Học tập đạo đức HCM

Đổi thay trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng

Thứ tư - 28/09/2016 03:49
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam,quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những ngày này, tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, có nhiều công nhân tất bật với công việc dọn dẹp khuôn viên, cắt tỉa cây cảnh cho gọn, đẹp hơn.

Mọi việc đang khẩn trương để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1-10-1876   -  1-10-2016)…

 

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm tọa lạc trong khu vườn rộng rợp bóng cây xanh mát. Trên lối dẫn vào nhà, với hai bên hai hàng chè tàu xanh mướt, đặc trưng lối đi của những ngôi nhà ở vùng trung du Tiên Phước, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân tất bật với công việc dọn dẹp vệ sinh khu vườn, cắt tỉa cây cảnh…

Ông Võ Văn Thương, đang cặm cụi thêm đất vào bồn cây có dây thanh long, chia sẻ niềm tự hào khi được tham gia vào công việc dọn dẹp trong khuôn viên Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

“Cụ Huỳnh một nhà chí sĩ yêu nước cả đời vì dân, vì nước nên tôi rất tự hào khi được góp một phần sức lực để làm đẹp thêm cho Nhà lưu niệm của cụ”, ông Thương chia sẻ.

 
Người dân đang dọn dẹp khuôn viên Nhà lưu niệm để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong Nhà lưu niệm, ông Huỳnh Văn Thoàn (70 tuổi, chắt họ của cụ Huỳnh Thúc Kháng) đang lau bụi bàn thờ và thắp nén nhang cho cụ.

Ông Thoàn cho biết, dù tuổi cao, song ngày ngày ông vẫn không quên nhiệm vụ của mình, thắp nhang viếng cụ, lau chùi sạch sẽ những kỷ vật nơi đây, góp phần giữ gìn cho Nhà lưu niệm luôn trang nghiêm…

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo. Cuộc sống của cụ gặp nhiều khó khăn, sóng gió nhưng bằng nghị lực của mình cụ đã vượt qua tất cả để học hành đỗ đạt.

Năm 1900, cụ đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904, cụ đỗ Tiến sĩ kỳ thi Hội và trở thành một người nổi tiếng của xứ Quảng lúc bấy giờ.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, cụ Huỳnh không ra làm quan mà đi dạy học, tìm hiểu nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi chí hướng canh tân đất nước.

Cụ là một trong những người khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân và sáng lập tờ báo Tiếng Dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, cụ Huỳnh được Bác Hồ tin tưởng giao quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác sang Pháp…

Nhà lưu niệm cũng là ngôi nhà do thân sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869. Ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc nhà rường xưa gồm 3 gian 2 chái với diện tích hơn 90m² và năm 1990 đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia…

Trong ngôi nhà hiện đang lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu, kỷ vật quý về cuộc đời và sự nghiệp chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ở đầu thế kỷ XX, như: Tấm bằng Tiến sĩ của cụ Huỳnh năm 1904; bức ảnh cụ Huỳnh trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946; ảnh cụ Huỳnh với những cộng sự của tờ báo Tiếng Dân năm 1928; thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến” bằng chữ Hán năm 1946 của cụ Huỳnh hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, không giấu niềm tự hào về những đổi thay trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng hôm nay.

Ông Điệp cho biết thêm, người dân của Tiên Cảnh và Tiên Phước nói chung, luôn học tập, noi theo tấm gương nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Tại xã Tiên Cảnh có trường Tiểu học mang tên cụ Huỳnh và ở trung tâm huyện Tiên Phước cũng có Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng…

Ông Điệp trải lòng rằng, những ngôi trường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng không chỉ tưởng nhớ, vinh danh người con ưu tú của mảnh đất Tiên Phước mà còn nhắc nhở các thế hệ phải noi theo tấm gương sáng của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắng sức học hành thành tài, góp phần phụng sự quê hương, Tổ quốc.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tiên Cảnh đã cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cuối năm 2015, Tiên Cảnh là 1 trong 3 xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiên Phước. 

“Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đời sống mọi mặt của người dân trong xã đã được nâng cao rõ rệt.

 

Thu nhập bình quân đầu người hằng năm của xã đạt hơn 24 triệu đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được đầu tư khang trang, tạo dấu mốc mới trong quá trình phát triển đi lên của xã.

 

Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa mức sống của người dân để luôn xứng đáng là quê hương của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng”, ông Điệp hồ hởi nói.

Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Sáng 27-9, tại mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng (núi Thiên Ấn, thành phố Quảng Ngãi), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 140 năm Ngày sinh của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 – 1-10-2016). Tham dự lễ có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam.

Tại Lễ dâng hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh nguyên quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đối với cách mạng Việt Nam và của quê hương Quảng Ngãi.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nguyện khắc ghi công lao, noi gương cụ Huỳnh, học tập, tu dưỡng và phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa quê hương Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

PV

Ngọc Thi/cand.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập683
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,803
  • Tổng lượt truy cập93,149,467
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây