây dựng cơ bản, Hòa Bình cũng gặt hái khá nhiều kết quả trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tổng nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn đạt 2.850 tỷ đồng, theo đó, các địa phương đã triển khai thực hiện 60 mô hình nông, lâm, ngư nghiệp; mua sắm 859 máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến; hỗ trợ 37.674 con giống các loại với 21.450 hộ được thụ hưởng; tổ chức 41 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho 1.512 lượt người.
Nhờ đó mà thu nhập bình quân tại đây không ngừng được tăng lên, nếu năm 2010 là 12,3 triệu đồng/người thì năm 2012 là17,8 triệu đồng/người. Đối với khu vực nông thôn, từ 8,3 triệu đồng/người (năm 2011) đã tăng lên 10,7 triệu đồng/người (năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,67% xuống còn 27,5%. Hiện, toàn tỉnh có 137 HTX với 32.720 xã viên; kinh tế trang trại ngày càng nở rộ với 78 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNN. Đến hết năm 2012, Hòa Bình có 1 xã đạt 12 tiêu chí, 7 xã đạt 11 tiêu chí, 12 xã đạt 10 tiêu chí, 9 xã đạt 9 tiêu chí…
Ông Lê Văn Thạch, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, Hòa Bình cũng đang gặp khá nhiều khó khăn như: nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương quá ít so với nhu cầu; việc huy động nhân dân đóng góp bằng tiền còn hạn chế; chi phí vận chuyển cao… Từ năm 2013, tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã phấn đấu về đích thực hiện bê -tông hóa giao thông nông thôn để sớm đạt chuẩn tiêu chí này; còn lại xã và nhân dân chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, thi công và các chi phí khác. Hòa Bình rất mong Trung ương tăng vốn hỗ trợ để địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí XDNTM”.
Đến nay, 100% số xã của Hòa Bình đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung NTM cấp xã; 118 xã đã hoàn thành và có quyết định phê duyệt cả quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 128 xã đã hoàn thành phê duyệt đề án XDNTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã