Lãnh đạo một hội doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM chia sẻ rằng có đi ra nước ngoài tham dự nhiều hội chợ quốc tế mới thấy cách mà các công ty trên thế giới tự giới thiệu đang rất khác. Đó là chỉ còn tên, ngành, logo, website và một dọc những mã số như Global Gap, HACCP, BRC, ISO 22.00, GFSF, USDA, Blosuisse…
Và những mã số này chính là tấm giấy thông hành để đưa những thương hiệu đó đi vào thị trường chính ngạch. Bởi lẽ, đó chính là tên các tiêu chuẩn quốc tế. Khi nhìn vào những tiêu chuẩn này, người tiêu dùng mới có đủ độ tin cậy về chất lượng sản phẩm của những công ty đó.
“Giấy thông hành” ra toàn cầu
Kể ra chuyện này để thấy tầm quan trọng của việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế là điều mà các DN Việt nên làm, nhất là trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, để có “giấy thông hành” đi ra thị trường toàn cầu.
Vị lãnh đạo hội DN kể trên cũng nói thêm: khi xuống Đồng Tháp, tiếp xúc với những “thủ lĩnh” nông dân trong nhiều hợp tác xã nông nghiệp, bà có lưu ý với họ đừng tưởng xuất nông sản sang Trung Quốc mà không cần tiêu chuẩn gì.
Với thị trường này, xuất tiểu ngạch và xuất thô thì không đòi hỏi gì nhiều, nhưng việc thả lỏng mậu dịch ở đây chỉ còn thời gian ngắn nữa. Còn để xuất chính ngạch, một DN cỡ lớn của Việt Nam đã từng phải mất 3 năm đạt những chứng nhận quốc tế mới đủ tiêu chuẩn vào Trung Quốc.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo quốc tế ở Tp.HCM ngày 3/4 về Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng để hội nhập thị trường thế giới trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2018 (diễn ra từ ngày 3 – 8/3), bà Trần Thị Thúy Hồng, Giám đốc kinh doanh công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar), cho biết công ty đang quan tâm đến việc đạt những tiêu chuẩn quốc tế để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu (XK).
Thị trường tiêu thụ của DN này (với các sản phẩm chế biến từ cây Atisô) chủ yếu vẫn là trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các công ty bào chế thuốc, ngoài ra mới thâm nhập thị trường Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo bà Hồng, phía công ty đang muốn mở rộng thị trường XK sản phẩm từ Atisô sang thị trường Nhật Bản, EU – vốn là những thị trường khó tính, đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về độ an toàn.
Để nông sản Việt vươn xa ra thị trường toàn cầu đòi hỏi cần phải đủ chuẩn
Chờ doanh nghiệp đủ chuẩn
Thực ra, khi xuất sang Hàn Quốc hay Thái Lan, về mặt tiêu chuẩn, Ladophar không gặp khó khăn gì vì công ty đã đạt chuẩn về Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) cũng như đã được cấp Giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Nhưng DN này đang muốn tìm hiểu thêm là với các tiêu chuẩn hiện tại đã đạt được liệu đáp ứng được đến đâu tại những thị trường XK mà họ muốn thâm nhập để có lộ trình thực hiện.
Cũng theo bà Hồng, Ladophar có ba nhà máy sản xuất và vùng nguyên liệu lớn về cây Atisô ở tỉnh Lâm Đồng. Hầu như các đối tác trước khi ký hợp đồng với công ty đều đến đánh giá về vùng nguyên liệu đã đạt chuẩn về an toàn hay chưa và vừa đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn mà DN đạt được vừa đối ứng với thực tế, chẳng hạn như quy trình sản xuất, về mặt công nghệ…
Thực tế cho thấy, thay vì chỉ gia công, xuất thô, nông sản Việt hiện nay cần phải tính đến việc XK sản phẩm tinh chế, có thương hiệu. Việc xác định uy tín, đẳng cấp, độ tin cậy trên thị trường thế giới đòi hỏi mặt hàng nông sản phải đạt được những tiêu chuẩn phổ quát về mặt chất lượng sản phẩm.
Dù không XK mà khi tiêu thụ trong nước cũng phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Như thông tin của Ban Quản lý Đề án chuỗi thực phẩm an toàn của Tp.HCM, đến nay đã cấp 183 giấy chứng nhận cho 94 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi trên địa bàn Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng 103.138,8 tấn rau củ quả, trái cây/năm, gần 5 triệu quả trứng gà/năm và 0,8 triệu lít nước mắm/năm.
Nên nhắc lại, trong “Báo cáo Quản lý rủi ro An toàn thực phẩm Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới hồi năm ngoái có lưu ý về việc phần lớn các nhà sản xuất trong nước không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, khả năng truy xuất trong toàn chuỗi thực phẩm còn lỏng lẻo.
Theo giới chuyên gia, giấy chứng nhận chuẩn an toàn quốc tế chính là mang đến giá trị thương hiệu cho DN Việt cũng như hỗ trợ DN có thể vươn ra những thị trường khác. Nhưng cần thẳng thắn nói rằng việc XK nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang những thị trường có giá trị cao, chẳng hạn như của EU còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ trọng chỉ 1,8%.
Điều mà nhiều sản phẩm nông sản Việt còn thiếu là chưa đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu về Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU cũng như các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn…, nhất là những quy tắc chung về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.
Thực tế cho thấy, hiện chỉ 4% DN nhỏ và vừa của Việt Nam có quy trình chế biến nông – thủy sản đáp ứng được quy định của các thị trường lớn như EU hay Mỹ, Nhật, Hàn, Australia… Còn lại, hầu hết DN nhỏ và vừa chưa đáp ứng nổi. Cho nên, để nông sản Việt “đủ lông, đủ cánh” ra thị trường thế giới đòi hỏi các DN cần có đủ chuẩn.
Thế Vinh
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã